Cụ ông 73 tuổi tự học tiếng Anh: Tôi là bạn học của con mình
"Hello. Nice to meet you. Welcome to my home" (Xin chào. Rất vui được gặp bạn. Chào mừng đến nhà của tôi). Lời chào đón từ cụ ông 73 tuổi, giản dị trong chiếc áo sơ mi trắng đón khách khiến tôi không khỏi bất ngờ. Lần đầu tiên, tôi được nghe lời thoại tiếng Anh từ một người cao tuổi với phong thái tự nhiên đến vậy.
Đó là ông Trịnh Văn Tiến hiện là Bí thư Chi bộ số 4, phường Phương Mai; Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phương Mai; Phó ban Thanh tra Nhân dân phường; Ủy viên ban Thường vụ Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường; Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 4; Ủy viên ban Chấp hành Hội Khuyến học phường Phương Mai, Chi hội trưởng Hội Khuyến học khu dân cư số 4.
Ở khu dân cư số 4, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, ông Trịnh Văn Tiến (73 tuổi) không chỉ nổi tiếng bởi đã đảm nhiệm tốt nhiều công việc chính trị - xã hội của khu phố mà còn vì khả năng sử dụng hiệu quả tiếng Anh và tin học vào hoạt động của mình.
Ông Tiến đảm nhiệm nhiều vị trí như vậy đã hơn 15 năm nay nhưng đặc biệt là công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, nhận giấy khen của các cơ quan, đoàn thể. Ông bật mí rằng, mặc dù đảm trách nhiều công việc như vậy, nhưng ông chẳng thấy mệt gì cả là do có máy tính, có công nghệ hỗ trợ nên rất nhàn.
Năm 1971, chàng sinh viên Trường Đại học Xây dựng mang tên Trịnh Văn Tiến lên đường nhập ngũ vào chiến trường thành cổ Quảng Trị theo tiếng gọi của của Tổ quốc. Chứng kiến và trải nghiệm đầy đủ những đau thương, mất mát của chiến tranh, ông càng quý giá từng ngày được sống, chỉ mong được cống hiến, được hoàn thành khát vọng học hành từ thời trai trẻ.
Trịnh Văn Tiến may mắn sống sót trở về năm 1973, được quân đội cử đi học tại Học viện Phòng không, tốt nghiệp trở thành sĩ quan có quân hàm Thiếu úy, rồi tiếp tục đi học Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, trở thành kỹ sư xây dựng, mang quân hàm Trung úy.
Ông Tiến được về hưu sớm theo chế độ Nhà nước quy định, 2 con của ông khi đó mới học lớp 1 và lớp 3. Có nhiều thời gian chăm sóc con cái, ông luôn đau đáu về việc hỗ trợ con học như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh giáo dục đạo đức, phẩm chất cho con, ông Tiến cũng theo dõi sát sao những kiến thức mà con được học trên lớp.
"Bác Hồ khi xưa nhờ đa dạng phương pháp học, sử dụng tốt ngoại ngữ mà tiếp cận được những tư tưởng mới, qua đó tìm ra con đường cứu nước nên dù thế nào cũng không thể xem nhẹ môn Tiếng Anh được", ông Trịnh Văn Tiến quan niệm.
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người đầu tư cho con em mình học môn Toán và Tiếng Việt là chính bởi sát với thực tế cuộc sống, ứng dụng được luôn, còn môn Tiếng Anh được coi là môn phụ, nhất là ở cấp tiểu học, học sinh chỉ tìm hiểu tiếp cận để biết mặt chữ. Người ta bảo cứ tốt nghiệp đại học rồi tìm hiểu Tiếng Anh vẫn chưa muộn.
Ông Tiến nghĩ khác, háo hức với những điều mới lạ, chân trời học vấn mà mình chưa chạm tới, ông ý thức được vai trò của ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, Tin học. Một quyết định mạnh mẽ, táo bạo của ông là đã hướng hai con của mình học tốt cả môn học này.
"Môn Toán, Tiếng Việt được thầy cô tập trung nhiều giờ dạy trên lớp rồi. Còn Tiếng Anh được ít thời gian học hơn nên về nhà phải học thêm, bố mẹ phải hỗ trợ các con thêm môn này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là Bác Hồ khi xưa nhờ đa dạng phương pháp học, sử dụng tốt ngoại ngữ mà tiếp cận được những tư tưởng mới, qua đó tìm ra con đường cứu nước nên dù thế nào cũng không thể xem nhẹ môn Tiếng Anh được", ông Tiến quan niệm.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, vị cựu chiến binh trở về từ mặt trận này còn đồng hành, hướng dẫn và học cùng con môn tiếng Anh, lúc ấy vẫn còn rất xa lạ với những người tầm tuổi của ông và thời cuộc.
Ông Tiến kể, hồi đó, trên truyền hình, sau chương trình thời sự tối, có chương trình dạy học tiếng Anh của người Việt Nam kết hợp với người nước ngoài. Mỗi hôm một nội dung, khi thì dạy ngữ pháp, khi dạy phát âm, khi thì dạy ghép câu… nhưng 3 bố con ông chẳng bỏ buổi nào. Cứ giờ đấy, chương trình phát sóng là cả nhà lại ngồi trước màn hình tivi, cũng sách, cũng bút để ghi chép. Tinh thần học tiếng Anh trở nên sôi nổi trong cả gia đình.
Môn học của các con mà ông quan tâm nhiều hơn khác với xu hướng của xã hội lúc bấy giờ nên khó lòng thoát khỏi những lời bàn tán từ những người xung quanh. Vợ ông Tiến nghe vậy cũng sốt ruột, thuyết phục ông nên cho con theo học chuyên sâu vào môn Toán và Tiếng Việt như mọi người, sợ rồi các con chẳng thi cử được, chả làm nên trò trống gì. Mỗi lần như vậy, ông nêu lại quan điểm của mình cho vợ hiểu, thuyết phục vợ để 3 bố con cùng học tiếng Anh.
Hoá ra, phương pháp của ông đã đúng. Lập trường của người lính đã trải qua nhiều thăng trầm vốn kiên định, lại tin tưởng tuyệt đối lời Bác Hồ răn dạy. Mình phải tự học một cách say mê thì cảm hứng ấy mới có thể truyền sang người khác được.
Không chỉ học trên tivi, ông Tiến còn mua nhiều sách tiếng Anh về để nghiên cứu, học tập. Quyển chuyên về ngữ pháp, quyển từ điển, quyền bài tập, quyển tự vựng… ông chẳng thiếu sách gì.
Bố tự học trước, tối về dạy con, cùng con làm bài tập. Trẻ nhỏ vốn tiếp thu nhanh nên khi được bố đồng hành, động viên, hướng dẫn, hai con của ông Tiến sớm làm quen được với tiếng Anh, thực hành tốt, giải quyết các bài tập nhanh chóng.
Cùng với ngoại ngữ, Tin học cũng là môn mà ông Tiến quan tâm. Vì ông biết Tin học lúc đó chú trọng phần lập trình Pascal, còn thực hành tin học văn phòng thì ít có điều kiện.
Ngay từ khi mạng internet xuất hiện tại Việt Nam, máy tính dù vẫn còn là một vật dụng ít phổ biến trong xã hội, ông Tiến đã trang bị một chiếc, tự mày mò học qua sách tham khảo, giáo trình. Nhờ có vốn tiếng Anh, ông Tiến học cách thao tác máy tính rất nhanh.
Insert là lệnh chèn, Picture là lệnh thêm ảnh, tạo bảng thì chọn Table, tạo chữ xung quanh ảnh vuông văn thì chọn Square; chú thích là Caption… ông Tiến thuộc vanh vách. Chẳng bao lâu, ông làm chủ được ứng dụng soạn thảo văn bản (Word) trên máy tính để dạy lại cho con và phục vụ công việc hàng ngày. Kết quả, vợ và các con của ông đều thạo tin học văn phòng từ sớm khi những người xung quanh còn chưa nhìn thấy máy tính bao giờ.
Ông Tiến thừa nhận, khi ấy, dạy con chính là động lực lớn nhất để ông học hỏi những kiến thức, kỹ năng mới.
