Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước

08:26 - 26/06/2022

Những tri thức về Trời, về Đất, về Con người đã được người Việt cổ khám phá và ghi lại trong cuốn sách đầu tiên của mình, cuốn "Thiên thư" dùng mở đất mở nước. Gọi là sách nhưng trong cuốn Thiên thư này lại không hề có chữ. "Vô tự thiên thư" mới thực sự là cuốn Sách ước quý giá của tiền nhân người Việt.

1. 

Ở vùng đất tổ tại thị xã Phú Thọ có một ngôi đình đặc biệt là đình Cả thuộc thôn Cao Bang, phường Trường Thịnh. Đình toạ lạc trên đỉnh đồi hình đầu rồng hướng ra phía sông Thao. 

Từ đình nhìn về phía Đông Nam, trông rõ núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng khoảng trên 10 km đường chim bay.

Đình Cả Cao Bang có một bức đại tự, trước làm bằng đá đã bị hủy hoại trong chiến tranh, nay được làm lại bằng gỗ đề: KHỞI BANG THƯ VƯƠNG. Tương truyền nơi đây là nơi Vua Hùng đã nhận được "Sách trời" để khởi dựng đất nước. Do vậy đình Cả Cao Bang còn gọi là đình Thư.

Ở thôn Cao Bang còn có tục xin lửa từ đình đêm giao thừa cầu may. Lửa lấy từ đình Thư là biểu tượng ánh sáng của tri thức ghi trong cuốn "Sách trời". Xin lửa là cầu lấy những tri thức khoa học có thể giúp con người ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ở thôn Cao Bang còn có tục xin lửa từ đình đêm giao thừa cầu may. Lửa lấy từ đình Thư là biểu tượng ánh sáng của tri thức ghi trong cuốn "Sách trời". Xin lửa là cầu lấy những tri thức khoa học có thể giúp con người ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người đã tìm ra cuốn Sách trời là Kinh Dương Vương, vị vua Hùng khởi đầu nước Nam ta như lời thơ cổ trong các thần tích: "Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương". 

"Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả" kể Kinh Dương Vương sau khi lấy Động Đình Long Nữ đã đến vùng "Sơn Tây" nhìn thế đất, chọn long mạch và lập ra kinh đô tại Phong Châu, nước tên Xích Quỷ. Tại đình Cả Cao Bang còn có bức hoành phi khác đề: NGUYÊN QUỐC VIỆT QUANG CƠ, tạm dịch là: Rạng nền móng ban đầu của nước Việt.

Kinh Dương Vương đã đứng bên bờ sông Thao ở bến Bâng, cạnh đình Cả Cao Bang mà suy ngẫm, nhận ra lẽ Trời, thế Đất, quyết định đô tại đây. Nay ở đình Cả Cao Bang còn có phiến đá in sâu 2 dấu chân vua Hùng.

2. 

"Tản Lĩnh ngọc ký" (ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh) kể rằng, chàng trai Nguyễn Tuấn khi lên núi được Thái Bạch Kim Tinh trao cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử, từ đó xưng là Thần sư. Khi đi qua bãi Trường Sa ở bên bờ sông Đà, Thần sư đã cứu con rắn, là con của Động Đình Đế Quân. Đế Quân mời Thần sư xuống thăm Long cung, đi qua tầng tầng lớp gác ngọc lầu châu, dùng tiệc với Đế quân. 

Khi được đề nghị tạ ơn cứu sinh bằng châu báu ngọc ngà thì "Thần sư" đều từ chối, chỉ xin nhận một cuốn Sách thần, có phép nhiệm màu, mọi ý muốn đều thành trong một lời ước.

Nhờ có cuốn Sách ước đó mà Tản Viên Sơn Thánh đã báo hiếu được người mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn Thần Nữ, ước được các lễ vật Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao để làm sính lễ cầu hôn công chúa Mỵ Châu. 

Trong trận chiến chống quân Thục ở Mộc Châu, Thánh Tản đã cầm sách ước đọc thần chú, đã được một Thiên tướng giáng trần, dùng tù và ốc gỗ thổi lên xua tan quân giặc. Cuốn Sách ước đã giúp Thánh Tản trong mọi lĩnh vực, tạo ra của cải vật chất cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo ra sức mạnh chống lại thiên tai nhân họa.

Câu đối ở đền Và, ở thôn Vân Già, Thị xã Sơn Tây, là Đông Cung, nơi triều hội của Tản Viên Sơn Thánh:

Thần linh thiêng, đất linh thiêng, cũng người tôn mà linh thiêng, Cung Đông trấn Tây cao ngất

Núi thành thuật, sông thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Có thể thấy việc Kinh Dương Vương gặp Thần Long bên hồ Động Đình và việc Tản Viên Sơn Thánh cứu con rắn rồi xuống thăm Thủy phủ Long cung là một chuyện. Long cung thủy phủ, nơi Sơn Thánh thụ nhận được cuốn Sách ước chính là tại đình Cả Cao Bang, bên bờ sông Thao xưa.

Cũng tại đình Cả Cao Bang còn có lễ hội rước thuyền rồng thả ra sông Thao vào ngày mồng Ba tháng Giêng, như tưởng nhớ tới việc Kinh Dương Vương cưỡi thuyền đi tìm đất đóng đô, đã tới nơi đây và cũng là câu chuyện Thánh Tản xuống thăm thủy phủ lấy được "Sách trời".

3. 

So sánh với chuyện vua Vũ trong thần thoại Trung Hoa: "… Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông… Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà đồ". Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.

Chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. "Ông già mặt trắng" có thể chính là Thái Bạch Thần Tinh. Thái Bạch = Thái Hạo (Hạo là sáng, bạch), cũng là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn. 

Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy chính là Thái Bạch Tử Vi thần tướng. Phục Hy là vị thần chấn Đông nên cũng có thể là Long Vương Động Đình.

Theo truyện Dịch thì Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (= con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc Thư từ lưng con Thần Quy. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.

Nhờ có sự học hỏi, suy ngẫm về thế giới và xã hội, đúc kết nó trong cuốn Sách ước ngàn đời là Hà thư, Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh đã thành công trong trị thủy, an dân, chống giặc. Đó cũng là ý nghĩa của câu "Long hóa Vũ môn", cá vượt Vũ môn hóa rồng, như bức giả sơn đắp tại đền Và.

"Lĩnh Nam chích quái", Truyện núi Tản Viên: "Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với các loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu". Còn "Việt sử lược" về sự thành lập của nước Văn Lang: "Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương".

Tới đây ta hiểu, "người lạ dùng ảo thuật ở bộ Gia Ninh" đã áp phục các bộ lạc chính là Tản Viên Sơn Thánh, người đã tập hợp nhân dân Việt trong cuộc đấu tranh chống nạn hồng thủy. 

Phép "ảo thuật" ở đây không gì khác là Hà đồ và Lạc thư, là Dịch học của người họ Hùng. Quốc tổ họ Hùng không phải là một thầy phù thủy, mà là một nhà khoa học vào thuở bình minh của dân tộc.

Quốc tổ họ Hùng không phải là một thầy phù thủy, mà là một nhà khoa học vào thuở bình minh của dân tộc


Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 3.

Dấu chân vua Hùng trên tảng đá lớn ở đình Cả Cao Bang. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 4.

Đình Cả Cao Bang. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 5.

Hai bức hoành phi "Khởi bang thư vương" và "Nguyên quốc Việt quang cơ" ở đình Cả Cao Bang. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 6.

Cửa nghi môn đền Và với hình Lưỡng long chầu Thái cực. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 7.

Tượng Tản Viên Sơn Thánh với gậy thần sách ước. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 8.

Ban thờ lộ thiên "Long hóa Vũ môn" trước cửa đền Và. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 9.

Tượng đá cổ Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao cùng với tượng Phù Đổng Thiên Vương ở đền Thượng Ba Vì. Ảnh: MX

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước - Ảnh 10.

Chân tượng Tản Viên Sơn Thánh với gậy thần sách ước, tranh in trong cuốn "Nhất thành khả cách chân kinh". Ảnh: MX







Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuon-sach-dau-tien-cua-nguoi-viet-thoi-mo-nuoc-17922062411461159.htm