Đà Lạt cất lời ca cho chính mình
Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa công cố thành phố này đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Thành phố Đà Lạt vừa được Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) phê chuẩn trở thành thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO. Thành phố này cũng sẽ được tổ chức ngày vinh danh cho riêng mình, đặt dấu ấn riêng của năm 2023 - cột mốc quan trọng đánh dấu thành phố Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893-2023).
Thành phố Đà Lạt cam kết thực hiện các trách nhiệm khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO với 4 nội dung trách nhiệm đối với di sản âm nhạc, tạo điều kiện phát triển âm nhạc cộng đồng; củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật:
- Lưu trữ có hệ thống kho tàng âm nhạc của các dân tộc Đà Lạt.
- Tổ chức các buổi thảo luận do cộng đồng thực hiện.
- Nâng cao năng lực, kỹ năng mềm cho cộng đồng.
- Thử nghiệm sự sáng tạo về âm nhạc.
Một điều thú vị là tên của thành phố Đà Lạt được đặt theo cách ghép các chữ cái đầu của một câu thơ của André Morval: “Dat Alliis Laetitium Alliis Temperriem”, tạm dịch là "nơi đây cho người này niềm vui, người kia sự tươi mát". Có thể thấy, nhờ khí hậu mát mẻ, trong lành, không gian của phố núi Đà Lạt trên cao hoàn toàn phù hợp để trở thành thành phố du lịch thơ mộng, du dương quanh năm tiếng thông reo, suối chảy như một bài ca.
Sư kiện này là cơ hội để Đà Lạt thực hiện cam kết sẽ đề ra chiến lược phát triển chú trọng vào việc phát huy văn hóa và sự sáng tạo, đồng thời cũng cam kết quá trình quy hoạch phát triển đô thị sẽ lấy con người làm trung tâm.
Đà Lạt sẽ có cơ hội thoát khỏi lối mòn cách làm du lịch nhàm chán đang khiến khách du lịch ngán ngẩm ở nhiều thành phố khác. Quy hoạch thành phố sẽ thận trọng hơn và giới đầu tư, starup kinh doanh sẽ tự đào thải những hướng đi không phù hợp, nhất thời, để xây dựng đô thị bền vững với cấu trúc từ âm nhạc. Nói cách khác, Đà Lạt sẽ cất lời ca cho chính mình, trở thành thành phố âm nhạc đúng nghĩa.
Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO hiện có 350 thành phố ở hơn một trăm quốc gia trong đó có Đà Lạt tham gia vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc. Các thành phố sáng tạo sẽ hợp tác tăng cường khả năng phục hồi trước những mối nguy về biến đổi khí hậu, đô thị hoá và bất bình đẳng ngày càng lớn.
Ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược này đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn hóa và âm nhạc.
Năm 2022, Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO đã chọn Đà Lạt và nhiều thành phố khác cho chiến lược này.
Năm 2023, thành phố ghi nhận nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, doanh nghiệp đã tham gia vào chiến lược xây dựng hồ sơ thành phố âm nhạc Đà Lạt, tổ chức nhiều hội thảo khoa học. Thành phố đề ra các giải pháp, sáng kiến để vừa làm tốt công tác bảo tồn âm nhạc truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình âm nhạc; tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân để cùng tham gia vào các hoạt động thúc đẩy thành phố phát triển theo đúng cam kết với UNESCO.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/da-lat-cat-loi-ca-cho-chinh-minh-179231107155045038.htm