Dậy thì sớm - quá nhiều hệ lụy
Những năm gần đây, số trẻ dậy thì sớm khá nhiều và đây đáng là điều để nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
Dậy thì sớm ngày càng nhiều
Hoảng sợ khi phát hiện con gái 6 tuổi có kinh nguyệt, ngày 10/10, gia đình đưa bé đến bệnh viện Nội tiết trung ương, Hà Nội… Bé gầy, ngực chưa phát triển nhưng có kinh nguyệt - dấu hiệu hoàn thiện dậy thì. Xét nghiệm nội tiết; Xquang; siêu âm vú, ổ bụng, tử cung, vòi trứng không thấy bất thường, chẩn đoán dậy thì sớm… Chỉ định tiêm thuốc ức chế dậy thì, hướng dẫn áp dụng chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp…
Thấy con gái 9 tuổi phát triển ngực, có kinh nguyệt, chị L.H, 35 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội, lo lắng đến mức ăn không ngon, giấc ngủ rốí loạn: Sợ con khó vượt qua trở ngại tâm lý vì còn nhỏ nhưng tháng nào cũng phải lo chuyện đó; rồi mặc cảm với bạn; hạn chế chiều cao…
Chị T.L đưa con gái 7 tuổi rưỡi đi khám vì thấy ngực bé to ra, đau. Xét nghiệm nội tiết, chụp Xquang để xác định tuổi xương, chẩn đoán bé dậy thì sớm, nhưng bác sĩ nói vẫn còn may vì tuổi xương thấp hơn tuổi thật. Bé chưa cần can thiệp thuốc nhưng phải ăn uống theo chế độ chỉ định, tập luyện và khám định kỳ…
Chị K.N phát hiện bộ phận sinh dục con trai to hơn nhiều so với tuổi. Bé mới 5 tuổi rưỡi nhưng nặng 17 cân. Sợ con dậy thì sớm nên N rất hoang mang, tự hỏi sữa công thức có làm dậy thì sớm hay không vì bé uống từ nhỏ…
Thấy con trai mới 2 tuổi nhưng dương vật lớn hơn nhiều so với tuổi, nên gia đình đưa đến bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội. Bác sĩ thấy thể tích tinh hoàn của bé đã 4ml, dương vật dài 8cm, chẩn đoán dậy thì sớm và phải can thiệp thuốc…
Đến tháng 01/2022, bệnh viện Nhi trung ương quản lý hơn 1.000 trẻ dậy thì sớm, trong đó có hơn 500 cháu phải ức chế dậy thì bằng thuốc tiêm. Số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện này tăng dần: những năm 2013 - 2017: 475 trẻ; năm 2018 - 2021: 694 trẻ. Riêng bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh, khám hơn 300 trẻ mỗi năm, trong đó khoảng 40% phải điều trị.
Mức sống tăng cao nên tuổi dậy thì "nữ thập tam, nam thập lục" không còn nữa. Trẻ trưởng thành sinh dục sớm hơn, nhưng trẻ gái có kinh nguyệt trước 9,5 - 10 tuổi và các biểu hiện khác trước 8 tuổi; với bé trai có trứng cá, mọc ria, lông sinh dục… trước 9 tuổi là dậy thì sớm.
Việt Nam chưa có khảo sát tỷ lệ này, nhưng một số thống kê Thế giới cho thấy, dậy thì sớm ở trẻ nữ là 1/5.000 - 10.000 và trẻ gái gấp cả chục lần trẻ trai. Ở Đan Mạch, tỷ lệ này là 20/10.000 trẻ gái và 5/5.000 trẻ trai. Một khảo sát của Trung Quốc thấy, có 31,32% nguy cơ dậy thì sớm trong số 1.258 trẻ 4 - 12 tuổi được khảo sát, nhưng số khám dậy thì sớm lại khá thấp. Tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước.
Nguyên nhân dậy thì sớm
Dậy thì sớm có nguyên nhân hàng đầu là chế độ dinh dưỡng, tiếp đó là đến môi trường sống, di truyền, bệnh lý, đôi khi do mẹ dùng thuốc hoặc bố, mẹ dậy thì sớm con sẽ có nguy cơ cao.
