Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo

16:55 - 06/02/2023

(Congdan&Khuyenhoc)-ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tác với người dùng, đang là một hiện tượng trên toàn cầu. ChatGPT đã tỏa sáng trên Internet kể từ khi ra mắt vào ngay 30/11/2022 và thu hút một triệu người dùng đầu tiên sau 5 ngày.

img

Và chỉ sau 40 ngày ra mắt, siêu AI này đã đạt 10 triệu người dùng mỗi ngày, con số mà Instagram đã mất đến 355 ngày mới đạt được. Nhưng đang xuất hiện đầy những nỗi lo…


Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 1.

ChatGPT có khả năng trả lời các truy vấn theo cách tự nhiên và giống con người, tiếp tục cuộc trò chuyện và trả lời các câu hỏi tiếp theo, không giống như bộ liên kết tìm kiếm của Google Search. Khả năng bắt chước các cuộc trò chuyện như con người của công cụ này đã làm dấy lên suy đoán về tiềm năng thay thế các cây viết chuyên nghiệp. Thậm chí nó còn đe dọa cả hoạt động kinh doanh tìm kiếm cốt lõi của Google.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 2.

Sức hút của ChatGPT ngày một tăng lên, nhiều người truyền tai nhau về mức độ thông minh của "con AI" này đã khiến cho tính tò mò muốn trải nghiệm thử được nâng cao hơn bao bao giờ hết. Song, ChatGPT hiện tại vẫn chưa sử dụng được một cách chính thức tại Việt Nam (không hỗ trợ tiếng Việt). Để có thể trò chuyện với ChatGPT, người dùng tại Việt Nam buộc phải sử dụng các phần mềm fake IP sang các nước hiện đang hỗ trợ thử nghiệm ChatGPT. Đa số thử nghiệm ChatGPT bằng tiếng Anh rồi dịch các nội dung trả lời của chatbot sang tiếng Việt qua GoogleTranslate. Tuy vậy, việc đăng ký tài khoản để sử dụng ChatGPT ở trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì phải cần thêm số điện thoại nước ngoài để xác thực.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 3.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, với việc chi ra 10 tỷ USD, tỷ phú Bill Gates trở thành chủ nhân mới nhất của Open AI Inc-Công ty sở hữu siêu AI ChatGPT (theo trang tin Semafor, công ty  OpenAI Inc có thể được định giá ở mức 29 tỷ USD). Bill Gates trong buổi trò chuyện giao lưu trực tuyến Ask Me Anything (tạm dịch: Hỏi tôi bất kì điều gì) được tổ chức trên mạng xã hội Reddit hồi tháng 1 đã nhận định "AI sẽ là đột phá lớn nhất. AI mới là cuộc cách mạng lớn". Bill Gates cũng tỏ ra ủng hộ ChatGPT vì "AI này đang cung cấp cái nhìn thoáng qua về những gì sắp xảy ra tiếp theo. Tôi ấn tượng với cách tiếp cận và tốc độ đổi mới của nó".

Nói nôm na cho dễ hình dung, chỉ cần gõ một từ khóa trên của sổ tim kiếm của Google thì chỉ trong chớp mắt hàng triệu kết quả (lý tính) được đưa ra. Nhưng ở ChatGPT,  ngoài các kết quả lý tính như Google, còn có thêm phần quan điểm, ý kiến cá nhân (opinion). Quan điểm/ý kiến này là của riêng một mình bạn, đúng với văn phong/trường ngôn ngữ và gần đúng với tư duy thường nhật của bạn, không ai giống ai. ChatGPT (tạm gọi là "máy nghĩ") không  cần nhân công nhập dữ liệu. Mọi cuốn tiểu thuyết đông tây kim cổ, bất kể ngôn ngữ, bất kể định dạng (bản text, bản PDF hay file ảnh…), một khi đã đưa lên internet là nó tự động nạp vào. Và, ChatGPT sẽ sản xuất ra cuốn mới, tuyệt đối mới, theo yêu cầu của từng cá nhân người dùng.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 4.

Liệu ChatPGT có làm đảo lộn mọi trật tự xã hội hiện hành? Câu trả lời là: Không! Hiện tại và tương lai con người vẫn sẽ tạo ra AI nhưng  lại luôn cần bộ-não-tư-duy của con người để tạo ra AI, và AI dựa vào đó mà đưa ra kết quả. Từ viết báo, làm thơ, viết văn đến điều hành doanh nghiệp, điều hành chính quyền, làm khoa học, sáng tác nhạc, hội hoạ.... đều phải bắt nguồn từ tư duy ở bộ não con người. Cốt lõi của vấn đề ở chỗ chất lượng phụ thuộc đầu vào (input), khả năng cũng như cách thức viết luận đúng nghĩa của người dùng. Nhà văn cứ yên tâm viết tiểu thuyết, chính khách cứ bình thản vui vẻ "xuất khẩu" thành thơ...

Sẽ nhanh thôi, loại AI "mách lẻo", kể cả một con robot tương tự như tay giả thao tác xoay chuột, sẽ ra đời để báo cho người dùng biết cái nào do nơ-ron thần kinh người tạo ra, cái nào do mạng lưới nơ-ron của AI (siêu chip điện tử) làm ra.

