Đà Nẵng: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lồng ghép kiến thức, kỹ năng về Phòng cháy chữa cháy vào trường học
Thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương lồng ghép kiến thức, kỹ năng về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Cùng dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan. Lãnh đạo các địa phương tham dự trực tuyến tại các đầu cầu.
5 năm, Thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 946 vụ cháy nổ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Qua thống kê 5 năm qua trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng đã xảy ra 946 vụ cháy nổ, làm chết 5 người, bị thương 7 người, thiệt hại tài sản khoảng 56 tỷ đồng; tiếp nhận 283 sự cố tai nạn trong đó đã tổ chức cứu nạn cứu hộ 268 vụ, cứu được 127 người, đã tìm được 97 thi thể và đa số các trường hợp này là tử tự.
Thực tiễn cho thấy công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nếu được triển khai tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phần ngăn ngừa được nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất.
Một trong những nội dung quan trọng trong công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sở, ban, ngành, doanh nghiệp, cơ sở trong thực hiện các quy định của pháp luật về Phòng cháy chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ.
Thực hiện các quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời các văn bản quy định của các bộ, ngành Trung ương, thời gian vừa qua, Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị sát với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia vào các hoạt động Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Ngoài ra, hoạt động Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Để thực hiện điều này, thành phố Đà Nẵng đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở làm nòng cốt, trong đó lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng như các cấp tổ chức thực hiện một số nội dung, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về kiến thức Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đến từng hộ dân. Thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thực hiện tốt trong công tác tự kiểm tra về an toàn cũng như tổ chức các hoạt động Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Vừa qua đoàn thanh tra của Bộ Công an đã kiểm tra, thanh tra công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tại Thành phố; đã kiểm tra và lưu ý một số tồn tại, thiếu sót mà địa phương cần phải khắc phục để công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trong thời gian tới được vững chắc.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung về xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ; cải tiến và đầu tư trang thiết bị phương tiện Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ hiện đại bảo đảm được trong tình hình hiện nay. Hiện nay, nhiều công trình, cơ sở có tính chất phức tạp nếu có sự cố xảy ra thì các phương tiện sẽ không đáp ứng được công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương lồng ghép kiến thức, kỹ năng về Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Đề nghị sớm hoàn thành quy hoạch về cơ sở Phòng cháy chữa cháy trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 để triển khai tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong đầu tư giao thông, nguồn nước, mạng lưới thông tin liên lạc cho công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực, phân bổ nguồn lực kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị và phương tiện cho các lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tại địa phương để nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.