Có hai loại dậy thì sớm thật và giả; loại thật (còn gọi là vô căn) do hệ thần kinh, nội tiết trưởng thành sớm và 90 - 95% trẻ nữ dậy thì sớm là loại này với trục dưới (hạ) đồi thị não - tuyến yên - sinh dục trưởng thành sớm hơn bình thường (vùng dưới đồi thị (một cấu trúc giải phẫu ở mặt dưới (đáy) não giữa, thuộc hệ viền - Limbic system) tiết ra Gonadotropin (Gonadotropin releasing hormon) giải phóng hormon kích thích nang trứng (Follicle stimulating hormon - FSH) và (Luteinizing hormon - LH) từ thùy trước tuyến yên (nằm ngay trên vùng dưới đồi). Hai hormone này kích thích các nang trứng phát triển đến đủ điều kiện thụ thai và sản xuất các hormon nữ Progesteron, Estrogen, lượng nhỏ Testosteron, tác động lên tử cung, tuyến vú, tạo ra kinh nguyệt và các triệu chứng phát dục thứ yếu…). Vì thế, còn gọi dậy thì sớm loại này là thể trung ương và phải can thiệp bằng thuốc ức chế. Loại này có khá nhiều ca dậy thì sớm một phần (biến thể), lành tính hơn, thường xuất hiện một dấu hiệu dậy thì đơn độc và không gây hạn chế chiều cao của trẻ.
Bệnh gây dậy thì sớm giả nhiều nhất là u não, dị tật não; với trẻ nữ khoảng 5 - 10% số ca, trẻ nam khoảng 40 - 50%; ít hơn là do khối u ở buồng trứng, tử cung, tuyến yên, thượng thận hoặc tinh hoàn (gọi là dậy thì sớm ngoại biên).
Bé Emily Dover ở Australia khi sinh nặng 3,6 kg. Đến 4 tuần tuổi bé dài thêm 4 cm chỉ sau 7 ngày. Mẹ bé - Tam Dover nói phải dùng quần áo của trẻ 12 - 18 tháng tuổi. Lên 2, Emily đã phát triển ngực, có núm vú và trứng cá, mùi cơ thể rất rõ. Cha mẹ rất sốc khi thấy con tăng trưởng kỳ lạ…
Các bác sĩ đều cho rằng có thể do di truyền hoặc chế độ ăn uống… Bốn tuổi, bé tiểu có máu và phát hiện đó là kinh nguyệt. Lông mọc rất nhanh ở lưng và bộ phận sinh dục ngoài. Bệnh viện nhi lớn hơn chẩn đoán em mắc bệnh Addison (Thomas Addison (1793 - 1860), người Anh, mô tả năm 1855: suy tuyến thượng thận nguyên phát với thiếu hụt hormon Mineralocorticoid: gây rối loạn nước, điện giải với thiếu ion Natri, thừa ion Kali trong máu, cơ thể mất nước nặng, tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm axit, giảm khối lượng tuần hoàn, tụt huyết áp, trụy mạch; thiếu hụt hormon Glucocorticoid: gây rối loạn chuyển hóa carbonhydrat (đường), tăng nhạy cảm với Insunin, hạ huyết áp, kéo theo rối loạn chuyển hóa, mỡ, đạm; và nhiều rối loạn khác do thiếu 2 hormon này) đa dạng rối loạn trong đó có rối loạn hoạt động sinh dục… Bác sĩ chỉ định liệu pháp thay thế hormon để ngăn chặn phát triển sớm. Tác động điều trị làm bé thay đổi thể chất, xuất hiện dấu hiệu mãn kinh khi mới 5 tuổi.
Năm 2019, Emily 7 tuổi, nặng 65kg, trông như khoảng 23, 24 tuổi và mãn kinh không cải thiện được, khó có thể đưa em trở lại cuộc đời bình thường. Đây là một ca dậy thì sớm có nguyên nhân di truyền hiếm gặp!
Bệnh viện Nhi đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh khám cho bé gái khoảng 17 tháng tuổi, vì ra huyết âm đạo và ngực to ra. Hóa ra, bé vẫn còn bú và mẹ dùng thuốc làm hồng nhũ hoa có chứa Estrogen, cơ thể bé hấp thu chất này nên phát sinh bất thường. Đây là một ca dậy thì sớm ngoại biên và bác sĩ nói nếu mẹ ngừng thuốc thì các biểu hiện của bé sẽ giảm đến hết.