ChatGPT là gì?

ChatGPT tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI để tương tác với con người, thay thế cho nhân viên để tư vấn trả lời thắc mắc của khách hàng trên môi trường trực tuyến) do Công ty khởi nghiệp OpenAI Inc (trụ sở ở San Francisco, Mỹ) phát triển. ChatGPT được hiểu đơn giản là một AI đặc biệt-sự đặc biệt nằm ở "kho" kiến thức mà ChatGPT đã học được.

Năm 2020, OpenAI giới thiệu mô hình ngôn ngữ GPT-3, cho thấy tiềm năng của AI trong việc xử lý và phản hồi với ngôn ngữ đời thường. Cuối năm 2022, một bước ngoặt lớn đã đến khi OpenAI công bố ChatGPT, xây dựng dựa trên nền tảng mô hình xử lý ngôn ngữ GPT-3.5, có khả năng đối thoại qua lại và thực hiện sáng tạo mới theo yêu cầu người dùng đưa ra.

ChatGPT có thể trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể về lĩnh vực gì. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế, thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Nhiều người đã sử dụng ChatGPT để làm những việc trên, điều này đã khiến cho AI ngày càng thông minh hơn.

Giám đốc điều hành của OpenAI Inc, Sam Altman trên trang Twitter cá nhân đã tiết lộ: định dạng trò chuyện của ChatGPT cho phép AI trả lời các câu hỏi được đặt ra, thừa nhận sai lầm của mình, thách thức những tiền đề không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 6.

Giám đốc điều hành của OpenAI Inc, Sam Altman (bìa trái).

Hãng tin Anh BBC cũng đã thử nghiệm bằng cách đặt một vài câu hỏi ngắn gọn, ChatGPT tỏ ra thận trọng và cho biết mình là một người trả lời phỏng vấn có khả năng diễn đạt rõ ràng và chính xác bằng tiếng Anh. BBC hỏi: "Bạn có nghĩ rằng bạn AI sẽ đảm nhận công việc của những người làm nghề viết lách không?". "Không" - ChatGPT lập luận rằng "các hệ thống AI như tôi có thể giúp người viết bằng cách cung cấp các đề xuất và ý tưởng, nhưng cuối cùng thì người viết là con người để tạo ra sản phẩm cuối cùng". Khi được hỏi tác động tới xã hội của các hệ thống AI như chính ChatGPT là gì, chatbot này cho biết việc này là "khó dự đoán". Với câu hỏi "Bạn đã được học về dữ liệu Twitter?",  ChatGPT trả lời rằng "không biết". Chỉ khi BBC đặt câu hỏi về HAL, một nhân vật AI phản diện trong bộ phim ra mắt năm 2001, ChatGPT mới có vẻ gặp rắc rối.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 7.

Khả năng trả lời câu hỏi của ChatGPT khiến một số người dùng tự hỏi liệu nó có thể thay thế Google hay không. Những người khác băn khoăn liệu các nhà báo có mất việc hay không. Bà Emily Bell ở Trung tâm báo chí kỹ thuật số Tow (Anh) lo lắng rằng độc giả có thể bị mê hoặc bởi "chuyện không có thật". Còn chuyên gia Carly Kind của Viện Ada Lovelace (Anh), lo ngại những công cụ AI như ChatGPT đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức và xã hội. ChatGPT  có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc làm gián đoạn các tổ chức và dịch vụ hiện có - chẳng hạn nó có thể bị lợi dụng để viết đơn xin việc, bài luận ở trường hoặc đơn xin trợ cấp. Cũng có những lo ngại về quyền riêng tư, vì các hệ thống này thường kết hợp dữ liệu được thu thập một cách phi đạo đức từ người dùng internet, dù rằng ChatGPT có thể mang lại "những lợi ích xã hội thú vị và chưa được biết đến".

Trên trang TechAsia, ký giả người Singapore Sau Sheong Chang đã đặt câu hỏi "chúng ta có tin được ChatGPT hay không?". Tác giả đã thử hỏi ChatGPT: "Bạn có phải là ChatGPT hay không" và nhận được câu trả lời "Tôi là trợ lý". Đặt tiếp câu hỏi: "Liệu ChatGPT có đáng tin là nói sự thật không?", Sheong Chang cho rằng ChatGPT  là một "sự phát triển thú vị" và trước mắt nó ra "chưa giành mất việc làm của bạn, nhưng cũng chưa dám chắc về ngày mai?".

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 8.

Trong một phóng sự mang tên "Sự thật về các bức ảnh giả mạo của những kẻ "sản xuất" tin giả" trên Wired.com (Mỹ)-Tạp chí chuyên về công nghệ mới, tác giả Tom Simonite (biên tập viên cao cấp của Wỉred, một chuyên gia về AI,  từng là Trưởng văn phòng San Francisco của Tạp chí công nghệ  MIT thuộc Viện Công nghệ Massachusetts,  đồng thời là biên tập viên cho Tạp chí công nghệ New Scientist) đã thuật lại vụ Scandal gây rúng động giới tinh hoa nhiếp ảnh tư liệu thế giới có liên quan đến AI.

