Đại học ở Trung Quốc đăng tuyển nhà vô địch Olympic làm giảng viên thể dục
Theo truyền thông Trung Quốc, thông báo tuyển dụng của Đại học Sư phạm Hàng Châu vào tháng 3/2023, đưa ra yêu cầu cụ thể đối với vị trí giảng viên thể dục là "nhà vô địch Olympic" và "nhà vô địch thế giới".
Giảng viên là "nhà vô địch Olympic" có phải là đòi hỏi rất cao không?
Về vấn đề này, nhiều người xem đã thốt lên: "Thật quá sức tưởng tượng", "Nếu không giành được chức vô địch Olympic, ai có thể vào Đại học Sư phạm Hàng Châu với tư cách là một giảng viên?".
Việc ghi yêu cầu phải là "nhà vô địch Olympic" và "vô địch thế giới" vào thông báo tuyển dụng đã khiến dậy sóng mạng xã hội Trung Quốc và các phương tiện truyền thông. Điều làm công chúng quan tâm là tính xác thực của việc tuyển dụng này.
Theo nhân viên của Đại học Sư phạm Hàng Châu cho biết: "Sự việc này rất bình thường, Su Bingtian - vận động viên chạy 100m huyền thoại của Trung Quốc, cũng là giảng viên trong trường cao đẳng và đại học. Năm nay diễn ra Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu, chúng tôi cũng hi vọng có thể tận dụng cơ hội này để tìm kiếm một giảng viên vô địch Olympic". Tuy nhiên, nhân viên này cho biết thêm, hiện tại chưa tuyển dụng được ai vào vị trí này.
Trung Quốc ngày nay đã trở thành cường quốc huy chương Vàng trong giới thể thao thế giới, quốc gia này ngày càng có nhiều nhà vô địch Olympic và vô địch thế giới. Nếu nhà trường thực sự "chịu chi" để thu hút nhân tài, chắc chắn sẽ nhận được đơn ứng tuyển theo yêu cầu, vận động viên đẳng cấp thế giới không quá khan hiếm ở Trung Quốc.
Ở một mức độ nào đó, việc các nhà cựu vô địch đi dạy ở trường cao đẳng, đại học là một lối thoát tương đối khả quan. Danh hiệu vô địch Olympic và vô địch thế giới không đảm bảo rằng các vận động viên có thể luôn ở "đỉnh cao của cuộc đời".
Theo giới truyền thông, nhiều nhà vô địch sống cuộc sống rất bình thường sau khi giải nghệ, thậm chí có một số trường hợp trắng tay sau khi gặp phải tai nạn.
Do đó, nếu các trường cao đẳng và đại học có thể cung cấp một kênh tái tuyển dụng, thì việc bảo vệ quyền và lợi ích của các vận động viên cũng như khuyến khích mọi người tham gia thể thao sẽ thực sự hữu ích.
Thầy giáo là nhà vô địch - dần trở thành xu hướng
Nhiều vận động viên Trung Quốc đã chọn con đường dạy học sau khi thi đấu đỉnh cao, vận động viên chạy 100m Su Bingtian - Phó Giáo sư tại Đại học Tế Nam, chỉ là một trong số họ. Ngoài ra, Chen Yibing, nhà vô địch thể dục dụng cụ Olympic, đã gia nhập Đại học Sư phạm Bắc Kinh sau khi giải nghệ, Lin Li, nhà vô địch bóng chuyền nữ Olympic hiện là Phó Giáo sư tại Học viện Công nghệ Phúc Kiến, và Luo Wei, nhà vô địch taekwondo Olympic, dạy tại Đại học Yatsen, nhà vô địch cầu lông thế giới Li Lingwei cũng tham gia giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hàng Châu.
Có thể thấy, bến đỗ của các nhà vô địch Olympic tại các trường đại học dần trở thành xu hướng, và "thầy giáo" là nhà vô địch Olympic cũng tạo ra một cú hích về truyền thông. Việc này giúp tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của trường đại học. Do đó, việc tuyển dụng các nhà vô địch Olympic để trở thành giảng viên đại học là một điều tốt cho cả vận động viên và trường đại học.
Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến vầng hào quang trên đầu vận động viên mà bỏ qua việc kiểm tra các phẩm chất khác, khiến nhà vô địch trở thành bình hoa, vật trang trí cho nhà trường thì đó chỉ tạo nên sự phấn khích nhất thời, không phải là giải pháp lâu dài.
Nhà vô địch rốt cuộc không phải là phát ngôn viên của trường mà trước hết là một giảng viên đại học. Vì vậy, không thể chỉ dừng lại ở việc đăng thông báo tuyển dụng một nhà vô địch, mà mấu chốt là làm sao chuyển hóa phẩm chất chuyên môn, tinh thần thi đấu của các vận động viên vào giảng dạy, làm sao để họ trở thành những "người thầy" thực sự có thể "truyền lửa" cho học sinh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dai-hoc-o-trung-quoc-dang-tuyen-nha-vo-dich-olympic-lam-giang-vien-the-duc-17923041019245792.htm