Đại biểu Quốc hội: Có dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng đã được rao bán trên mạng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra thực tế, có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán đã xuất hiện trên mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Đề nghị tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội
Thảo luận tại Quốc hội ngày 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, về phát triển nhà ở xã hội, một vấn đề quan trọng nổi lên, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội chưa đúng. Có thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay là thu nhập thấp như trong quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lo ngại: "Có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội, chắc chắn rằng sẽ có người không đúng đối tượng ưu đãi".
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc "lách luật" mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Do vậy, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể trong thanh tra, kiểm tra đối tượng sử dụng nhà ở xã hội. Đồng thời, đề nghị bổ sung một nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách.
Nguồn cung nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế
Mặt khác, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…
Do đó, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà ở xã hội. Đồng thời, sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay... tránh tình trạng chính sách rất tốt nhưng lại bị một "rừng thủ tục" cản trở.
Còn đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, Báo cáo và dự thảo Nghị quyết giám sát đã đánh giá và đưa ra phương án giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp về thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về bất động sản... Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, việc không hợp thức hóa sai phạm cần được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp.
Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm, tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay, giải phóng nguồn lực là một vấn đề khó và cần được cụ thể hóa.
Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, cần phải xác định nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như là sung công hay phá dỡ triệt để.
Đại biểu đề nghị, nếu thực sự do pháp luật không phù hợp thì cần chỉnh sửa, bổ sung và có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước.