Cuộc khủng hoảng cô đơn của người cao tuổi ở Italy

12:16 - 07/06/2022

Mô hình gia đình truyền thống nơi các thành viên gắn bó, chăm sóc lẫn nhau, con cháu chăm sóc ông bà, bố mẹ, còn ông bà truyền dạy kinh nghiệm vốn sống của mình cho con cháu, đang mai một dần trong cuộc sống hiện đại. Nó dường như đã là câu chuyện của quá khứ.

Cuộc khủng hoảng cô đơn của người cao tuổi ở Italy  - Ảnh 1.

Italy là một trong những nước có tỷ lệ người già cô đơn cao nhất trong Liên minh châu Âu. Ảnh: Pixabay/euronews

 Cô đơn khi cao tuổi

Năm 2019, Marinella Beretta, 70 tuổi, sống một mình trong một biệt thự cổ kính nằm ở miền Bắc Italy giữa dãy núi Alps và hồ Como.

Không có gia đình nào khác ngoài một vài anh em họ nên bà đã bán tài sản của mình cho một doanh nhân Thụy Sĩ. Bạn bè của Beretta rất ít và ở xa. Những người quen mà bà giao tiếp chỉ mang tính xã giao, hình thức nên bà ngày càng sống khép kín hơn, cô độc hơn.

Rồi đến một ngày Beretta đột nhiên cảm thấy không khỏe và đã gục xuống bên bàn do bị tăng huyết áp. 

Không ai ở đó, không ai chứng kiến, không ai biết. Beretta ra đi hoàn toàn cô độc.

Cứ như thế, thời gian trôi đi. Các khoản thanh toán từ người mua tài sản của Beretta ở Thụy Sĩ được chuyển vào tài khoản của bà ở ngân hàng. Các loại chứng từ gửi đến. Cây cối, cỏ mọc quanh nhà um tùm.

Chỉ đến năm 2022, khi những người hàng xóm phàn nàn về việc cây cối mọc tràn lan có thể gây nguy hiểm và gọi các nhân viên cứu hỏa đến mới phát hiện ra Beretta đã qua đời, trước đó 2 năm!

Câu chuyện về cái chết trong cô đơn của Beretta đã gây làn sóng chấn động khắp Italia và thế giới. Bộ trưởng Cơ hội bình đẳng và gia đình của Italy, Elena Bonetti, gọi cái chết của bà Beretta là một "vết thương cho lương tâm của chúng tôi". Thị trưởng của Como đã hứa sẽ tổ chức một lễ tang công khai và kêu gọi dành một "khoảnh khắc suy tư".

Rất nhiều người đã cảm thấy kinh hoàng vì tại sao xã hội lại có thể bỏ rơi một trong những thành viên của mình một cách tuyệt vọng như vậy.

Cô đơn - "căn bệnh phong của thế kỷ"

Thực ra, sự cô đơn của Beretta không phải là một trường hợp cá biệt, mà nó phản ánh một cuộc khủng hoảng ẩn sâu trong xã hội, trong các nhà dưỡng lão. Một bức tranh về sự đơn độc của người cao tuổi trong một xã hội dân số đang già hóa, người cao tuổi ngày càng ít giao tiếp với xã hội, xa cách với cộng đồng.

Cụ bà 81 tuổi Gianna Rol cũng sống một mình, tại thị trấn nhỏ Gattinara, miền bắc Italy, không có bạn đời hay gia đình thân thiết. Cuộc sống của bà từng rất sôi động khi từng làm công việc sáng tạo trong ngành công nghiệp thời trang. Nhưng sau khi về hưu sớm và cha mẹ qua đời, Gianna Rol đột nhiên rơi vào vòng xoáy đen tối của sự cô đơn.

"Tôi cảm thấy trống rỗng thực sự," cô thú nhận với Euronews. "Một sự trống rỗng trong mọi giác quan của từ này. Sự trống trải vì không còn người bên cạnh, mà còn là sự trống trải sâu sắc hơn về tình cảm. Tôi vẫn có liên lạc và bạn bè, tôi vẫn muốn nói chuyện với mọi người ở cửa hàng, nhưng tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng".

Mô hình gia đình truyền thống nơi các thành viên gắn bó, chăm sóc lẫn nhau, nơi ông bà, cha mẹ người già truyền dạy kinh nghiệm vốn sống của mình cho con cháu, con cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ, đã mai một dần trong cuộc sống hiện đại. Nó đã là câu chuyện của quá khứ. Xã hội ngày càng trở nên ích kỷ hơn.

Hàng loạt các vấn đề văn hóa, nhân khẩu học và cơ cấu xã hội đã khiến Italy trở thành một trong những nước mà người cao tuổi có mức độ cô đơn và cô lập xã hội cao nhất trên thế giới.

Hiện ở Italy có khoảng 28% người trên 65 tuổi sống một mình, con số này tăng lên gần 50% đối với phụ nữ trên 75 tuổi .

Nhiều cuộc khảo sát xã hội châu Âu khác nhau từ những năm 2010 đã liệt kê Italy là nước có tỷ lệ người cao tuổi cô đơn cao nhất ở EU. Theo một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2021, Italy xếp thứ năm trên toàn thế giới về sự cô đơn.

"Cô đơn là phần nổi của tảng băng. Nó bắt đầu từ tuổi trẻ" - người sáng lập ra Hiệp hội ngăn chặn sự cô đơn Balzano nói.

Chủ tịch Hiệp hội tâm thần học Italia (Associazione Italiana di Psicogeriatria) Marco Trabucchi - người từng gọi cuộc khủng hoảng cô đơn là "căn bệnh phong của thế kỷ chúng ta", đại dịch COVID-19 không làm trầm trọng thêm một tình huống vốn đã rất nặng nề.

Marco Trabucchi nói với Euronews: "Người cao tuổi ít bị ảnh hưởng vì giãn cách phải ở trong nhà và chúng tôi không có dữ liệu cho thấy sự gia tăng của sự cô đơn. "Người già đã cô đơn trước COVID, và vẫn cô đơn sau đó".

Theo Trabucchi, cội nguồn của cuộc khủng hoảng cô đơn ở Italy là ở sự thay đổi văn hóa sâu sắc đã diễn ra trong vài thập kỷ qua.

Khi tiếp cận và tham gia tổ chức phi lợi nhuận - Hiệp hội ngăn chặn sự cô đơn (Stop Solitudine), Gianna Rol thấy có nhiều người có hoàn cảnh như mình đã giúp bà lấy lại năng lượng tích cực.

Tuy nhiên, điều lớn lao hơn mà Gianna Rol nhận thấy đó là giúp ngăn chặn các thế hệ trẻ rơi vào sự cô độc. "Tôi tìm thấy mục đích của mình ở đó, đó là giúp đỡ những người trẻ gặp khó khăn và chào đón họ". Những người trẻ hiện nay sống độc lập mất dần đi các giao tiếp xã hội.


Nguồn: euronews

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuoc-khung-hoang-co-don-cua-nguoi-cao-tuoi-o-italy-179220607115142335.htm