Đầu tư cho giáo dục - Thành công từ điểm khởi đầu

08:41 - 27/04/2023

Đầu tư cho giáo dục là một quyết định quan trọng và thông minh, bởi nó mang lại lợi ích lớn cho cả bản thân và xã hội. Tuy nhiên, để đầu tư cho giáo dục một cách hiệu quả, bạn cần phải có một kế hoạch và chiến lược đầu tư phù hợp.

Trước những hiệu quả to lớn của giáo dục mang lại thì việc xác định đầu tư cho giáo dục thôi cũng đã là một hướng đi đúng đắn. Ảnh minh họa: IT.

Trước những hiệu quả to lớn của giáo dục mang lại thì việc xác định đầu tư cho giáo dục thôi cũng đã là một hướng đi đúng đắn. Ảnh minh họa: IT.

Được học luôn là điều hạnh phúc

Có thể rất nhiều người trong chúng ta chỉ xác định việc học tập diễn ra trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, mà quên rằng việc học tập là cơ hội suốt đời, giúp chúng ta nâng cấp bản thân không ngừng và gặt hái được nhiều thành công mới trên đường đời. 

Vì ý nghĩa lâu dài của sự nghiệp giáo dục, việc xác định mục tiêu của đầu tư cho giáo dục phải được ưu tiên lên trên hết cho từng thành viên trong gia đình từ con cái tới cha mẹ. Bản thân các bậc phụ huynh cũng nên có "quỹ đầu tư" cho chính mình để có cơ hội được tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nâng cấp và phát triển bản thân không ngừng. Bạn có thể xác định xây dựng những quỹ chi tiêu trong gia đình, trong đó dành một phần đáng kể cho giáo dục dành cho con em mình. Tất cả đều phải được lên kế hoạch và đầu tư một cách bài bản.

Trước tiên, đối với bản thân, bạn cần xác định kế hoạch của mình là gì? Bạn muốn đầu tư để có được một vị trí cao hơn trong công việc hay để có thể đổi nghề? Hay bạn muốn đầu tư cho một lĩnh vực cụ thể như kỹ năng máy tính, kỹ năng ngoại ngữ hay kỹ năng quản lý?

Đối với con cái cũng vậy. Các bạn trẻ cần được cha mẹ định hướng và hỗ trợ tìm kiếm thông tin và lựa chọn chương trình học phù hợp. Trong quá trình lựa chọn đó, cả phụ huynh và con cái đều cùng nhau tham khảo, xác định được mục tiêu của mình và tham gia vào các nội dung học tập suốt đời để có thể cho mình những cơ hội thành công chắc chắn hơn. 

Một khi bạn còn hứng thú với việc học và được đầu tư cho học hành, đó là một niềm hạnh phúc quý giá và bạn cần cảm thấy biết ơn cuộc đời. 

Lựa chọn thông minh là đầu tư cho giáo dục

Ở các gia đình khắp nơi trên toàn thế giới, việc học luôn là điều cần thiết mà các bậc cha mẹ hướng tới cho con cái. Mỗi bước đi trong cuộc đời, việc tìm kiếm, lựa chọn những trường học tốt, những kiến thức hay, như những kho tàng quý giá dẫn con bạn vào thế giới của tri thức, sức mạnh làm nên tất cả.

Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, các bậc cha mẹ thông thái luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết, để tìm kiếm thông tin về các chương trình học hấp dẫn, nhưng hơn thế nữa, sự tìm kiếm và lựa chọn càng tuyệt vời hơn khi mức độ phù hợp của những gì tìm kiếm được hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu giáo dục và mục tiêu của mỗi gia đình. 

Ngày nay, không khó để mở ra các cánh cửa tri thức. Vấn đề là, bạn cần lựa chọn một chương trình học có chất lượng tốt và được công nhận bởi các tổ chức uy tín. Từ đó, bạn có thể đạt được những mục tiêu học tập mà mình đề ra: Một tấm bằng danh giá? hoặc một kỹ năng mới vượt trội để giúp bạn thành công trong cuộc sống. Tất cả đều cần thiết cho sự nghiệp và đời sống của bạn.

