Đầu tư công: Đẩy mạnh ngay từ đầu năm
Một trong những ngành có bước phát triển được quan tâm nhất trong năm 2023 là đầu tư công. Theo đó, ngay đầu năm, Chính phủ đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Bước sang năm 2023, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm là một trong các nhiệm vụ cấp bách đã được định hướng, trong chiến lược về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội".
Theo đó, Chính phủ cũng xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp hằng tháng để chỉ đạo triển khai các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các dự án đường bộ cao tốc đã được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung triển khai thực hiện, tiến độ được cải thiện rõ rệt.
Đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023
Theo báo cáo của VNDirect, dự báo giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 630 nghìn tỷ đồng, tăng 20-25% so với thực tế 2022, qua đó thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành.
Theo ước tính của chuyên gia, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% so với cùng kỳ. Các nhà phân tích đánh giá cao triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.
Cụ thể, với việc khởi công 12 gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng giá trị 52.280 tỷ đồng là một minh chứng cho những nỗ lực của nhà điều hành với một trong những lĩnh vực trọng yếu của đất nước. Bên cạnh gói 12 dự án, 13 gói thầu còn lại tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đường vành đai 3 (TP.HCM) và vành đai 4 (Hà Nội) cũng sẽ là những dự án sẽ được tiếp tục thi công trong năm 2023 để hoàn thành các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm vụ đi đôi với cơ hội phát triển cho các ngành
Có thể nói, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư vào nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp uy tín tham gia đóng góp vào quá trình thực hiện, triển khai các gói thầu của dự án, và cũng tạo ra cơ hội cho chính các đơn vị này có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cũng đã và đang được trực tiếp hưởng lợi trong phát triển, tạo chuỗi giá trị và giải quyết việc làm cho các lao động trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19. Việc mở rộng các dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng, và các dự án đầu tư công nói chung sẽ góp phần tạo dựng, thay đổi diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Một trong các nỗ lực đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải cũng được phép chỉ định thầu tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công sẽ là những tiêu chí quan trọng để lựa chọn nhà thầu. Các chuyên gia cho rằng, những công ty hàng đầu với hồ sơ tốt sẽ có nhiều lợi thế để giành được các gói thầu lớn. Trong đó, một số doanh nghiệp còn được chỉ định tham gia thi công tại 12/25 gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ là những Doanh nghiệp chiếm được ưu thế. Bên cạnh đó theo tiến độ thực hiện các dự án cao tốc, nhóm doanh nghiệp nhựa đường cũng sẽ được hưởng lợi từ ngày Q1/2023.
Bên cạnh các gói thầu giao thông, "siêu dự án" sân bay Long Thành cũng được đánh giá là một cơ hội thăng hoa cho các đơn vị tham gia gói thầu thi công nhà ga và đường băng sân bay sẽ được khởi công trong Q1/23.
Trong đó, các đơn vị đã có kinh nghiệm triển khai các công trình tương đương như nhà ga hành khách, sân bay, đường băng lớn sẽ là ứng cử viên “sáng giá” cho gói thầu thi công đường băng sân bay Long Thành.
Mặt khác, việc khởi công sân bay Long Thành cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu của các doanh nghiệp đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2023-2024.
Nhìn chung, cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh trong năm 2023 đối với một số doanh nghiệp tham gia và được hưởng lợi khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tốc là khả quan. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp được chỉ định với năng lực, kinh nghiệm uy tín lớn. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ cũng hỗ trợ cho việc phát triển của khối ngành như: Việc giảm lãi suất, các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, việc hồi phục của nền kinh tế và từng bước ổn định thị trường hàng hóa, xăng dầu, tiêu dùng và các ngành công nghiệp phụ trợ... sẽ tạo đà mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khối đầu tư công có được lợi thế đi trước so với các ngành kinh tế còn lại.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dau-tu-cong-day-manh-ngay-tu-dau-nam-179230116142706148.htm