Ngày 1/9/2021, toàn giới tinh hoa nhiếp ảnh thế giới hội tụ tại Liên hoan ảnh phóng sự Visa Pour L'Image (tại thành phố Perpignan, Pháp). Đêm đó, trên màn hình LED khống lồ phát hình ảnh lung linh một nhóm người túm tụm quanh máy tính trong một căn hộ thời Xô Viết, những con gấu đi dạo qua khu công nghiệp bị bỏ hoang. Đó là hình ảnh từ cuốn sách mang tên "Book of Veles" (Veles là một thành phố ở Bắc Macedonia, nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ) của nhiếp ảnh gia thời sự lừng danh người Na Uy, Jonas Bendiksen. Nhưng từ một góc khuất trên khán đài, Jonas Bendiksen lại thở dài hoang mang nhìn các đồng nghiệp dán mắt vào ảnh của mình. Hai tuần sau, một tài khoản Twitter có tên là Chloe Miskin đã buộc tội Jonas Bendiksen là kẻ lừa đảo. Chloe Misk tự nhận là người sinh ra ở Veles và cáo buộc "cả tập sách ảnh là một trò đùa" vì tác giả đã trả cho dân địa phương mỗi người 50 USD để họ tạo dáng chụp ảnh. Một giờ sau, nhà sản xuất phim người Anh Benjamin Chesterton, đã dẫn lại lời buộc tội trên. Sau đó, Benjamin Chesterton nhận ra một trong những follower (theo dõi) tài khoản Chloe Miskin cũng mặc một chiếc áo len cổ lọ màu hồng, giống hệt áo của một người phụ nữ trong một bức ảnh của tập sách "Book of Veles". Ông nghi ngờ đăng trên Twitter: "Tôi hình dung là Jonas Bendiksen, trong vài phút tới, sẽ thừa nhận rằng những người trong ảnh là do máy tính tạo ra, như một trò đùa sáng tạo trong cuộc chiến chống tin giả". Ở Na Uy, sau khi đọc được dòng trạng thái này, Jonas Bendiksen đã thở dài nhẹ nhõm.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 9.

Thực tế là Jonas Bendiksen đã dùng phần mềm AI để tạo ra con người trong ảnh. Ngày hôm sau, Magnum Photo- Tổ chức nhiếp ảnh uy tín, đã đăng bài phỏng vấn, trong đó Jonas Bendiksen tiết lộ rằng, mặc dù mình đã đến Veles, nhưng tất cả nhân vật và con gấu trong các bức ảnh đều được "chế" bằng phần mềm 3D (vẫn dùng để tạo ra các nhân vật trong games trực tuyến). Anh còn thừa nhận là phần dẫn chuyện của sách, miêu tả chuyến đi của anh, là do AI viết. Và tài khoản Chloe Miskin cũng là giả mạo nốt-vì đó chính là Jonas Bendiksen tạo để tự tố mình.

Jonas Bandiksen đã cố tình "đùa giỡn" để khuấy động cuộc thảo luận trong giới nhiếp ảnh về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của AI bị lợi dụng để "sản xuất" fakenews (tin giả). Việc Jonas Bandiksen chỉ bằng các công cụ AI thông dụng có thể qua mắt các chuyên gia khả kính giỏi nhất trong giới nhiếp ảnh toàn cầu, thật sự là điều đáng lo ngại. "Tôi sợ hãi khi thấy những chuyên gia tinh mắt nhất cũng không phát hiện ra. Vậy đối với người thường thì còn thế nào!"- Jonas Bandiksen nói.

Bendiksen tất nhiên không phải là một kẻ gian lận. Ông đã giành nhiều giải thưởng quôc tế danh giá và có thời điểm là Chủ tịch của Magnum (tổ chức nghề nghiệp của các nhiếp ảnh gia thời sự-tư liệu uy tín thế giới). Với công cụ AI, liệu có thể "bịa ra" những "người bịa chuyện" đủ tốt để qua mặt các đồng nghiệp hay không?, Jonas Bendiksen hoảng sợ với sáng kiến của mình, nhưng lại hiểu là cần phải thử.

Đến Veles hai năm 2019 và 2020, Jonas Bendiksen không có ý định đi gặp bất cứ ai. Khi đi trên những con phố tồi tàn, qua những nhà máy bỏ hoang, anh cố hình dung ra các bức ảnh phải như thế nào để thỏa mãn người xem. Tại mỗi địa điểm, anh đều dùng camera 360 độ bỏ túi, ghi lại ánh sáng xung quanh, để giúp dựng bối cảnh cho các nhân vật giả mạo sau này. Trong thời gian cả châu Âu bị "nhốt" trong nhà do Covid-19, trong căn hộ nhỏ của mình ở Nauy, Jonas Bendiksen bắt đầu "bịa" ra các nhân vật. Anh tải các mô hình 3D hay dùng trong games và phim ảnh, hình thành dàn "diễn viên" người-thú-đồ vật. Những tòa nhà kiểu Xô Viết che dấu những cô gái xanh xao và các chàng trai ục ịch đang chế tin giả, trong phòng đầy các thiết bị máy tính cũ kỹ. Chỗ gác là những lính gác đội mũ sắt, cầm súng đằng sau các hàng rào thép gai. Một người phụ nữ chui ra khỏi cửa sổ xe trong một con hẻm tối tăm lát gạch đỏ. Anh cũng cố tình để lại nhiều dấu vết, như "vứt vào nhiều mẩu bánh mì, để gợi ý là có gì đó sai sai", thậm chí cả "gợi ý sai sai" nữa là những con gấu, từng tràn vào thành phố 43.000 dân này, đang thong thả dạo qua những nhà máy bỏ hoang và bảng hiệu của Sứ quán Na Uy.  Kỹ thuật Jonas Bendiksen sử dụng gần với kỹ thuật thông dụng và hiệu ứng điện ảnh của Hollywood. Khi anh gửi mấy bức ảnh ban đầu cho các đồng nghiệp và những người chỉnh sửa ảnh thì chẳng ai phát hiện ra điều gì gây nghi ngờ.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 10.

