Đánh bạc “vui” tại nhà ngày Tết có bị xử phạt?
Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán thường xuất hiện tình trạng tụ tập đánh bạc. Tuy nhiên, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, người đánh bạc trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vậy theo quy định của pháp luật, việc đánh bạc bằng các hình thức như tá lả, tiến lên... vào ngày Tết có phải là hành vi vi phạm pháp luật?
Hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị phạt bao tiền?
Căn cứ vào Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người nào có hành vi đánh bạc sẽ bị xử lý hành chính, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
- Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với các hành vi: Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác; Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép; Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
- Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với các hành vi: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như tịch thu tiền do đánh bạc trái phép mà có.
Bên cạnh đó, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Đánh bạc ngày Tết có thể bị xử lý hình sự
Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội "Đánh bạc" được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với 2 khung hình phạt như sau:
- Khung 1: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hay tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.
Theo quy định của pháp luật, tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc được xác định bao gồm những loại sau:
- Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, người đánh bạc trái phép có thể bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.
Đánh bạc là hoạt động thường diễn ra phổ biến vào dịp Tết. Nếu cùng người thân, bạn bè đánh bạc với mục đích giải trí hoàn toàn, không có mục đích ăn thua (bằng tiền hoặc hiện vật) thì mới không bị xử phạt.
Bởi lẽ, hành vi đánh bạc với mục đích chuộc lợi tài chính sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường, làm rối loạn trật tự an toàn xã hội. Thực tế trong quá trình đánh bạc, việc thắng thua ăn tiền thường gây ra mâu thuẫn khiến các bên gây hấn với nhau, thậm chí có thể gây ra những hành vi phạm tội khác như: giết người, cướp tài sản...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/danh-bac-vui-tai-nha-ngay-tet-co-bi-xu-phat-179240115102056554.htm