Dải Gaza ẩn chứa nhiều báu vật khảo cổ chưa được phát lộ

17:47 - 27/06/2022

Vô tình phát hiện một phiến đá trên công trường rộng lớn trên Dải Gaza, một nhân viên an ninh không ngờ đó lại là một phần của công trình tồn tại cách đây tới 2.000 năm.

Một ngày tháng 1/2022, khi các công nhân đang làm việc trên công trường rộng lớn ở Jabaliya trên Dải Gaza, Ahmad, một nhân viên an ninh đã phát hiện một phiến đá lộ ra trên mặt đất.

Ban đầu, anh nghĩ rằng đó là một phần trong số các đường hầm mà phong trào Hồi giáo Hamas sử dụng để di chuyển dưới lòng đất, nhưng đó thực ra là một phần nghĩa trang có từ thời đế chế La Mã cổ đại cách đây khoảng 2.000 năm.

Dải Gaza ẩn chứa nhiều báu vật khảo cổ chưa được phát lộ - Ảnh 1.

Phát hiện một nghĩa trang có từ thời đế chế La Mã cổ đại tại Dải Gaza. Ảnh: AFP

Trên Dải Gaza, người dân quen với cảnh đào đất để chôn người chết vì xung đột hơn là đào đất để tìm di sản. Ẩn sâu bên dưới lòng đất ở vùng lãnh thổ liên tục hứng chịu chiến tranh được cho là những báu vật khảo cổ phong phú và đa dạng nhưng chưa được chú ý đầy đủ.

Sau cuộc xung đột tồi tệ gần nhất xảy ra vào tháng 5/2021 giữa quân đội Israel và phong trào Hamas, nước láng giềng Ai Cập bắt đầu thực hiện sáng kiến tái thiết trên Dải Gaza với số vốn đầu tư là 500 triệu USD. Công trường xây dựng tại Jabaliya ở vùng duyên hải phía Bắc của Dải Gaza là một phần sáng kiến này, thuộc dự án xây dựng các tòa nhà kiên cố trong khu vực. Sau khi được báo cáo về phiến đá, người quản lý công trình đã thông báo cho giới chức địa phương và yêu cầu tạm dừng hoạt động tại công trường.

Các chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Premiere Urgence Internationale (Pháp) và Trường Khảo cổ học Jerusalem được mời đến khảo sát và đánh giá về giá trị khảo cổ của khu vực mới được phát hiện. Nhà khảo cổ học người Pháp Rene Elter cho biết trong đợt khai quật đầu tiên, nhóm chuyên gia được cử tới Jabaliya đã phát hiện 40 ngôi mộ từ thời La Mã cổ đại, có từ khoảng thế kỷ thứ nhất và thứ hai sau Công nguyên. 

Nhóm khảo cổ ước tính toàn bộ khu vực này có thể có từ 80-100 ngôi mộ cổ. Tại một trong những ngôi mộ cổ thuộc khu vực, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những bức vẽ nhiều màu sắc với hình ảnh các vương miện và các vòng nguyệt quế cùng nhiều bình chứa nước uống phục vụ tang lễ.

Chuyên gia Elter tin rằng trên Dải Gaza còn nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ nhưng chưa được phát hiện vì công tác khảo cổ khó tiến hành do các cuộc xung đột và hoạt động xây dựng để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng trong bối cảnh dân số đông đúc. Theo ông, để khám phá hết những báu vật ẩn dưới lòng đất của Dải Gaza, cần nhiều đội chuyên gia cùng tiến hành các dự án khảo cổ. Giám đốc Premiere Urgence chi nhánh Gaza, Jihad Abu Hassan, khẳng định dù vùng lãnh thổ này vẫn được thế giới biết đến nhiều hơn qua các thông tin về các cuộc xung đột bạo lực nhưng ngày càng nhiều báu vật khảo cổ được tìm thấy đã chứng minh bề dày lịch sử của nó và đây là những điều cần được lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/dai-gaza-an-chua-nhieu-bau-vat-khao-co-chua-duoc-phat-lo-1792206271734214.htm