Facebook của nhân vật giả mang tên Chloe Miskin (do Jonas Bendiksen lập ra để "bóc phốt chính mình).

Để viết lời giới thiệu cuốn sách, Jonas Bendiksen chọn cách đánh lừa khác. Anh thu nhập thông tin về Veles từ những nguồn tin công khai của New York Times, BBC… và đưa vào phần mềm chế văn bản GPT-2. Đưa ra nhiều mớm bài khác nhau, anh tạo ra những đoạn văn miêu tả các cuộc gặp với những đạo diễn "giả" ở Veles, trích dẫn từ dân đia phương, và đương nhiên là không thể thiếu những cuộc gặp gấu. Sau đó anh gom lại thành một bài viết có thể nói là sản phẩm người-máy, nhưng không hề tự viết dù là một chữ. Cuốn sách ảnh "Book of Veles" của Jonas Bendiksen xuất bản vào tháng 5/2021, với 50 bức ảnh, xen vào đó là những trích dẫn do AI "chế" ra, được Nhà xuất bản Gos danh tiếng ấn hành bình thường.

Sau đó, Tạp chí nổi tiếng LFI (do hãng sản xuất máy ảnh Leica sở hữu)  đã dành một trang giới thiệu về cuốn sách ảnh "Book of Veles", ngợi ca các bức ảnh của  Jonas Bendiksen là "trí tuệ và hấp dẫn", đưa ra "những bài học không dễ dàng về tiềm năng nguy hại của việc truyền bá thông tin số sai trái". Thậm chí, trong chiến dịch quảng bá vào tháng 7/2021, Magnum đã bán được bản sao bức ảnh đàn chim bay ngang qua một ngôi nhà chung cư buồn tẻ với bóng dáng một người đàn ông tiều tụy bên cửa sổ, với giá 100 USD .

Thông thường Jonas Bendiksen công bố các bức ảnh của mình trên một tờ báo hay tạp chí lớn, nhưng lần này anh chỉ muốn giới hạn "tiểu xảo đùa giỡn" của mình trong giới nhiếp ảnh tinh hoa. Song, anh lại dẫn lại những bài cổ súy cuốn sách và đưa các bức ảnh lên tài khoản của mình trên mạng xã hội, với hy vọng ai đó sẽ phát hiện ra sự giả mạo. Nhưng Jonas Bendiksen chỉ nhận được "likes", "shares" và vỗ tay. Thế nên tự anh phải tựu lập ra tài khoản Twiter có mang tên Chloe Miskin để "bóc phốt", hạ bệ chính mình. Và kết quả là toàn bộ ngành công nghiệp nhiếp ảnh tư liệu thế giới rúng động.

 Thật đáng sợ nếu công cụ AI bị những kẻ có nghề mà "tâm không sáng" sử dụng!

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 11.

Gấu "giả" qua đường trên nền nhà máy và núi non trùng điệp. (Ảnh do Jonas Bendiksen dùng công cụ AI "chế" ra, qua mặt được tất cả giới tinh hoa của nhiếp ảnh thế giới).

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 12.

Trong bài báo "Cuộc chiến người giữa người phàm tục với nghệ thuật của trí tuệ nhân tạo" trên Unherd.com (trang tin tức của các ký giả Anh theo quan điểm bảo thủ) hôm 10/1/2023, Justin Smith có nhận định: Cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố (công nghệ, văn hóa, lịch sử…) để "đoạn nhạc" hay "bức vẽ" nào đó do AI tạo ra có thể  chạm được đến xúc cảm con tim của những người phàm tục. Thật khó mà giải thích được thế nào là nghệ thuật (một cách đơn giản nhất) cho những người phàm tục (tiền nhân có câu "đàn gảy tai trâu", từ đây xin dùng từ "tai trâu").

