Đà Nẵng: Phát triển nền tảng Công dân số, dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

PV
16:50 - 14/09/2022

Sau thời gian thí điểm, đến nay thành phố Đà Nẵng đã có hơn 240.000 tài khoản công dân số. Mỗi người dân có 1 mã QR code duy nhất (theo chuẩn quốc gia), đại diện cho Hồ sơ công dân số để sử dụng trong các giao dịch hằng ngày.

Nền tảng Công dân số

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, nhằm thúc đẩy quá trình hình thành công dân số - một hợp phần quan trọng của xã hội số, kinh tế số và chính quyến số, Đà Nẵng đã xây dựng nền tảng công dân số (dạng Web: myportal.danang.gov.vncongdanso.danang.gov.vn, app mobile tích hợp trên Danang Smart city).

Nền tảng công dân số thành phố Đà Nẵng gồm hồ sơ công dân số cho mỗi người dân (kho thông tin và tài liệu, dữ liệu số) do người dân khai ban đầu và tự động tích hợp, đồng bộ từ các tài liệu, dữ liệu liên quan trong quá trình người dân sử dụng dịch vụ. Người dân quản lý và sử dụng thông tin, tài liệu, dữ liệu số này để sử dụng dịch vụ tiếp theo, không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho cũng như nhận kịp thời các thông tin, hướng dẫn, thông báo cụ thể của chính quyền.

Đà Nẵng triển khai nền tảng Công dân số - Ảnh 1.

Nguồn: VGP

Đặc biệt, mỗi người dân có 1 mã QR code duy nhất (theo chuẩn quốc gia), đại diện cho hồ sơ công dân số để người dân sử dụng trong các giao dịch thực hiện hằng ngày (vào/ra nơi làm việc, thực hiện các dịch vụ với chính quyền, doanh nghiệp như điện, nước, môi trường, y tế, giáo dục, ngân hàng,...).

Nền tảng tích hợp cung cấp đa dạng hầu hết các dịch vụ, tiện ích, thông tin của chính quyền và doanh nghiệp mà ngươi dân là người sử dụng dịch vụ.

Thông tin của người dân được bảo mật theo mô hình 4 lớp do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; xác thực đăng nhập sử dụng qua OTP (tương tự như các ngân hàng đang áp dụng cho khách hàng giao dịch thanh toán).

Mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm:

- Lực lượng tại chỗ;

- Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp;

- Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ;

- Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.

Đến nay, sau thời gian hoạt động thí điểm, nền tảng công dân số đã có hơn 240.000 tài khoản/hồ sơ của người dân. Số lượng đăng ký công dân số chiếm khoảng 40% dân số trưởng thành (mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% dân số trưởng thành).

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết trong 8 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã có một số sản phẩm, ứng dụng mới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số và thành phố thông minh như xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin chuyển đổi số thành phố; xây dựng công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số.

Thành phố đã thành lập thành lập Văn phòng chuyển đổi số và 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ, thôn dân phố với tổng cộng 13.000 thành viên. Đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ dân, hộ kinh doanh cá thể để phổ cập, sử dụng các ứng dụng, tiện ích chuyển đổi số.

Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai, đưa vào sử dụng ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương (115). Trong thời gian tới, sẽ phối hợp cảnh sát phòng cháy chữa cháy (114) và công ty môi trường đô thị để đưa vào sử dụng phân hệ giám sát 114, xe thu gom rác.

Ứng dụng Danang Smart City. Ảnh chụp màn hình

"Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 (theo Thông tư 32/2017/TT-BTTTT) và sử dụng hóa đơn, phiếu thu điện tử trong thu phí, lệ phí, tăng cường sử dụng chữ ký số trong xử lý văn bản và kết quả thủ tục hành chính", ông Trần Ngọc Thạch thông tin thêm.

Từ tháng 9/2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức lồng ghép các nội dung giới thiệu, hướng dẫn sử dụng tới người dân, đặc biệt là các tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến, lan tỏa nền tảng Công dân số đến cộng đồng.

Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số

Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. 

Tháng 8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Đà Nẵng xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. 

Theo Báo cáo của Cục An toàn thông tin, năm 2021, Đà Nẵng xếp hạng A về an toàn thông tin. Còn theo Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2021 thành phố Đà Nẵng thuộc top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử. 

Hiện nay, 100% dịch vụ công của Đà Nẵng đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, 78,92% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến, gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc, 60% hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc, vượt chỉ tiêu tại Kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào cuối năm 2022 là 50%. 

Năm 2021, giá trị tăng thêm của kinh tế số Đà Nẵng là 13.200 tỉ đồng, kinh tế số chiếm 12,57% GRDP thành phố (tổng sản phẩm trên địa bàn), (theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông), đang kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20 % GRDP thành phố.

Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân tại thành phố Đà Nẵng là 2,27, trong khi tỉ lệ trung bình toàn quốc là 0,7. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ này là 3. Công tác triển khai chuyển đổi số đã góp phần triển khai áp dụng công nghệ số và dữ liệu số hiệu quả phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, là một điểm sáng của thành phố, điển hình là ứng dụng cấp Giấy đi đường QRCode, quản lý và kiểm soát khai báo y tế điện tử, khai báo và giám sát, hỗ trợ trực tuyến F1, F0 cách ly tại nhà,... đồng thời đã tạo được thói quen trong quần chúng nhân dân về sử dụng dịch vụ và giao dịch qua mạng.

Nguồn: tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/da-nang-phat-trien-nen-tang-cong-dan-so-dan-dau-ca-nuoc-ve-chuyen-doi-so-179220914163147449.htm