Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên

14:26 - 15/08/2022

Làm chủ công nghệ và chuỗi cung ứng chip bán dẫn chính là làm chủ cuộc chơi công nghệ toàn cầu. Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường chip bán dẫn toàn cầu đang nóng hơn bao giờ hết khi Mỹ quyết đổ thêm hàng chục tỉ USD hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chip bán dẫn quan trọng đến mức nào?

Chip bán dẫn là thành phần cốt lõi cực kỳ thiết yếu không chỉ cho xe ô tô mà còn máy bay, điện thoại, CPU máy tính, tivi, tủ lạnh,… - gần như tất cả các thiết bị điện tử mà bạn có thể nghĩ ra. Đó là chưa kể đến ứng dụng của chip bán dẫn phục vụ quốc phòng an ninh. Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này.

Thị trường chip bán dẫn thế giới có quy mô tới 600 tỉ USD, gấp 5 lần thị trường tivi toàn cầu, gấp 6 lần thị trường trường tên lửa và bom hạt nhân, gấp 15 lần thị trường robot.

Tính trên toàn cầu, số lượng chip xuất xưởng vào năm 2021 lên tới hơn 1,1 tỉ chip, doanh số bán dẫn toàn cầu năm 2021 lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 595 tỉ USD. Đây đều là những con số kỷ lục nhưng cung vẫn không đủ cầu. Năm 2021 cũng là năm thế giới trải qua cuộc khủng hoảng thiếu chip nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Cuộc khủng hoảng này đã làm ngành công nghiệp ô tô toàn cầu lao đao từ cuối năm ngoái và kéo dài sang đến năm nay.

Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên - Ảnh 2.

Dự báo cả năm 2022 có tới 3,8 triệu chiếc xe không thể xuất xưởng vì thiếu chip. Ảnh: The Economic Times

Theo Tập đoàn tư vấn Boston Consulting, chỉ riêng trong năm 2021, số ô tô bị đình trệ sản xuất do thiếu chip lên tới 8 triệu xe, tương đương gần 10% thị trường toàn cầu. Thiệt hại về doanh thu đối với các hãng xe lên tới 210 tỉ USD.

Dự báo trong cả năm 2022, "cơn khát chip" sẽ khiến 3,8 triệu chiếc xe không thể xuất xưởng. Có tới 169 ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip và sản xuất ô tô nằm trong số những ngành chịu tác động nặng nề nhất.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo rằng, sự thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn trên toàn cầu có thể sẽ tồn tại ít nhất sang năm 2023 và có thể lâu hơn.

Chuỗi cung ứng thiết bị điện tử có thể đón những thách thức mới ngay từ đầu năm sau, khi sự thiếu hụt các chip tiên tiến nhất có thể lên tới 20% hoặc cao hơn. Điều này có thể khiến những công nghệ mới, đòi hỏi tính toán hiệu suất cao, xử lý AI... khó được triển khai rộng rãi, đặc biệt trên smartphone, xe tự lái...

Ông Vinay Gupta, Giám đốc Công ty Dữ liệu Quốc tế chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: "Cung cầu trong ngành chất bán dẫn vẫn chưa thể đạt được sự cần bằng. Ngành bán dẫn yêu cầu nhiều vật liệu thô và khí hiếm khi sản xuất. Việc Nga hạn chế xuất khẩu các khí hiếm, bao gồm neon, argon và heli sang các nước "không thân thiện" từ cuối tháng 5 cũng đang khiến nguồn cung trở nên khó khăn".

Cuộc đua công nghệ chip bán dẫn toàn cầu

Ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỉ USD nhằm thúc đẩy các ngành công nghệ cao ở nước này. Mỹ dự tính sẽ chi 200 tỉ USD trong 10 năm nghiên cứu công nghệ bán dẫn, trước mắt chi 52 tỉ USD trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip kéo dài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định: "Tương lai ngành sản xuất chip bán dẫn sẽ nằm tại nước Mỹ".

Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên - Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỉ USD, hỗ trợ tài chính cho các công ty chip đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Ảnh: AP

Trung Quốc chỉ trích đạo luật chất bán dẫn của Mỹ là mối đe dọa đối với thương mại khi sẽ "làm gián đoạn thương mại quốc tế và tác động xấu đến chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu", đồng thời là một cuộc tấn công vào doanh nghiệp Trung Quốc, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng đạo luật của Mỹ có thể là một phần phản ứng của nước này với cảnh báo rằng nguồn cung có thể bị gián đoạn nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan - một khả năng được bàn đến nhiều sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan tuần rồi.