Nhưng, những người nhạy cảm với logic và động lực của sáng tạo nghệ thuật, trong thời đại của nghệ thuật do AI tạo ra, lại bị "oanh tạc" bởi những "cuồng phong" quảng cáo có cánh "chỉ cần nói vài câu là máy tính sẽ cho bạn một bức tranh" nhờ DALL-E2 (phần mềm trí tuệ nhân tạo cũng của Công ty OpenAI – chủ sở hữu công cụ AI ChatGPT đang làm mưa làm gió trên toàn cầu hơn 2 tháng nay). Trong khi trình độ kỹ thuật khá dễ nhận biết, thì chúng ta cần các nhà phê bình để phân biệt giữa "thiên tài" và "kẻ ngốc". Nếu Jimi Hendrix (1942 – 1970;  một nhạc công, ca sĩ nhạc pop người Mỹ da màu  được coi là một trong những nghệ sĩ guitar điện có ảnh hưởng nhất đến lịch sử nhạc pop đại chúng) đốt cây đàn guitar của mình là biểu hiện của thiên tài, thì lũ trẻ đốt đàn trong garage là lũ ngốc. Khác nhau ở đây là bối cảnh. Vào năm 1967, Hendrix là người được kỳ vọng- dù chỉ là một chút- sẽ thay đổi thế giới, nên nếu những người "phàm phu tục tử" bắt chước cách hành xử của Jimi Hendrix sẽ là ngớ ngẩn.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 13.

Bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” do phần mềm AI có tên Midjourney vẽ, đã được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật tại triển lãm ở bang Colorado, Mỹ vào ngày 29/8/2022.

"Hoạt ngôn, hóm hỉnh" hay khí chất "gàn quải, ngang ngạnh" cũng có thể coi là một dạng biểu hiện của thiên tài. Như khi Winston Churchill ngồi trong một bữa tiệc, thất vọng vì đồ ăn chán phèo bỗng thốt lên "Đây rồi, cuối cùng cũng có gì ăn được" khi người phục vụ mang rượu sâm-panh đến, thì câu nói hóm hỉnh ấy, trong bối cảnh ấy, từ miệng của Churchill là của thiên tài. Thiên tài trên thực tế là cái gì đó rất khó nắm bắt, nhưng chắc chắn không phải là năng lực kỹ thuật số. Các "tai trâu" thường trích dẫn trường phái tranh hiện thực để tranh luận. Họ cho rằng đó là một "tiến bộ" của nghệ thuật thị giác kể từ thời các danh họa Hà Lan. Vì các đường nét của tranh sắc hơn, các đối tượng hiện lên trên toan trông gần với đời thực hơn. Dù thật ra, thế giới đó được tạo ra bởi ánh sáng thông qua cấu trúc vật lý của mắt (người ta chẳng hiểu gì, thậm chí không hề nghĩ về nó, mà đương nhiên cho rằng đó là thế giới khách quan). Những bức tranh của trường phái này gần giống với các bức ảnh chụp. Và dễ nhất để vẽ các bức tranh "như thật" là tạo ra một cỗ máy để giúp đỡ các họa sĩ-đó là lý do máy ảnh ra đời. Theo giả thuyết của David Hockney (họa sĩ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Anh, người có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật đại chúng những năm 1960, và được coi là một trong những nghệ sĩ Anh có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20-TN), thì  các họa sĩ từ thời phục hưng đã dùng các thiết bị quang học (phòng tối, kính phản chiếu, gương lồi…) tương tự như máy ảnh để nắm bắt và tái hiện thế giới lên toan.

Nghệ thuật nhờ máy móc trợ giúp đã có từ lâu, nhưng "sức máy" chưa đủ để tạo ra các tác phẩm có tính thẩm mỹ và tầm tư tưởng như ở những kiệt tác. Nhưng liệu điều đó sẽ thay đổi nhờ AI? Cuối năm 2022 Twitter quảng bá một điều kỳ diệu. Nhấp chuột vào link, bạn sẽ được đề nghị up lên một bức ảnh, và sau đó AI sẽ "phân tích ngược" và nói cho bạn biết máy tính đang nhìn thấy gì. Justin Smith dã thử, và máy tính báo với Justin Smith rằng "đây là một người đàn ông tóc vàng, mặc sơ mi đen, kiểu chân dung đặc trưng ảnh hưởng bởi Eric Peterson, một KOLs  nổi tiếng trên Reddit, loại người ưa chính xác, đang nhìn chằm chằm kiểu người dơi, có thể được chụp đầu năm 2020. Giống Chritopher Walken, Thom Wasselman không đeo kính và John Water có khuôn mặt như đồ họa" (Chritopher Walken, Thom Walsman, John Water  là tên các nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ-TN). Dường như máy tính phải cố gắng tìm ra cái gì đó để nói, và có vẻ như dữ liệu nó được tích hợp đã "chạy" ra kết quả rằng nhiều người sẽ thích thú khi nghe nó nhắc đến tên của ba nghệ sĩ kể trên. Chỉ cần một trong ba cái tên, thêm vài câu vô thưởng vô phạt và miêu tả một chút tướng mạo, thế là cũng kiếm được mấy "shares" hoặc "likes" để có thể "viral" trên mạng xã hội. Nhưng đó chỉ là một dạng "rác" của mạng chứ  không thể là  nghệ thuật.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 14.

