Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh "quay xe" đề thi đánh giá năng lực?

11:09 - 13/11/2024

Nhiều giáo viên và học sinh bậc trung học phổ thông hụt hẫng khi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh cấu trúc đề thi đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2025.

Ngày 12/11/2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực và đề thi mẫu được áp dụng từ năm 2025, được điều chỉnh phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh "quay xe" đề thi đánh giá năng lực?- Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ảnh: ĐHQG TP.HCM

Cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025

Theo đó, bài thi gồm ba phần với 120 câu hỏi trắc nghiệm. Cụ thể: Phần 1 - Sử dụng ngôn ngữ 60 câu (tiếng Việt, tiếng Anh); phần 2 - Toán học 30 câu; phần 3 - Tư duy khoa học 30 câu (logic, phân tích số liệu, suy luận khoa học). Tổng thời gian làm bài là 150 phút.

Theo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như, Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan.

Đề thi này nhằm đánh giá đúng năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường đại học, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp. Đồng thời đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc trung học phổ thông.

Đề thi phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên của đại học này.

Giáo viên, học sinh nói gì?

Ngay sau khi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng và đề thi mẫu được áp dụng từ năm 2025, nhiều giáo viên và học sinh bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất hụt hẫng vì Đại học này "nói một đằng làm một nẻo".

Một học sinh lớp 12 ở quận Tân Phú nói rằng, em rất thất vọng vì cả 3 năm học bậc trung học phổ thông, em không chọn môn Sinh học nhưng nội dung đề thi đánh giá năng lực thì có môn này. "Em đã bỏ công luyện thi đánh giá năng lực từ nhiều tháng nay và thật sự không hiểu nổi với cấu trúc đề thi này".

Một giáo viên dạy môn Hoá học ở quận Bình Tân nêu quan điểm: "Sau khi tung hỏa mù bằng thông tin "cho học sinh chọn 3 môn trong 6 môn ở phần III", Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã "quay nhẹ đầu xe" bằng cấu trúc đề thi mới: học sinh thi hết - khỏi chọn".

Cùng là "đọc hiểu", "suy luận khoa học", nhưng tôi vẫn cảm thấy các em học Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ lợi thế hơn, đơn giản là suy luận thì môn nào cũng phải suy luận (tạm coi là như nhau). Nhưng, các em học xã hội sẽ bị vướng vào mê hồn trận các ký hiệu khoa học, đặc biệt là cách đọc các nguyên tố hoá học theo kiểu mới mà các em cố chối bỏ các năm nay. Học sinh đọc mà không hiểu thì lấy gì mà suy luận".

Với cấu trúc đề thi này, hình như Đại học này nhắm vào lượng thí sinh đại trà đông đảo (cho các khối ngành kinh tế nói chung, hoặc nhóm công nghệ thông tin). Nếu dùng bài thi này để tuyển cho các nhóm ngành khoa học kỹ thuật đặc thù thì có vẻ "chung chung" quá. Đặc biệt là các trường Y, Dược sẽ phải cân nhắc lại. Lúc này đánh giá chuyên biệt của đại học sư phạm với hình thức thi các môn riêng biệt sẽ bắt đầu được đặt lên bàn cân.

Có chăng, các ngành với các môn chuyên biệt sẽ xét kết hợp không? Ví dụ: 1 ngành về Hóa học sẽ xét theo công thức: Điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (V-ACT) + điểm học bạ môn hóa 3 năm - hoặc: Điểm V-ACT + điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông môn Hóa học? 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dai-hoc-quoc-gia-thanh-pho-ho-chi-minh-quay-xe-de-thi-danh-gia-nang-luc-179241113110947976.htm