Thế rồi sự quyết tâm, nhiệt huyết của người cha có tư duy "lạ" đã gặt được trái ngọt. Con gái ông Tiến là Trịnh Hải Hà nhiều năm liên tục đoạt giải Nhất tại các kỳ thi học sinh giỏi quận Đống Đa. Năm lớp 9, Hải Hà đoạt giải Nhất thành phố Hà Nội trong kỳ thi Olympic tiếng Anh. Nhờ thành tích học tập xuất sắc cùng khả năng tiếng Anh lưu loát, Trịnh Hải Hà nhận được học bổng toàn phần du học tại Singapore ở tuổi 15.
Con gái ông Tiến – Trịnh Hải Hà đã trở thành một tấm gương sáng về sự chủ động, ham học hỏi và tự tin. Gương mặt sáng giá trong học tập và dẫn đầu xu hướng học tiếng Anh này được giới thiệu trong sách Giáo dục công dân lớp 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Người con trai thứ hai của ông cũng từng đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp thành phố.
Giờ đây, 2 con ông, một người đã có công việc tốt và lập gia đình, còn một người đang là giảng viên ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Hà Nội, nhận học bổng Tiến sĩ toàn phần của chính phủ Hungary.
Thành công ấy của các con là nhờ định hướng tốt của người cha không chỉ có tầm nhìn mà còn là tấm gương học tập không ngừng nghỉ để con noi theo.
Điều vui mừng là, câu chuyện bố con ông cựu chiến binh Trịnh Xuân Tiến học tiếng Anh được nhiều người biết đến, cảm phục. Tại khu dân cư ông ở, các phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tiếng Anh, cho con đi học thêm từ sớm và coi trọng như các môn học khác khiến xung quanh đây, bọn trẻ giỏi tiếng Anh rất nhiều.
Khi con cái trưởng thành, học tập lên cao ở nước ngoài, nói tiếng Anh chuẩn như bản ngữ rồi, ông Tiến không còn phải dạy con học nữa. Tưởng ông sẽ gác việc học tiếng Anh và Tin học sang một bên, kiến thức cũng mai một đi. Nhưng "trồng cây rồi cũng đến lúc hái quả" - khi ông đảm nhiệm vị trí trong các tổ chức chính trị, xã hội của phường và khu phố, những kiến thức ấy lại được dịp sử dụng thường xuyên.
Ở tuổi ngoài 70, nếu như nhiều bí thư, chi hội trưởng khác phải mệt mỏi vì sổ sách, báo cáo viết tay, khó khăn khi đánh máy, phải nhờ người trẻ thao tác giúp thì ông Tiến lại thông thạo công cụ Tin học ngon lành. Ông gõ bàn phím bằng 10 đầu ngón tay nhoay nhoáy, không cần nhìn bàn phím, thanh niên còn phải khâm phục. Ông tự trình bày bài viết, soạn báo cáo, công văn, thêm ảnh, tạo bảng rồi tự in nên hiệu suất công việc bằng mấy người khác.
Ham học hỏi, không ngại khó với cái mới, ông Tiến luôn cập nhật những cách làm có ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào hoạt động của mình. Tự lập nhóm Zalo của chi bộ số 4, tổ chức cuộc họp trực tuyến cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, dùng được cả phần mềm Zoom (phần mềm họp trực tuyến). Ông cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử mới được phổ biến rồi hướng dẫn đảng viên trong chi bộ cùng cài đặt.
Chi bộ khu dân cư số 4 do ông Tiến làm bí thư là đơn vị hoàn thành cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử sớm nhất phường Phương Mai, được Bí thư phường biểu dương.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, ông Tiến đã vận động được bà con trong khu phố 22 triệu chuyển vào Quỹ Vaccine và phòng chống COVID-19 của phường Phương Mai và hơn 30 triệu đồng quy từ hiện vật, ủng hộ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Thành công khiến ông Trịnh Văn Tiến vui nhất khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chính trị, xã hội của mình đó là trong đợt dịch COVID-19. Năm 2021, khi dịch bùng phát, trong khi phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố thì các chi bộ và ban công tác mặt trận của các khu dân cư được giao nhiệm vụ vận động nhân dân ủng hộ Quỹ Vaccine và phòng chống dịch COVID-19.