Nhưng máy ảnh, về bản chất chỉ giới hạn ở việc sao chép lại những gì hiện lên trước ống kính theo một vài tham số cơ học được người chụp đặt sẵn. Phẩm chất "thiên tài" của AI version hiện tại không phải như vậy. Hai người khác nhau, đưa vào những tham số giống hệt nhau, tại hai thời điểm khác nhau, sẽ tạo ra hai bức chân dung khác nhau. Sự hợp tác người – máy để tạo nên sản phẩm, có thể so sánh với cách mà một thầy bói người Thổ Nhĩ Kỳ cho con thỏ ngửi để tìm ra mảnh giấy (đã được gấp lại) có viết sẵn thông tin nói về tương lai của người đến xem bói. Thầy bói giỏi là người biết cách điều khiển con thỏ để tìm ra mảnh giấy có ghi kết quả thú vị, cho dù, lựa chọn mảnh giấy nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào con thỏ.

Thực tế, chúng ta có thể coi cái đẹp là một dạng đặc biệt của thông tin. Nghệ thuật của AI chắc chắn sẽ đến, và hiện nó đang chiếm lĩnh một số lĩnh vực của con người (như nhân vật đóng thế, truyện tiếu lâm hay bói toán…) và sẽ làm chúng ta  thỏa mãn hoặc thất vọng. Song, việc đặt câu hỏi: "Liệu sản phẩm của AI có thể coi là nghệ thuật hay không?" là vô nghĩa. Nghệ thuật là kỹ năng khéo léo, óc thẩm mỹ cộng với một khoảnh khắc của thiên tài hoặc cái gì na ná như thế. Những khoảnh khắc đó sẽ tỏa sáng ngay ở những chỗ ngớ ngẩn nhất theo một cách ít ai ngờ nhất.

Chúng ta có chấp nhận AI bước vào xã hội của mình và cho nó một chỗ nào đó (ở triển lãm, tặng giải thưởng cho nó…)  hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta. Công nghệ - tự thân nó- không thể hướng dẫn chúng ta sẽ phải làm cái này hay cái kia. Nghệ thuật là những điều chúng ta coi trọng, quan tâm và cho là đáng làm điểm tựa để vươn tới toàn mỹ. Nên có một vài thứ ở nền văn hóa này là nghệ thuật nhưng ở nền văn hóa khác thì không. Trà đạo là một nghệ thuật với người Nhật Bản, còn pha một cốc trà Lipton ở London (Anh) hay Paris (Pháp) thì chỉ là uống một cốc nước lọc không hơn không kém.  

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 15.

Liệu sản phẩm của AI có thể được coi là nghệ thuật trong một số điều kiện nào đó không? Dự đoán là sẽ có nghệ thuật AI, trong đó, thi thoảng cũng sẽ xuất hiện khoảnh khắc thiên tài  (giống như lịch sử nhiếp ảnh, phim và truyền hình đã minh chứng). Nhân loại sẽ từ bỏ việc kiểm soát các tham số đặt sẵn chính là sự thay đổi lớn nhất mà AI mang đến. Nhưng như thế là chưa đủ. Việc từ bỏ việc kiểm soát các tham số đặt sẵn  mới chỉ đặt nghệ thuật AI ngang hàng với bói toán mà thôi.

Xét cho cùng, nghệ thuật vốn chỉ xuất phát ở những nơi coi trọng các giá trị xã hội, và AI thì còn lâu mới thay được bộ óc  Con Người về khoản này.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 16.

Một bức tranh do phần mềm trí tuệ nhân tạo AI vẽ.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 17.

Thế giới đang dịch chuyển rất nhanh sang thời đại internet. Thời mà con người cần học các kỹ năng tiếp nhận kiến thức. Giáo dục thế giới đã "bước một chân" sang thời internet, mà internet nay đã đi một bước rất xa với ChatGPT. Chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào đã gây áp lực để thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia cũng như triết lý giáo dục một cách toàn diện như "con AI" ChatGPT. Giáo dục bắt buộc sẽ phải thay đổi-mà phải thay đổi một cách toàn diện và căn bản.

Giới tinh hoa của nền giáo dục-đào tạo thể giới đang lo ngại vấn đề vi phạm liêm chính học thuật sau 2 tháng kể từ khi ChatGPT ra đời. Nó như con sóng thần đánh vào cộng đồng học thuật ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Nó đánh vào những giá trị cốt lõi và đạo đức học thuật mà người làm giáo dục mong muốn truyền dạy cho các thế hệ sau. Chuyên gia IT Đào Trung Thành viết trên trang cá nhân,  có đoạn: "Một số người cho rằng GPT hay ho hoặc thú vị, vạn năng trong khi những người khác nói rằng nó sai lầm, kỳ quặc và điên rồ. Nhưng tôi tán thành quan điểm có cả hai mặt trong việc sử dụng AI. Quan trọng là chúng ta tận dụng những ưu điểm và phát hiện, tránh những điểm hạn chế của chatbot nổi tiếng thế giới này". Chuyên gia này chỉ ra rằng, trong kỳ thi MBA của Đại học Wharton (Mỹ), ChatGPT vượt qua với số điểm B theo thang đánh giá. Các giáo sư luật tại Đại học Minnesota (Mỹ) đã cho ChatGPT thử làm các câu hỏi tốt nghiệp. Trong tất cả các bài kiểm tra, công cụ AI đều có thể đạt điểm C+, tức là ở mức trung bình. Trong một bài báo khác, Giáo sư Christian Terwiesch (Đại học Wharton) phát hiện ra rằng ChatGPT đã vượt qua kỳ thi quản trị kinh doanh của trường với điểm từ B- đến B. Như vậy, ChatGPT có thể giúp một sinh viên không cần học hành gì cũng có thể vượt qua kỳ thi!