Có thể nói, đầu tư cho giáo dục là một trong số các quyết định quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Nó không chỉ giúp cho cá nhân có một bước tiến đáng kể trong sự nghiệp và tài chính, mà còn góp phần vào sự phát triển của xã hội và quốc gia.

Đầu tư cho giáo dục ngoài việc mang lại những chứng chỉ hoặc bằng cấp để đạt được những tiến bộ trong sự nghiệp, nó còn là một quá trình trải nghiệm thú vị, bạn luôn được ở trong tư thế học hỏi, rèn luyện kỹ năng và từ đây, rất nhiều cánh cửa mới được mở ra cho tương lai của bạn. 

Đầu tư cho giáo dục bao nhiêu là đủ?

Yếu tố quan trọng cho việc đầu tư cho giáo dục đó là nguồn tài chính. Đây là một vấn đề lớn, quyết định toàn bộ quá trình đầu tư. Khi lựa chọn các chương trình đào tạo, giáo dục cho các thành viên trong gia đình, bạn cần tính toán chính xác mức độ thu - chi trong gia đình để có thể quyết định lựa chọn những cơ sở đào tạo, những ngành nghề phù hợp với mức độ tài chính của gia đình. 

Bạn cũng có thể chuẩn bị tài chính cho việc học của mình bằng việc tham gia các sản phẩm đầu tư tiết kiệm tài chính cho giáo dục, tìm kiếm các khoản vay ưu đãi cho giáo dục hoặc bạn có thể săn các quỹ để chinh phục những học bổng miễn phí toàn bộ/một phần giúp bạn thực hiện ước mơ học tập. Bạn cũng có thể tìm hiểu các sản phẩm tiết kiệm giáo dục/du học đang có những mức ưu đãi tốt. Bạn cũng có thể tự tiết kiệm tài chính để có thể trang trải các khoản học phí, chi phí cho giáo dục. 

Khi đã quyết định đầu tư cho giáo dục, bạn cần phải quản lý chi phí và ngân sách một cách hợp lý. Bạn cần phải xác định các chi phí liên quan đến việc học, bao gồm học phí, sách vở, phí tham gia các hoạt động ngoại khóa, chi phí đi lại và ăn uống. Bạn cần phải có một kế hoạch tài chính và theo dõi sát sao để đảm bảo không bị vượt quá ngân sách.

Vấn đề nguồn tài chính cho giáo dục là một vấn đề quan trọng, có mức độ ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục ở tầm quốc gia. Được biết, tại Việt Nam, mức đầu tư cho giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học - công nghệ, quốc sách của nhà nước, nguồn lực tài chính và sự tham gia của các bên liên quan. 

Theo ước tính, ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo. Thực tế, trong 10 năm 2011-2020, mức đầu tư cho giáo dục của Việt Nam có xu hướng tăng đều, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%. Tính theo tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, cao hơn nhiều nước trong khu vực như Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%. 

Ngoài ngân sách nhà nước, các nguồn đầu tư khác cho giáo dục của mỗi quốc gia cũng bao gồm: Đóng góp của gia đình và xã hội; Đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Vốn vay và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. 

Hiện nay, nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục phải tuân thủ các điều kiện và quy trình theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một xu hướng phát triển bền vững mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp xác định hướng tới.

Đầu tư cho giáo dục cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và tài chính. Trước những hiệu quả to lớn của giáo dục mang lại thì việc xác định đầu tư cho giáo dục thôi cũng đã là một hướng đi chắc chắn, đảm bảo cho sự thành công của bất cứ cá nhân, tổ chức và quốc gia nào. Đó là một hướng đi thông thái! 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dau-tu-cho-giao-duc-thanh-cong-tu-diem-khoi-dau-17923042622121407.htm