Dạy con làm vua

11:14 - 30/06/2022

Nhắc đến Từ Dũ Thái hậu ai cũng phải thừa nhận bà là một con người khiêm cung, kiệm ước. Sau này các sách liệt truyện viết bằng chữ Hán, sách báo Quốc ngữ cũng có khá nhiều bài ca ngợi Từ Dũ, một bà mẹ mẫu mực ở nước ta vào cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

Dạy con làm vua - Ảnh 1.

Ngày 7/3/2015, Bệnh viện Từ Dũ đã long trọng tổ chức lễ khánh thành tượng chân dung Hoàng thái hậu Từ Dũ, tượng do điêu khắc gia Phan Thị Gia Hương (Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện với chất liệu đồng thau, kích thước 95cmx80cmx45cm. Tượng được đặt tại khuôn viên Bệnh viện.Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ

Từ Dũ là tên hiệu tôn phong. Tên thật của bà là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1810, con gái ông Phạm Đăng Hưng ở Gò Công, huyện Tân Hòa, Gia Định. Cô gái miền quê Nam Bộ đã được tuyển vào cung, làm vợ vua Thiệu Trị và sinh được con trai là Nguyễn Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này.

Theo quy định của triều Nguyễn không lấy Trạng nguyên, không lập Tể tướng, không phong Hoàng hậu nên Phạm Thị Hằng chỉ có danh xưng quý phi. Vua Tự Đức kính trọng mẹ nên có ý định sắp xếp tấn tôn cho bà giữ ngôi vị Hoàng Thái hậu, nhưng bà nhiều lần từ chối vào các năm 1847, 1858. 

Bà nói với nhà vua, đại ý:

- Tăng thêm hư danh trong cảnh mùa màng thất bát chỉ làm tăng cái thất đức của ta… Ta chỉ mong các công khanh và bề tôi hãy hết sức giúp vua, làm cho ta ngày ngày thấy được sự thái bình của đất nước thì đó mới là niềm vui của ta.

Vì lẽ đó mà mãi tới năm bà 60 tuổi (1870) việc này mới được tổ chức.

Bà Phạm Thị Hằng là người thích sử sách. Mỗi khi vua đọc sách bà lắng nghe và thường góp ý với nhà vua giữ điều thiện để làm gương, ngăn ngừa điều ác để giữ đạo lý. Vua Tự Đức có thói quen chăm chỉ sách đèn ngay cả khi bận bịu những việc quốc quân đại sự cũng bởi chịu ảnh hưởng thúc giục của mẹ. 

Nhà vua kính trọng mẹ, đêm đêm thường đọc sách cho bà nghe. Sau mỗi đoạn đọc về sử Tàu bà thường nói rõ các sự việc, nhân vật nhằm gợi cho Tự Đức những kinh nghiệm để điều hành việc nước. 

Bà thường khuyên nhủ nhà vua phải rút ra bài học về cái đạo trị nước của một ông vua như thế nào. Đặc biệt bà rất ý thức hướng dẫn cho nhà vua hiểu rõ đạo lý dân tộc.

Có chuyện một lần Tự Đức cho đội tuồng Thanh Bình vào cung biểu diễn. Vở diễn dựng lại câu chuyện Phàn Lê Hoa giết anh, giết cha. Những diễn viên đã cố sức trổ tài và thực hiện đúng với kịch bản từ Trung Quốc truyền sang. Nhưng Từ Dũ Thái hậu không vui, bà nói:

- Sao lại diễn cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, em giết anh thì còn gì là đạo lý nữa! Nước mình khác, nước người khác. Ta không được bắt chước mà làm điều bậy! Phải viết lại Tuồng này!

Cả vua lẫn triều thần đều cúi đầu nhận lỗi.

Lần khác, bà hỏi nhà vua về việc dùng người. Bà nhắc vua:

- Từ xưa đến nay, quan lại, một chữ tham là chưa trừ được. Mọt nước hại dân chẳng qua là như vậy… Quan lại bố trí ra tỉnh ngoài, khi về thì vị nào vị ấy cũng chở đầy xe, đầy túi! Của ấy không lấy ở dân thì lấy ở đâu? 

Từ xưa đến nay, quan lại, một chữ tham là chưa trừ được. Mọt nước hại dân chẳng qua là như vậy
Từ Dũ Thái hậu

Bà Từ Dũ còn trực tiếp uốn nắn những sai lầm của vua. Đấy là lúc mới lên ngôi, Tự Đức cũng có nhiều lúc chưa thật chuyên tâm vào triều chính. Các quan phần lớn hoặc sợ hãi, hoặc nể nang không ai can gián. Chỉ có ông Phạm Phú Thứ dám dâng sớ chỉ trích vua. 