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 18.

Còn ông Giada Pistilli, nhà đạo đức học tại Hugging Face (Cộng đồng AI kiến tạo tương lai-Mỹ) thì giải thích thách thức mà các cơ sở giáo dục gặp phải với ChatGPT: "Thật không may, hệ thống giáo dục dường như buộc phải thích nghi với những công nghệ mới này. Tôi nghĩ đó là một phản ứng có thể hiểu được, vì chưa có nhiều việc được thực hiện để dự đoán, giảm thiểu hoặc xây dựng các giải pháp thay thế nhằm giải quyết các vấn đề về AI có thể xảy ra. Các công nghệ đột phá thường yêu cầu giáo dục người dùng bởi vì không thể đơn giản là ném AI vào mọi người một cách không kiểm soát". Dù vậy, ông cũng tán thành với phát biểu của thần đồng Terence Tao (Đào Triết Hiên), thiên tài toán học người Mỹ gốc Trung Quốc rằng: về lâu dài, việc chống lại sự phát triển của AI là vô ích, những gì các giáo sư cần làm (với tư cách giảng viên) là chuyển sang chế độ kiểm tra Open book, Open AI.

 ChatGPT hiện có thể được sử dụng để sáng tạo nội dung văn bản.  Vì là mô hình ngôn ngữ có tính dự đoán (predictive model) nên ChatGPT có thể dễ dàng viết nội dung dựa trên dữ liệu đầu vào, thuật ngữ gọi là "lời nhắc" (prompt). Chẳng hạn, công cụ AI có thể viết một bài hát dựa trên các câu lệnh hay prompt của người dùng. Hơn nữa, ChatGPT cũng có thể giúp người dùng viết giống một phong cách của tác gia nổi tiếng như  Ernest Miller Hemingway, F. Scott Fitzgerald hay Franz Kafka. Và thật thú vị khi ChatGPT có thể giải thích các thuật ngữ, mã máy tính, khoa học. Khi khả năng gia sư AI của ChatGPT phát triển và trở nên hoàn thiện hơn trong những năm tới, công nghệ LLM có thể thay đổi đáng kể cách học sinh tương tác với thế giới. Do đó, ChatGPT cũng sẽ có tác động rất lớn đến ngành công nghệ giáo dục (Edtech). Nhiều công ty công nghệ giáo dục hiện có thể dạy các nguyên tắc cơ bản của một chủ đề và sử dụng ChatGPT để cung cấp cho sinh viên một nền tảng để đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc của họ.

Hiện văn bản được ChatGPT tạo ra (generative text) đi kèm với những thách thức. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đã học cách tạo ra các văn bản bằng cách thu thập một lượng lớn các văn bản trên internet: sách, Reddit, Wikipedia, các bài báo và nhiều nguồn khác nữa. Sau đó, tạo văn bản bằng cách dự đoán những từ có khả năng xuất hiện tiếp theo, dự đoán những câu tiếp theo và cả những đoạn văn tiếp theo. Chẳng hạn khi bạn nói: "Trăng hôm nay cao quá!". AI kiểu Việt Nam sẽ có thể có đáp án: "Anh muốn hôn vào má". Lẽ dĩ nhiên, ChatGPT không cho đáp án kiểu này vì những dữ liệu văn bản Việt nó học được rất ít trong kho dữ liệu khổng lồ chiếm 530 GB  được cung cấp cho nó.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 19.

Tiểu bang Florida (Mỹ) ngay lập tức đã ban bố một đạo luật, theo đó, tất cả sách đưa vào thư viện nhà trường buộc phải thải loại các đầu sách có xu huớng kích dâm, khiêu dâm, bạo dâm, hiếp dâm, ấu dâm... Công việc này do nhân viên chuyên trách xét duyệt, bằng.... não thường và mắt thường. Tới đây, khi  "máy nghĩ" phổ cập, các từ khóa kể trên sẽ không thể kích hoạt ở các tài khoản ChatGPT của những cá nhân còn ngồi trên ghế nhà trường. ChatGPT đã bị cấm tại các trường công lập ở thành phố  New York (Mỹ) và các trường đại học ở Úc.

Nhưng, về cả lý luận và thực tiễn, công nghệ nào do con người sáng tạo ra cũng đều nhằm phục vụ con người. Và cũng chính con người sẽ có những điều chỉnh, phát minh để ngày càng hoàn thiện hơn các loại công nghệ cao. Như có ChatGPT thì cũng ngay lập tức có app GPTZero (do một sinh viên trường Princeton-Mỹ sáng tạo) ra đời nhằm phát hiện xem phần viết đó có phải thực sự do người viết hay máy viết. Vấn đề là con người chấp nhận "máy nghĩ" làm thay bộ não của con người đến đâu mà thôi. Không ít nhà giáo dục khả kính đã bác bỏ quan điểm về "ngày tận thế trong giáo dục" khi cho rằng ChatGPT không thể phá hủy giáo dục, nhưng nó lại cho thấy hệ thống giáo dục có thể bị phá vỡ như thế nào! "Vấn đề không phải là làm thế nào để bạn tìm ra các hình thức đánh giá học sinh mới, mà là những ưu tiên của chúng ta trong giáo dục nâng cao vào lúc này là gì? Và có lẽ chúng đang gặp rắc rối"- ông  Alex Taylor, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về tương tác giữa người và máy tính tại Đại học London (Anh), cho biết.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 20.

