Công bố Trường Đại học Kinh tế quốc dân thành Đại học Kinh tế quốc dân

21:36 - 12/01/2025

Ngày 12/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn công bố quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân và trao quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Công bố Trường Đại học Kinh tế quốc dân thành Đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh 1.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân và trao quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: vietnamnet.vn

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam. Đây là sự khẳng định vị thế đặc biệt của Đại học Kinh tế Quốc dân trong nền giáo dục đại học tại Việt Nam.

Với việc thành lập 3 trường: Kinh tế và quản lý công, Kinh doanh, Công nghệ; Đại học Kinh tế Quốc dân có bước chuyển biến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, trở thành đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực.

Cũng theo Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, hướng tới giai đoạn mới, trên tinh thần phát huy những giá trị cốt lõi, nhà trường tiếp tục tập trung phát triển toàn diện trên các mặt giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Các chương trình đào tạo mới sẽ tiếp tục được triển khai, đảm bảo tính tiên tiến, bắt nhịp xu hướng quốc tế hóa và phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn sẽ được tăng cường, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường ý thức rõ vai trò tiên phong của mình trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào giảng dạy và quản lý. Từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đến việc phát triển các mô hình học tập trực tuyến, chúng tôi không ngừng đổi mới để mang lại những trải nghiệm học tập tốt nhất.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân


Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Đại học Kinh tế Quốc dân về dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của nhà trường trong nền giáo dục và với toàn thể xã hội, với người dân, người học và đất nước.

Nói về cái tên Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ "Đại" lên đầu và giúp trường hướng tới “cái đại” trên mọi phương diện. Sự khác nhau của “đại học” và “trường đại học” không phải ở chỗ to hay nhỏ, Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn, có kết quả nghiên cứu đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn.

Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học Kinh tế quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức và quản trị mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những việc cần làm ngay của nhà trường là rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển dựa trên cơ sở các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục, phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong một mô hình quản trị mới.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho Đại học Kinh tế Quốc dân phát triển.

Đại học Kinh tế Quốc dân là đại học thứ 9 của Việt Nam, bên cạnh Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân. Trong đó, Đại học Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên ở nước ta.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cong-bo-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-thanh-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-17925011221370196.htm