Dạy và học môn "Lịch sử và Địa lí" - Bài 3: Một số gợi ý về đổi mới dạy học phát triển năng lực
Để phát triển năng lực cho học sinh trong môn Lịch sử và Địa lí, đòi hỏi mỗi giáo viên phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức hoạt động dạy học và đa dạng các hình thức học tập cho học sinh.
>> Bài 1: Thế giới đổi mới giáo dục khoa học xã hội như thế nào?
>> Bài 2: Đặc trưng của học tập phát triển năng lực
Lời toà soạn: Tiếp tục loạt bài về việc dạy và học môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở, bài này sẽ là những gợi ý của Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về đổi mới dạy học phát triển năng lực trong bộ môn này.
Yêu cầu của môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở
Những điểm rường cột căn bản trong mục tiêu của chương trình giáo dục môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở là: thứ nhất, hình thành năng lực lịch sử và năng lực địa lí trên đặc trưng kiến thức và đặc trưng hoạt động của học sinh.
Những năng lực này được thể hiện qua khả năng tìm hiểu, nhận thức đến khả năng thực hành, vận dụng kiến thức lịch sử, địa lí.
Thứ hai, chương trình giáo dục môn Lịch sử và Địa lí nhấn mạnh đến mục tiêu giúp học sinh biết cách sử dụng các công cụ của khoa học lịch sử (như các nguồn sử liệu), công cụ của khoa học địa lí (như các bản đồ, atlat, phương tiện đo đạc địa lí) để học tập và phát triển.
Thứ ba, ưu thế đặc trưng của môn học Lịch sử và Địa lí đó là hình thành ở học sinh tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc với thái độ tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng của văn hóa và lịch sử nhân loại.
Trên cơ sở đó đi đến mục tiêu hình thành cho học sinh niềm cảm hứng tự học, khám phá thế giới xung quanh, bao gồm khám phá thế giới tự nhiên qua môn địa lí và khám phá thế giới qua lịch sử, văn hóa, xã hội.
Trong những điểm rường cột trên, điểm thứ nhất và thứ hai có vai trò quan trọng, đặt cơ sở để hình thành, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh.
Và để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực rất nhiều.
Đổi mới tư duy tiếp cận
Trước hết, các thầy cô giáo cần đổi mới tư duy tiếp cận khi lên ý tưởng tổ chức các hoạt động học trong từng chủ đề, từng bài học và tiết học.
Chúng ta vẫn có thói quen dạy bài nào thì chỉ tập trung vào bài đó. Nhưng trên tinh thần dạy học liên môn, thầy cô phải gợi mở và lựa chọn được những kiến thức trọng tâm của phần địa lí hỗ trợ cho phần lịch sử và ngược lại. Mở rộng hơn là nội dung kiến thức khoa học xã hội bổ trợ cho môn Lịch sử và Địa lí.
Vấn đề thứ hai là phải lựa chọn những kiến thức căn bản, có ý nghĩa nhất trong bồi dưỡng và phát triển năng lực của học sinh.
Vấn đề thứ ba là giáo viên cần suy nghĩ cách tiếp cận khác với tiến trình của sách giáo khoa và lựa chọn cách tiếp cận để học sinh dễ hiểu hơn, hứng thú hơn với bài học.
Thói quen của nhiều giáo viên là chỉ dạy theo tiến trình của sách giáo khoa, như vậy cho an toàn. Nhưng thực tế, đó là biểu hiện của không có tư duy sáng tạo.
Cách tiếp cận mới cần hướng đến là tư duy lội ngược dòng.
Chẳng hạn khi nói đến những thành tựu của cư dân Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại là sáng tạo ra công tác thủy lợi với hệ thống kênh rạch tưới tiêu. Và một trong những đóng góp lớn nhất của họ cho nhân loại trên phương diện kinh tế là một nền nông nghiệp trồng trọt gắn liền với hai hoạt động tưới và tiêu.
Những hoạt động tưới, tiêu này liên quan đến công tác trị thủy và thủy lợi. Vậy chúng ta có thể bắt đầu bài học bằng việc đặt câu hỏi rằng công tác trị thủy và thủy lợi hiện nay có còn tồn tại hay không, vai trò của chúng quan trọng đến mức nào?
Đó là tư duy lội ngược dòng gắn liền với những kiến thức của đương đại, khơi gợi cho học trò sự tò mò, hứng thú học tập đối với môn học.
Hoặc giáo viên có thể vận dụng lý thuyết kiến tạo để truyền dạy kiến thức cho học sinh.