Trung Quốc từ lâu được đánh giá là thế lực đáng nể trong lĩnh vực sản xuất công nghệ. Nước này đã nhanh chóng giành chỗ đứng trên thị trường chip bán dẫn, trong đó đứng đầu toàn cầu về lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm và đứng thứ 4 (trước Mỹ) về chế tạo tấm wafer - một thành phần quan trọng trong sản xuất chip.

Mỹ hiện phụ thuộc Trung Quốc về sản xuất chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ khi các công ty Mỹ như Apple, Google, Microsoft... đều có đối tác đặt nhà máy tại đây. Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến các nhà máy bị đình trệ và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nhiều khu vực đang xem xét lại cách tiếp cận để có thể độc lập hơn và giảm sự phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất chip của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia của Mỹ, đạo luật Khoa học và CHIPS có khả năng thúc đẩy nhiều công ty đưa nhà máy đến Mỹ hơn trong thời gian tới. Theo công bố của Tổng thống Biden, gói tài trợ 52 tỉ USD trong khuôn khổ đạo luật mới sẽ được giải ngân trong 5 năm tới để mở rộng sản xuất bán dẫn của Mỹ, trong đó bao gồm 1,5 tỉ USD hỗ trợ cho các công ty viễn thông cạnh tranh với các công ty Trung Quốc như Huawei. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn cũng sẽ được khấu trừ thuế 25%.

Về phía Trung Quốc, nước này vẫn tập trung phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn như một phần của kế hoạch 5 năm được Bắc Kinh công bố năm ngoái.

Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên - Ảnh 4.

Trung Quốc chỉ trích Đạo luật của Mỹ làm gián đoạn thương mại quốc tế và tác động xấu đến chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Ảnh: AFP

"Ngày càng có nhiều sự công nhận rằng công nghệ sẽ quyết định ai chiến thắng trong nền kinh tế toàn cầu thời gian tới" - bà Kenton Thibaut, chuyên gia của tổ chức Atlantic Council's Digital Forensic Research Lab (Mỹ), cho hay. Dù vậy, bà cũng nói thêm rằng việc hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực sản xuất chip vẫn rất khó vì cần đạt được "độ chín" trong nhiều lớp công nghệ và các lĩnh vực chuyên sâu liên quan.

Theo CNN, công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip có hợp đồng lớn nhất thế giới đã bắt đầu kế hoạch đầu tư 12 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Arizona (Mỹ), dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2024. Một nhà sản xuất Đài Loan khác là GlobalWafers gần đây cũng đã cam kết 5 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Texas.

Trước đó, các công ty SK Group và Samsung của Hàn Quốc cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Mỹ bằng các kế hoạch hàng chục tỉ USD để xây dựng nhà máy. Các công ty bán dẫn trong nước như Intel cũng làm điều tương tự.

Để giữ vị thế cường quốc bán dẫn, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch hỗ trợ thuế, tài trợ cho các nhà sản xuất chip, thiết lập các cụm nhà máy để ổn định chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Nhật Bản, đã công bố chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, mục tiêu tăng gấp 3 lần doanh số lên 118 tỉ USD. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều nhấn mạnh sự hợp tác với Mỹ trong cuộc chạy đua này.

"Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển Nhật - Mỹ về thế hệ bán dẫn tiếp theo. Nhật Bản sẽ nhanh chóng hành động bằng việc thành lập một đơn vị nghiên cứu và phát triển mới về vật liệu bán dẫn'', ông Koichi Hagiuda - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tuyên bố.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nhiều lần đánh giá cao tầm quan trọng của việc chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, cụ thể là chuyển chuỗi cung ứng qua các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật.

Không nằm ngoài cuộc đua, hãng công nghệ bán dẫn hàng đầu TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng cam kết chi thêm 100 tỉ USD trong 3 năm tới để tăng năng lực sản xuất. Trung Quốc cho biết sẽ nhanh chóng mở rộng sản xuất nhà máy của SMIC.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng bơm hàng chục tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của toàn khu vực. Theo đạo luật về chip được thông qua hồi tháng 2, EU cho phép các quốc gia thành viên trợ cấp ngành sản xuất chất bán dẫn, mục tiêu là tăng gấp 4 lần hoạt động sản xuất, chiếm 20% thị phần ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2030.

