Cuộc đời kỳ lạ của rùa sông Malaysia và chuyến du lịch Việt Nam bất đắc dĩ

17:42 - 19/07/2022

3 lần lưu lạc và nhiều đợt bùng dịch COVID-19 khiến con rùa sông cỡ lớn nguồn gốc Malaysia chưa thể trở về cố hương. Đây là con rùa đặc biệt nhất trong số các loài rùa cạn, rùa nước ngọt châu Á hiện đang ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Tháng 7/2022, chúng tôi có chuyến thăm Trung tâm Bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tại đây, chị Nguyễn Thu Thủy - điều phối viên chương trình cứu hộ, đào tạo và là Quản lý động vật của Trung tâm đã giúp chúng tôi tìm hiểu về hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, chiêm ngưỡng các loài rùa quý hiếm thuộc các dự án bảo tồn: Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis), Nhóm rùa hộp trán vàng (Cuora spp),  Rùa đầu to (Platysternon megacephalum)...

Cuộc đời kỳ lạ của rùa sông Malaisia và chuyến du lịch Việt Nam bất đắc dĩ - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thu Thủy tại Trung tâm Bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh Vĩnh Khánh

Chị Nguyễn Thu Thủy đã làm việc tại Chương trình bảo tồn rùa châu Á từ năm 2009 sau khi tham gia khóa tập huấn kỹ năng nghiên cứu thực địa về rùa cạn và rùa nước ngọt vào năm 2009. Chị tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với đề tài nghiên cứu về bảo tồn rùa sa nhân tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. 

Chị Thủy điều phối cứu hộ các cá thể rùa được tịch thu từ buôn bán động vật hoang dã cũng như phối hợp với các trung tâm cứu hộ khác nhằm tăng cường năng lực cứu hộ và bảo tồn rùa ở Việt Nam.

Ngoài chuyện nuôi dưỡng, quản lý bảo tồn các loại rùa quý hiếm tại Trung tâm, Chị Thủy cho biết Trung tâm hiện đang nuôi theo cách hoang dã một con rùa Malaysia kích thước lớn. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh con vật, chị từ chối, vì tất cả các động vật được nuôi ở đây đều không có can thiệp cưỡng bức từ người.

Các cá thể rùa quý hiếm đang được bảo tồn tại Trung tâm Bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Vĩnh Khánh

Con rùa Malaysia được nuôi như những con khác, không gọi lên ăn, không cưỡng bức di chuyển, chụp ảnh hoặc là cưỡng bức tác động âm thanh, ánh sáng, sao cho động vật được nuôi giống nhất với thả tự nhiên nhằm phát triển kỹ năng hoang dã của động vật.

Rùa Malaisia orlitia borneensis là loài rùa mai cứng có kích thước lớn nhất Châu Á, thường phân bố ở Malaysia, Indonesia hoặc Borneo và hiện đang ở trong tình trạng nguy cấp do IUCN nhận định.

Tháng 1/2018, con rùa orlitia borneensis được tìm thấy ở Ba Vì, Hà Nội. Vào lúc Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì tiếp nhận, cá thể rùa orlitia borneensis này nặng 23kg. Sau đó, Trung tâm Bảo tồn rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận và chính thức đặt tên là Orlitia, theo tên loài của nó. 

Chuyến xa quê "bất đắc dĩ"

Trước khi về Vườn Quốc gia Cúc Phường, tháng 11/2017, Orlitia được một ngư dân bắt lên từ hồ Suối Hai, Ba Vì, Hà Nội. 

Lúc bắt lên bờ, do con rùa có kích thước khổng lồ, các ngư dân địa phương đã lầm tưởng đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm. Trước đó, các cá thể loài rùa Hoàn Kiếm từng được tìm thấy trong các hồ khu vực này. 

Người bắt rùa sợ hãi, và tin đó là "rùa thần" cho nên không dám ăn thịt và đã bán lại cho một người khác. Người này sau đó đã thả con rùa to lớn về lại hồ và cho rằng đây là hành động đúng đắn để bảo tồn rùa.

Tuy nhiên, Chương trình bảo tồn rùa châu Á thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation sau khi nắm thông tin việc này đã xác định rằng cá thể rùa này là rùa khổng lồ Malaysia, không cùng loài với rùa Hoàn Kiếm. 

Họ cho rằng có khả năng cao cá thể rùa này đã được buôn lậu qua Việt Nam thông qua nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và bằng cách nào đó nó đã được thả hoặc trốn thoát nhiều lần qua các hồ khác nhau. 

Thậm chí, các chuyên gia nghiên cứu đánh giá con rùa thuộc loài orlitia borneensis này đã thoát ra tự nhiên khá lâu. Nó đủ sức chống chọi với mùa đông lạnh giá ở miền Bắc Việt Nam vì nó vốn là loài vật nhiệt đới, quen với sông suối và môi trường nhiệt độ cao. 

Orlitia tại thời điểm gia nhập Trung tâm bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Trung tâm ATP

Sau khi được thả lại hồ Suối Hai, 2 tháng sau thì Orlitia lại bị một người đánh cá bắt được. Chương trình Bảo tồn rùa lúc này đã có thông tin và nhanh chóng cùng với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn giải cứu và chuyển đến Trung tâm Bảo tồn rùa thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương vào tháng 1/2018.

Hành trình hồi hương chưa có hồi kết

Hiện nay, Orlitia ở trong một nhà kính tạm thời nằm trong Trung tâm Bảo tồn rùa, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Riêng cá thể rùa lớn này vẫn được chăm sóc chu đáo và ở riêng trong khu sinh cảnh bán hoang dã gồm một ao nhỏ, chế độ ăn riêng.

Ngôi nhà kính để ngăn nhiệt độ xuống quá lạnh vào mùa đông. Song, vì con rùa quá lớn, việc xây dựng một khu chuồng, cho ăn đối với Orlitia gặp nhiều khó khăn.

Chương trình bảo tồn rùa Cúc Phương đã phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn Rùa Malaysia và Tổ chức Traffic tại Malaysia với mong muốn đưa cá thể rùa này hồi hương để thả vào công viên quốc gia của Malaisia hoặc có thể nhân giống bảo tồn tại quốc gia của họ. Nơi rùa có thể phát triển tốt nhất và có giao phối, nhân giống. 

Nhưng việc kết nối chưa xong thì xảy ra đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, các phương án đưa rùa trở về nước bất khả thi. Việc liên lạc giữa 2 trung tâm bảo tồn rùa của 2 quốc gia bất cập vì có thay đổi nhân sự. Việc đưa Orlitia trở lại Malaysia bị đình trệ.

Và Orlitia con rùa lớn cô đơn và dữ dằn - tên thường gọi của các nhân viên Trung tâm bảo tồn rùa dành cho con rùa Malaisia - vẫn phải sống trong chờ đợi. 

Chị Nguyễn Thu Thủy cho biết phía Việt Nam vẫn đang ra sức thúc đẩy việc đưa cá thể rùa này về quê hương sớm nhất có thể. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cuoc-doi-ky-la-cua-rua-song-malaisia-va-chuyen-du-lich-viet-nam-bat-dac-di-179220719160722197.htm