Nếu hai ca trên với căn nguyên hiếm hoi thì nguyên nhân cốt yếu gây dậy thì sớm là: Ăn nhiều thịt; nội tạng động vật; đồ nướng, rán; đồ ăn công nghiệp (patê, xúc xích, lạp xường); nước ngọt có ga; bánh kẹo; có chất bảo quản; lạm dụng thuốc bổ sẽ dẫn đến béo phì - một nguyên nhân lớn của dậy thì sớm và mức độ béo phì tỉ lệ thuận với dậy thì sớm. Nguyên do ăn nhiều thịt cơ thể sẽ tăng bài tiết loại hormon giống Insunin (Insulin-like Growth Factor -1 (IGF-1) hay Somatomedin-C) có vai trò tăng trưởng, nó cùng với hormon tăng trưởng (Growth hormon - GH hay Somatotropin của thùy trước tuyến yên) cộng đồng tác dụng. Đặc biệt, cổ gia cầm và thịt lợn siêu nạc thường đọng lượng nhiều chất tăng trọng (Salbutamol; Clenbuterol; Ractopamin) và thuốc kích thích, bảo quản rau, trái cây (đặc biệt nhiều ở loại trái mùa) kích thích dậy thì sớm rất mạnh. Ăn nhiều các sản phẩm họ đậu nhất là đậu nành có chất Isoflavon - một Estrogen thực vật - rất tốt với phụ nữ trưởng thành đặc biệt tuổi tiền và mãn kinh nhưng là nguy cơ dậy thì sớm. Sữa động vật , kể cả sữa công thức không làm dậy thì sớm nhưng uống quá nhiều sẽ béo phì. Ô nhiễm môi trường với các chất Bisphenol A, Ester phthalat từ các sản phẩm nhựa; Dichloro Diphenyl Trichloroethan (DDT - thuốc trừ sâu); Paraben (bảo quản mỹ phẩm); Phenol (dung môi hữu cơ có trong mỹ phẩm, dầu gội) gây rối loạn nội tiết với hậu quả dậy thì sớm.
Năm 2018, đại học California, Los Angeles, Mỹ, công bố trên Tạp chí Human Reproduction công trình theo dõi 13 năm nhóm phụ nữ mang thai và con họ. Thấy nồng độ cao các chất Phthalat, Paraben và Phenol trong nước tiểu mẹ dễ sinh ra con dậy thì sớm; trẻ gái có nồng độ cao Paraben trong nước tiểu cao phát triển nhanh hơn bạn đồng lứa. Gần đây thấy xem truyền hình, dùng máy tính, điện thoại thông minh nhiều đặc biệt là hình ảnh tình dục cũng thúc đẩy dậy thì sớm!
Khi dậy thì sớm, nội tiết tố sinh dục sẽ thúc đẩy nhanh quá trình cốt hóa sụn liên hợp (tăng lắng đọng Canxi) ở đầu các xương dài (xương cánh tay; đùi; cẳng tay, chân - yếu tố cơ bản quyết định chiều cao) làm chiều cao của trẻ không thể tăng tối đa như dậy thì tuổi bình thường. Bởi khi sụn đã xương hóa thì xương không thể dài thêm được nữa. Nghiên cứu thấy dậy thì sớm chiều cao trung bình trưởng thành giảm đi khoảng 12cm ở nữ và 20cm ở nam. Hậu quả này thường thấy ở dậy thì sớm vô căn, phải can thiệp sớm để trẻ không bị thiệt thòi chiều cao.
Trẻ dậy thì sớm thường lo sợ, mặc cảm, xấu hổ, tự ti với các bạn cùng lứa, rất dễ rối loạn tâm lý khi tâm hồn non nớt; kiến thức, kinh nghiệm sống rất ít ỏi…; nguy cơ cao nhiễm trùng sinh dục; quan hệ tình dục sớm hoặc bị lạm dụng, thủ dâm sớm... Để hạn chế hệ quả xấu nhiều mặt, các bậc phụ huynh cần chú tâm phát hiện các biểu hiện dậy thì để can thiệp sớm, giáo dục giới tính để trẻ vững vàng hơn khi đối mặt. Hạn chế nguy cơ dậy thì sớm bằng tránh các yếu tố nguy cơ và khuyến khích trẻ tập luyện thường xuyên…
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/day-thi-som-qua-nhieu-he-luy-179221025225253546.htm