Tự Đức tuổi trẻ, hiếu thắng thấy bị trách cứ nên lệnh cách chức Phạm Phú Thứ đuổi về làm lính bên bờ sông Lợi Nông. Bà Từ Dũ hay chuyện đã lựa lời hỏi Tự Đức:

- Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông được cái gì?

Vua trả lời:

- Dạ ông ấy không được gì cả. Nhưng là bề tôi mà trách vua như thế thật là quá đáng!

- Con đuổi ông ta về làm lính, ông ta có oán hận không?

- Dạ, con chưa nghe chuyện ấy!

Bà Từ Dũ hài lòng:

- Thế thì ông Phạm là người đáng trọng. Ông trách vua là ông ấy thương vua, muốn cho vua làm việc tốt. Giúp vua mà bị nạn, lại không hề oán giận thì đó phải là người chính trực, trung thành.

Tự Đức tiếp thu ý mẹ đã lập tức ân xá cho Phạm Phú Thứ và mời ông về kinh đô giao trọng trách mới. Ông Phạm sau này đã giúp vua rất nhiều ý kiến để xây dựng đất nước. Vua Tự Đức luôn ghi nhớ sâu sắc bài học này của mẹ mình.

Về việc riêng, một lần ở Gò Công có người trong họ Phạm (tức người trong họ bà Từ Dũ) ra Huế cầu xin vua Tự Đức ban cho chức tước. Bà ân cần bảo nhà vua:

- Người trong họ của mẹ, không có công lao gì thì không được ban tước lộc. Hễ có ai làm điều gì trái phép nước thì cứ nghiêm trị như thường để làm gương công minh cho dân trong nước biết.

Từ Dũ rất hài lòng khi vua Tự Đức cho biết trong triều có những ông quan mẫu mực văn võ kiêm toàn như Nguyễn Tri Phương hoặc những người công bình chính trực như Vũ Trọng Bình. Bà luôn nhắc vua phải biết dùng người có cả tài lẫn đức. Bà nói:

- Phép trị nước là ở việc được lòng người. Được lòng người thì quan lại mới xứng chức, nhân dân mới lạc nghiệp… Nếu dùng đúng người thì quốc gia không phải lo nữa.

Phép trị nước là ở việc được lòng người. Được lòng người thì quan lại mới xứng chức, nhân dân mới lạc nghiệp… Nếu dùng đúng người thì quốc gia không phải lo nữa.
Từ Dũ Thái hậu

Bà lại nói:

- Nếu được nhiều người như Vũ Trọng Bình và Nguyễn Tri Phương để đặt ở mỗi tỉnh một người thì quốc sự, dân sinh rất nhiều điều tiện ích, khỏi được cái lo ăn ngủ không yên. Thật hận thay cho bọn người tham lam quá nhiều, bóc lột của dân không chán! Họ không biết là của bất nghĩa mấy đời thì hết sạch, con cháu sẽ cùng khốn, bị thiên hạ cười chê. Sao bằng làm nhân nghĩa để để đức lâu dài.

Từ Dũ Thái hậu đã sống trong thời kỳ nước nhà gặp nhiều biến cố. Quân Pháp xâm lược nước ta, lấn chiếm hết nơi này đến nơi khác. Bà đau lòng trước những thất bại đắng cay. Khi được tin Nam Bộ bị mất, bà đã khóc lóc thảm thương và nhịn ăn ba ngày. Đêm 23 tháng 5, kinh thành Huế thất thủ, bà cũng theo vua Hàm Nghi trốn ra ngoài để đi Quảng Trị. 

Do tuổi già, sức yếu không thể chịu đựng gió sương và không muốn cản trở bước đường của đội quân xuất bôn, bà cùng với Tam cung trở về Huế sống một cuộc sống âm thầm, lặng lẽ cho đến khi tạ thế, thọ 93 tuổi.

Vua Tự Đức chịu nhiều ảnh hưởng tốt của bà, học được ở bà đức tính giản dị, không thích phô trương. Đặc biệt học được ở mẹ mình những ứng xử để góp phần điều hành tốt việc trị vì đất nước.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/day-con-lam-vua-17922063010303393.htm