Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ với quy tắc chống tham nhũng
Đặng Huy Trứ là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ XIX
Nói đến Đặng Huy Trứ, nhiều người, nhất là trong giới nhiếp ảnh, mới chỉ biết ông là người khai lập nghề Nhiếp ảnh ở nước ta. Nhưng trong lịch sử, Đặng Huy Trứ có vị trí và ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Tiến sĩ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), tên chữ Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, tổ tiên quê làng Hà Trung, nhập tịch làng Bác Vọng Đông, ngụ ở làng Thanh Lương, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.
Mộ ông ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền và nhà thờ ông ở làng Thanh Lương, thị xã Hương Trà đều được xếp hạng Di tích quốc gia.
Đặng Huy Trứ - Nhà canh tân giữa thế kỉ XIX
Đặng Huy Trứ là một vị quan thời Vua Tự Đức, được ghi nhận công lao có tư tưởng canh tân. Ông là Tổ nghề Nhiếp ảnh ở Việt Nam; người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu chạy máy hơi nước của phương Tây du nhập vào Việt Nam; người nêu lên các quy tắc phòng, chống tham nhũng, hối lộ trong chốn quan trường triều Nguyễn.
Đặng Huy Trứ đỗ Tiến sĩ năm 1855.
Năm 1856, ông viết bài thơ "Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự" (Ghi lại việc đi quân thứ Đà Nẵng) được xem là thi phẩm mở đường tiên phong cho dòng thơ văn yêu nước chống Pháp.
Từ năm 1856 đến năm 1864, ông lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa; Tri huyện Quảng Xương; Tri phủ Thiên Trường - Nam Định; Hàn lâm viện trước tác; Ngự sử; Bố chính Quảng Nam.
Năm 1865, ông được cử đi Hương Cảng - Trung Quốc xem xét tình hình và đã đem về một cuốn sách kỹ thuật của người phương Tây, viết về máy hơi nước và kỹ thuật đóng tàu chạy máy hơi nước do ông biên dịch sang tiếng Hán.
Năm 1867, trong chuyến đi Trung Quốc ông đã mua được cho triều đình 239 khẩu "Quá sơn pháo" trang bị cho lực lượng Pháo binh Việt Nam.
Ngày 14/3/1869 ông khai trương Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà với máy ảnh, phòng chụp và in tráng film ảnh đầu tiên tại Hà Nội.
Năm 1871, ông giữ chức Bang biện Quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên). Cuối năm 1873 ông lui quân về căn cứ Đồn Vàng – Hưng Hóa dưới quyền Tổng thống quân vụ Hoàng Kế Viêm, mưu tính kháng chiến lâu dài nhưng việc trù tính còn dở dang thì Vua Tự Đức đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874).
Năm 1886, ông làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn tại Hà Nội để chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình.
Ông từng được Vua Tự Đức cử tham gia đoàn đi sứ ở Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La.
Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ XIX với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ - tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại).
Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những 1850-1870.
Con đường canh tân đất nước của Đặng Huy Trứ bị bỏ dở sau khi ông mất. Những nỗ lực canh tân của ông không có đất phát triển do đầy rẫy những biến động về chính trị, giặc ngoại xâm cuối thế kỷ XIX. Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, canh tân dựa vào dân và làm lợi cho dân (công tư lưỡng lợi).
"Từ" và "Thụ" - quan điểm chống tham nhũng rạch ròi
Đặng Huy Trứ không chỉ là vị quan yêu nước, thương dân mà còn là một người cực kỳ liêm khiết.
Cuốn sách "Từ thụ yếu quy" dày 900 trang, gồm 4 tập viết về "Những quy tắc quan trọng của việc từ chối và tiếp nhận" do Đặng Huy Trứ viết năm 1867 là tác phẩm kinh điển trên mặt trận chống tham nhũng dưới triều Nguyễn.
Trong "Từ thụ yếu quy", Đặng Huy Trứ nêu lên 104 trường hợp người làm quan phải biết "Từ" (từ chối nhận quà biếu) để phòng, chống những chuyện mua quan, bán tước; làm sai lệch công lý; đổi tiền lấy điểm; chạy chức, chạy quyền... và chỉ ra 5 trường hợp có thể "Thụ" (nhận) quà biếu của người khác mà không vi phạm pháp luật và lương tâm.
Ông nghiêm khắc nhắc nhở: "Nhận hay không nhận, trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi. Hãy lấy điều tiết kiệm mà giữ mình. Chẳng có ai làm quan được mãi, tiếng xấu sẽ lưu ngàn đời, liệu ta có thể làm ngơ mà mỉm cười nơi chín suối, con cháu ta có thể ngẩng cao đầu về sau…".
Những quy tắc về phòng, chống tệ nạn tham nhũng, hối lộ mà vị quan họ Đặng từng nêu cách đây 155 năm, đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Suốt mấy thập kỷ qua, những tấm gương tày liếp của mấy chục "quan" gian tham, chỉ biết Thụ "càng nhiều càng ít", không hề biết tới chữ Từ... rồi bị khởi tố, đưa ra tòa xét xử, kết án trong sự khinh bỉ của Nhân dân, sự đau buồn của đồng nghiệp, bạn bè, nỗi nhục nhã của gia đình, dòng họ... vẫn treo sờ sờ ra đó.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/danh-nhan-van-hoa-dang-huy-tru-voi-quy-tac-chong-tham-nhung-179220720071729319.htm