Để tránh lây lan dịch bệnh nên không thể lập các nhóm cán bộ đi đến từng nhà vận động quỹ như trước đây được. Nhờ thông thạo về công nghệ, ông Tiến đã lập ngay được nhóm Zalo gồm cán bộ, đảng viên, nhân dân của khu dân cư số 4 để phổ biến các chỉ thị phòng chống dịch đang bùng phát mạnh và phức tạp lúc bấy giờ. Đồng thời đăng lời kêu gọi mọi người dân ủng hộ quỹ vaccine qua nhóm Zalo, ai ủng hộ thì chuyển khoản vào tài khoản của ông Tiến.
Ban đầu chỉ có một số cá nhân tham gia. Dù ít hay nhiều, cứ sau một ngày, ông Tiến tự làm danh sách bằng phần mềm Word, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số tiền rồi cập nhật vào nhóm Zalo để mọi người biết số tiền ủng hộ đã đến đúng địa chỉ hay chưa.
Rồi ông lại in danh sách đấy ra làm nhiều bản, dán vào các bảng thông tin để những người không dùng Zalo nhưng vẫn nắm được tình hình. Thời gian đó tất cả các quán photocopy toàn thành phố đều phải đóng cửa hết, nếu không tự soạn, tự in thì không thể làm gì được.
"Càng minh bạch, rõ ràng thì người dân được kiểm tra, giám sát càng đông và càng nhiều người tin, nhiều người tham gia ủng hộ", ông Tiến tự nhủ.
Nhờ cách làm khoa học, bài bản nên chỉ sau 10 ngày phát động, số tiền khu dân cư 4 đã quyên góp được hơn 22 triệu chuyển vào Quỹ Vaccine và phòng chống COVID-19 của phường Phương Mai. Cán bộ, nhân dân của khu còn ủng hộ hơn 30 triệu đồng quy từ hiện vật, ủng hộ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, góp phần đẩy lùi đại dịch. Đây cũng là kinh phí nhiều nhất vận động được trong các khu dân cư của phường Phương Mai. Niềm tin, sự tín nhiệm của bà con dành cho ông Tiến càng tăng cao.
Trong cuộc sống hằng ngày, ông lão 73 tuổi này có thể tra cứu tài liệu tiếng Anh khi cần, xem được chỉ định sử dụng thuốc có tiếng Anh do các con gửi từ nước ngoài về. Có lần sang thăm con gái ở Singapore, ông tự gọi taxi di chuyển, đến nhà con mà không cần ai phải thông dịch đi kèm. Thời gian gần đây, ông Tiến còn học online theo các chương trình trên Facebook, chương trình Duolingo để ôn tập lại.
Ông chỉ tiếc trước kia khi ông học tiếng Anh, không có môi trường giao tiếp, luyện nghe nhiều như bây giờ nên dù ngữ pháp, từ vựng có thể nắm chắc nhưng kỹ năng nghe, nói của ông vẫn hạn chế.
Song, dù sao kiến thức được học cũng tạm đủ để ông tìm tòi thêm những cái mới của công nghệ thông tin, máy tính, điện thoại di động, từ đó ứng dụng hiệu quả trong công việc và cuộc sống.
Có ngoại ngữ, có tin học, ông Trịnh Văn Tiến không ngại bất cứ công việc gì vì khó đến đâu, ông sẵn sàng học tới đó theo tinh thần học tập suốt đời. Ông cũng hay nói đùa rằng "cái gì không biết thì tra Google". Những vấn đề ông gặp phải trong quá trình làm việc hầu như đều có hết trên đó. Đây cũng là cách tự học rất hiệu quả - học theo nhu cầu và học đến đâu nhớ đến đó. Kiến thức phải phục vụ thực hành và phục vụ đời sống thì sẽ nhớ lâu và hữu ích.
Trời thương cho người lính cụ Hồ này, tuổi ngoài thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói vẫn hào sảng, đặc biệt là tinh thần ham học hỏi, hết mình theo đuổi lý tưởng sống cống hiến đóng góp cho quê hương, cho cộng đồng. Công việc của ông Tiến có lẽ cũng nhờ vậy mà luôn suôn sẻ, là niềm vui của ông ở tuổi xế chiều.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cu-ong-73-tuoi-tu-hoc-tieng-anh-toi-la-ban-hoc-cua-con-minh-17923061500284582.htm