Học sinh tiếp cận các nguồn học liệu và thiết bị đặc trưng của môn học
Thứ hai là giáo viên tổ chức cho học sinh tiếp cận với các nguồn học liệu, các thiết bị đặc trưng của môn học theo hướng tự khám phá, kiến tạo kiến thức cho mình. Việc này phải dựa trên hệ thống những câu hỏi gợi mở từ thầy cô.
Chẳng hạn, chương trình sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6, ở phần Lịch sử, chúng ta thấy người nguyên thủy bao gồm giai đoạn người tối cổ và giai đoạn người tinh khôn. Nhiệm vụ của giáo viên là đặt ra những câu hỏi để học sinh có thể khai thác những kênh hình trong sách, từ đó các em rút ra được những kiến thức cơ bản.
Chúng ta có thể đặt những câu hỏi từ tổng quát đến chi tiết như đời sống vật chất của người tinh khôn và người tối cổ có những điểm khác biệt căn bản nào? Sự khác biệt đó được thể hiện ra sao qua hình dáng, chất liệu của công cụ lao động, nơi cư trú của người tối cổ và người tinh khôn…
Khi học sinh trả lời được các câu hỏi đó, chúng ta có bảng thống kê về đời sống vật chất của người tinh khôn và người tối cổ trong thời đại nguyên thủy. Từ đây các em thấy được rằng để có được những biến chuyển mới thì người nguyên thủy đã phải có tiến trình phát triển hàng triệu năm.
Tương tự vậy, ở phần Địa lý, khi chia sẻ về nội dung hệ quả chuyển động của trái đất quanh mặt trời thì sẽ cần các phiếu học tập với những thông tin để học sinh lấy đó làm cơ sở, cùng với hình ảnh trong sách giáo khoa mà tự làm việc.
Từ đó giáo viên tổ chức cho học sinh chấm chéo lẫn nhau và thống nhất kiến thức rằng: một trong những hệ quả của việc trái đất quay quanh mặt trời đó là xuất hiện 4 mùa ở trái đất.
Đa dạng hóa hình thức học tập
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức học tập, nhấn mạnh quá trình tích cực tham gia và sự độc đáo về sản phẩm học tập của học sinh. Đồng thời kết hợp kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập tích cực, vì sự tiến bộ của người học.
Hình thức học tập đầu tiên có thể kể đến là những trạm góc học tập. Ở mỗi trạm góc học tập này, có thể chia thành trạm quan sát tranh, trạm thông tin tư liệu, trạm làm việc trên internet hoặc trạm học tập với nguồn dữ liệu đặc trưng.
Quan trọng là giáo viên phải có phiếu học tập và hệ thống những câu hỏi gợi mở để học sinh làm việc theo nhóm. Và dựa vào những thông tin của các trạm học tập đó, học sinh trả lời được những câu hỏi và rút ra kiến thức cơ bản trong phiếu học tập.
Hình thức này vừa giúp học sinh được làm việc với các nguồn tư liệu, vừa được vận động trong quá trình học.
Hình thức học tiếp theo là mô phỏng các gameshow như Ai là triệu phú. Cả lớp sẽ chia ra thành các đội chơi và có bạn dẫn chương trình. Giáo viên là người cố vấn từ nội dung, cách thức tổ chức, cho đến việc bình luận kết quả, giải thích sâu sắc những câu hỏi và câu trả lời để khắc sâu kiến thức cho học sinh.
Hình thức học thứ ba là hình thức học từ trải nghiệm, học tập tại thực địa. Nhà trường, giáo viên tổ chức cho học sinh đi đến các địa điểm phù hợp với bài học, kết hợp với những phiếu học tập, hệ thống các câu hỏi gợi mở để hình thức học tập này đạt hiệu quả cao nhất.
Hình thức học tập thứ tư là cho học sinh thiết kế sổ tay du lịch như sổ tay về các nền văn minh Hy Lạp cổ đại, nền văn minh Trung Quốc...
Cùng với các hình thức học tập trên, giáo viên phải kết hợp với việc kiểm tra đánh giá như một hoạt động học và đan xen trong suốt quá trình làm việc của học sinh, kịp thời động viên, khích lệ.
Lúc này, các thang đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng để giáo viên đánh giá học sinh và học sinh đánh giá chéo lẫn nhau. Từ đó, các thầy cô có thể tổ chức đánh giá xuyên suốt quá trình học và biến việc kiểm tra này trở thành một hoạt động học tâp tích cực.