Cứu huyền thoại voi Tây Nguyên

17:50 - 15/11/2022

Lần đầu tiên, loại hình du lịch cưỡi voi ở Tây Nguyên chính thức có giải pháp để giảm dần với mục tiêu bảo vệ đàn voi nhà đang kiệt quệ vì phục vụ du lịch.

Cứu huyền thoại voi Tây Nguyên- Ảnh 1.

Mô hình du lịch cưỡi voi lội sông Serepok được đánh giá là đã khai thác quá mức sức voi nhà, khiến đàn voi ở Tây Nguyên ngày càng kiệt quệ. Ảnh: Trương Thuý Hằng

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký quyết định phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi Tây Nguyên sang mô hình du lịch thân thiện với voi tại đây. Dự án do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ.

Dần bỏ du lịch cưỡi voi Tây Nguyên

Đắk Lắk là tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước gồm 5 quần thể: nhỏ nhất gồm 5 - 10 cá thể, lớn nhất có 32 - 36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn.

Cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành, riêng Đắk Lắk, nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi trong thời gian 1979-1980 có 502 con; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980-2000).

Đến năm 2018, con số voi nuôi của Đắk Lắk, giảm gần 100 cá thể so với năm 2000, chỉ còn 45 con.

Dự án thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026 tại huyện Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk bao gồm Vườn quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng. Các công ty du lịch đang hoạt động tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk gồm Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk cũng nằm trong đối tượng mà dự án nhắm tới. 

Tổ chức Động vật châu Á có tổng giá trị khoản viện trợ là 55,452 tỉ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 50,888 tỉ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hằng năm là 4,564 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi nhằm mục đích bảo tồn đàn voi nhà. Voi sẽ được chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi. các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. 

Dự án thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk. và quan trọng hơn cả, là một chiến lược truyền thông nhắm tới, nhà quản lý, chủ voi, nài voi, khách du lịch và cộng đồng, dần từ bỏ hoạt động du lịch cưỡi voi. 

Cứu huyền thoại voi Tây Nguyên- Ảnh 2.

Voi bị xích chân chờ khách du lịch là hình ảnh thường thấy ở huyện Lắk, Đắk Lắk. Ảnh: Trương Thuý Hằng

Cứu huyền thoại voi Tây Nguyên

Trước đó, Tổ chức Động vật châu Á - tổ chức phi Chính phủ có uy tín toàn cầu đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch với Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk. Tổ chức này đã từng tài trợ kinh phí để hỗ trợ việc triển khai phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Đắk Lắk trong vòng 5 năm cho tới 2023.  

Mặc dù vậy, loại hình du lịch tiếp cận với voi không hoàn toàn bị loại bỏ để thay thế hoàn toàn một mô hình thân thiện và văn minh hơn. Chiến lược tuyên truyền của Tổ chức Động vật châu Á và Vườn Quốc gia Yok Đôn không chỉ giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ và bảo tồn voi ở Tây Nguyên, tổ chức này còn tư vấn thiết kế khu vực chăm sóc voi, đảm bảo phù hợp với mục đích và an toàn cho cả voi và khách tham quan.

Mục đích của hợp tác và cam kết giữa Tổ chức Động vật châu Á và Vườn Quốc gia Yok Đôn là thúc đẩy mô hình du lịch thân thiện với voi đầu tiên ở Việt Nam.

Nhiều năm qua, các chủ voi và Vườn Quốc gia Yok Đôn - cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng đã khai thác mô hình du lịch cưỡi voi trong khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk. Mỗi lượt các nài voi đưa khách du lịch qua sông du khách cưỡi voi phải trả phí từ 150 đến 200 ngàn đồng. Chủ voi thu về chi phí từ tiền vé của khách tham quan và cho khách du lịch cưỡi voi đi trong Vườn Quốc gia Yok Đôn khu vực gần sông Serepok, Buôn Đôn và Khu du lịch dịch vụ Buôn Đôn.

Voi liên tục phải chở khách qua sông và đi thăm thú dưới thời tiết nắng nóng không được chăm sóc đúng tiêu chuẩn. Hơn thế nữa, voi có biểu hiện bị ngược đãi, mất đi bản năng sinh đẻ, mất nguồn gen tự nhiên và nhiều hệ lụy khác dưới góc nhìn văn hóa. 

Nhiều năm qua, các nài voi tăng cường thả rông, đưa voi vào để chúng phục hồi bản năng sinh sản nhưng tuyệt vọng. Chưa kể, các cá thể voi nhà thường bị cưa ngà trước, vặt hết lông đuôi voi để phòng trừ trộm có thể đột nhập cắt ngà và vặt lông đuôi của chúng. Các cá thể voi phải thích nghi với hoàn cảnh sống mới nên mất dần bản năng hoang dã.

Cứu huyền thoại voi Tây Nguyên- Ảnh 3.

Voi nhà tại huyện Lắk, Đắk Lắk. Ảnh: Trương Thuý Hằng

Như vậy, với dự án này, Vườn Quốc gia Yok Đôn tự nguyện cam kết không sử dụng voi cho các hoạt động cưỡi voi, lễ hội, các sự kiện cộng đồng hay các trải nghiệm khác mà phía Tổ chức Động vật châu Á cho rằng có thể ảnh hưởng tới voi. Voi được phép di chuyển tự do trong khu vực vườn quốc gia hằng ngày, không bị xích chân kể cả khi không có du khách. Voi không bị còng hai chân trước, hoặc bị xích vào ban đêm.

Với ý nghĩa bảo tồn voi, Tổ chức Động vật châu Á qua dự án này muốn có cái nhìn mới của cộng đồng về động vật hoang dã bị thuần hóa ở Tây Nguyên. Mục đích của các thỏa thuận cũng hướng đến các hợp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam. Một phần của dự án sẽ dành cho nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Vườn quốc gia Yok Đôn, phúc lợi cho động vật, đầu tư mở rộng, chăm sóc voi và quảng bá mô hình dịch vụ mới với du khách có nhận thức khác biệt về sự thân thiện của đời sống con người với môi trường thiên nhiên hoang dã.

Tiến tới bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã bị thuần hóa cho nhiều mục đích của con người 

Hiện tại, Nhà nước đã cấm săn bắn, thuần dưỡng đàn voi hoang dã trong rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, đàn voi đã từng bị săn và thuần hóa trước đây cũng không thoát khỏi những nguy hiểm rình rập. Chúng chết dần vì các hoạt động phục vụ du lịch quá sức, bị săn lấy ngà, nhổ lông đuôi... 

Các gia đình sở hữu voi hiện nay vẫn còn mua bán lại các con voi nhà. Theo truyền thống của người M'nông ở Tây Nguyên, voi được coi là thành viên trong gia đình. Khi rước voi về có cúng tế thần linh ban cho sức khỏe và sự sinh sôi. Tuy nhiên, voi nhà dần mất bản năng hoang dã vì bị bóc lột và bị sử dụng như động vật có sức kéo, vận tải và làm cảnh. Không phải nài voi nào cũng yêu quý và biết cách chăm sóc con vật to lớn của rừng này.

Để bảo tồn voi và bảo tồn cả hình ảnh có ý nghĩa về sự dũng mãnh của con người thuần voi Tây Nguyên, cần có cách nhìn khác, sự ứng xử trân trọng với voi và sử dụng chúng hợp lý với đời sống con người. Một phương thức hỗ trợ về tài chính, về cơ sở hạ tầng và phương pháp sử dụng voi được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuu-huyen-thoai-voi-tay-nguyen-179221115140007913.htm