Theo GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah-Mỹ), hiện nhiều hệ thống giáo dục đặt nặng việc học thuộc lòng và trả bài trong các kỳ thi cử. Với sự xuất hiện của internet, việc lưu trữ và truy cập kiến thức không còn quá quan trọng cho con người trong việc giải quyết vấn đề. Với công cụ tìm kiếm như Google thì con người cần khả năng tích hợp, phân tích và sử dụng kiến thức nhiều hơn khi cần giải quyết vấn đề. Nói một cách khác, khả năng giải quyết vấn đề sẽ hiệu quả hơn và nhanh hơn khi con người có thể truy cập và tích hợp kiến thức phong phú từ trên mạng hơn là dựa vào trí nhớ của mình. Do đó việc học thuộc lòng và nhớ không còn cần thiết. Giờ đây, với công cụ AI như ChatGPT thì truy cập, tích hợp và phân tích kiến thức (thông tin) hiệu quả, nhanh và đầy đủ hơn con người gấp nhiều lần. Ngoài ra, nó còn có khả năng đánh giá tính phù hợp và sáng tạo trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề. Thí dụ rõ nhất-theo GS Thành-là ông làm một thử nghiệm khi yêu cầu ChatGPT viết một bài luận để làm hồ sơ xin học ngành công nghệ thông tin AI ở đại học Mỹ dựa trên một số yếu tố cá nhân tôi nêu qua những gạch đầu dòng. ChatGPT viết một bài luận còn hay hơn khả năng ông có thể viết. Điều ngạc nhiên qua kiến thức về những bài tự luận mà ChatGPT đã học, nó đánh giá thông tin về việc ông giỏi toán không đủ mạnh. Nó đã tự "chế" ra một yếu tố hoàn toàn giả tạo nhưng có khả năng tăng tính cạnh tranh của hồ sơ xin vào đại học cho ông. Như thế việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì trách nhiệm của con người giờ chỉ còn đánh giá các giải pháp mà AI đề xuất, yêu cầu AI thay đổi và hoàn chỉnh sau đó quyết định sử dụng hay triển khai. Còn các vấn đề khác thì AI có thể hoàn tất hiệu quả và nhanh chóng hơn con người nhiều.

Trong cuốn sách gần đây Framers - Nhân loại đối đầu nhân tạo (tên gốc: Framers - Human Advantage in an Age of Technology and Turmoil), tác phẩm chung của ba tác giả nổi tiếng: Kenneth Cukier và Viktor Mayer-Schönberger (hai giáo sư khoa học về quản lý và công nghệ hàng đầu của Đại học Oxford và Harvard) và Kenneth Cukier là biên tập viên cao cấp cao của Tạp chí The Economist; ba tác giả đã khẳng định: Nguồn gốc sức mạnh của con người không phải nằm ở cơ bắp hay trí tuệ mà chính là ở các mô hình tâm trí. Khung nhận thức quyết định hành động. Khung nhận thức là các mô hình tâm trí mà chúng ta lựa chọn và áp dụng. Chúng quyết định cách thức con người nhìn nhận thế giới thực tại và hành động trong thế giới ấy. Khi khung nhận thức hiện tại không phù hợp, chúng ta có thể chọn khung khác, hoặc sáng tạo ra một khung mới hơn và tốt hơn. Trong mọi lĩnh vực, việc thấu hiểu sức mạnh của khung nhận thức là điều rất cần thiết. Chúng ta cần nhìn vấn đề theo một cách khác biệt để giải quyết nó. Dù là ở cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia hay nền văn minh, tâm điểm của các phương pháp ứng phó cho mọi vấn đề nan giải luôn nằm bên trong chúng ta: năng lực định hình khung nhận thức (framing) của riêng loài người.

Cơn sốt toàn cầu ChatGPT và những nỗi lo - Ảnh 21.

Vậy thì con người nên học gì, học như thế nào, và đánh giá năng lực lao động hay học tập của con người như thế nào? Đây là một bài toán khó cho giới học thuật toàn cầu. Hiện tại một số đại học Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng công cụ ChatGPT. Đây chỉ là giải pháp tình thế. Và để có những chính sách mới thì cần thay đổi triết lý giáo dục và phương pháp đào tạo cũng như đánh giá năng lực. Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là một nỗi lo hay là niềm hy vọng của Giáo dục? Câu trả lời sẽ tùy theo tâm thế của từng người. Nói như tiền nhân: "quan trọng là dụng tâm".

          

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/con-sot-toan-cau-chatgpt-va-nhung-noi-lo-179230206152848913.htm