Ông Thierry Breton - Ủy viên EU về Thị trường nội khối, cho biết: "Tăng cường năng lực công nghệ bán dẫn không chỉ là tăng khả năng lãnh đạo mà còn tăng cường an ninh nguồn cung. Chúng tôi không chỉ phát minh mà còn phải sản xuất nữa. Đó là bài học từ khủng hoảng vaccine. Nếu không sản xuất, nguồn cung có thể sẽ cạn kiệt".

Tại Đông Nam Á, Malaysia cũng đã bước chân vào cuộc đua công nghiệp bán dẫn với mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực, biến khu công nghệ Penang trở thành thung lũng Silicon của châu Á. Năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn, điện, điện tử của Malaysia đã trở thành ngành tăng trưởng chính, với 94 dự án đầu tư được phê duyệt, tổng trị giá hơn 37 tỉ USD. Malaysia cũng đóng góp hơn 5% tổng số vật liệu bán dẫn bán ra toàn cầu những năm qua. Nhiều tên tuổi hàng đầu của ngành bán dẫn thế giới đều đã có mặt hoặc ngỏ lời muốn đặt nhà máy tại Malaysia.

Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên - Ảnh 6.

Mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ chip bán dẫn. Ảnh: AP

Sản xuất chip là một lĩnh vực rất tốn kém, chi phí xây dựng một nhà máy chip lên đến 20 tỉ USD. Nhưng đổi lại, việc thu hồi vốn và hết khấu hao cũng rất nhanh, theo ước tính vào khoảng 5 năm. Quan trọng hơn, tự chủ nguồn cung chip là chìa khóa đảm bảo chủ quyền kỹ thuật số, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro trong một thế giới nhiều thách thức và biến động hiện nay. Cao hơn thế, chip liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.

Chính vì vậy, cuộc đua chip sẽ tiếp tục là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, châu Âu, châu Á trong tương lai.

Vai trò của Việt Nam trong cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu

Theo Global Times, trong khi làn sóng chuyển giao dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn còn thu hút nhiều sự chú ý, mới đây, Việt Nam lại tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023.

Các chuyên gia đánh giá, với vai trò và tầm ảnh hưởng của của mình trên thị trường toàn cầu, hành động mới nhất của Samsung sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai.

Cuộc đua chip bán dẫn toàn cầu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng lên - Ảnh 7.

Nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Dưới góc nhìn chuyên gia, nhà phân tích Gu Wenjun của Xinmou Research cho rằng thế giới đang cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Các nước Đông Nam Á đang được hưởng lợi khi thu hút nhiều tập đoàn quốc tế đến đầu tư. Trong đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn với những khu công nghiệp chuyên về kiểm nghiệm và đóng gói chip.

Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn và có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% mỗi năm. Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua. Việt Nam được biết đến là thị trường mới nổi ở khu vực châu Á trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngoài Samsung, Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel. Intel Products Vietnam (IPV) được đầu tư 1,5 tỉ USD, có hơn 2.800 nhân viên và là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Tính đến năm 2021, IPV đã vận chuyển hơn 3 tỉ sản phẩm đến với khách hàng của Intel trên toàn cầu.

Ngoài hai ông lớn Samsung và Intel, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics, một công ty con của ASE Semiconductor của Đài Loan hay Renesas Electronics của Nhật Bản.

Ông Steve Long, Tổng giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Intel cho rằng: "Môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cùng lực lượng lao động trẻ và tài năng là lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn". Việt Nam hoàn toàn có khả năng thiết đặt cơ sở hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ các hoạt động sản xuất tiên tiến.

Tuy nhiên, hiện trạng ngành bán dẫn Việt Nam cũng phản ánh tình hình chung của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Các cơ sở sản xuất trong khu vực chỉ đang làm nhiệm vụ lắp ráp thành phẩm và xuất khẩu linh kiện vốn có giá trị thấp trong chuỗi cung ứng. Dù có nhiều tiềm năng, các chuyên gia cũng chỉ ra rào cản lớn nhất với ngành bán dẫn Việt Nam hiện nay là thiếu lao động có tay nghề cao.

Nguồn: tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuoc-dua-chip-ban-dan-toan-cau-toan-cau-se-tiep-tuc-nong-len-179220815124256075.htm