Có một kiểu tư duy nguy hiểm!

Nguy hiểm nhất là kiểu tư duy thiên kiến, áp đặt nằm trong quan niệm của người hoạch định chính sách, có quyền quyết định những chuyện liên quan đến cộng đồng.
Ngày còn nhỏ, tôi đã bắt đầu đọc “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thuỷ hử”, “Tây du ký”, “Sông Đông êm đềm”... Không hiểu mấy những cuốn sách đó nhưng tôi rất thích thấy người này được người kia "khai tâm" cho, làm cho hiểu một điều mới đến mức tâm phục, khẩu phục, khoanh tay, rập đầu mà rằng “ tại hạ gặp được ngài chỉ giáo cho khác nào vén mây mù nhìn thấy trời xanh”.
Lớn lên, tôi được nghe dạy ở hết lớp này đến lớp khác về phương pháp tư duy khoa học nhưng chẳng ngấm được bao nhiêu vì mình dốt một phần, một phần thấy nhiều người chuyên dạy người khác về phương pháp nhận thức này nọ nhưng chính họ lại là người rất duy tâm. Do định kiến, tính tiên thiên thấm đẫm tư duy của họ mà họ tự xác định đúng sai ngay trước khi tiếp cận hiện tượng cần nghiên cứu. Mọi nghiên cứu của họ chỉ là chứng mình cho những xác quyết của họ mà thôi. Ai nói khác những gì họ nói là họ phản đối bằng đủ mọi cách. Cụ Phan Khôi đã từng “cảnh cáo các nhà học phiệt” từ thế kỷ trước nhưng đến bây giờ vẫn nhan nhản các kiểu “tư duy phiệt”. Ở đại học, duy nhất tôi được nghe một giáo sư khuyên chúng tôi “phải nghĩ cách lật đổ tôi nhưng phải bằng các lập luận khoa học thuyết phục chứ không phải bằng thái độ”. Tôi chỉ được học giáo sư này có một chuyên đề về chuyện cổ tích nhưng đến giờ vẫn nhớ lời ông.
Nửa tháng trước đọc được cuốn “ Tư duy truy tìm sự thật” (tác giả Julia Galef, NXB Dân Trí, người dịch Yên Du-Ngọc Dung), tôi bắt gặp một ý kiến mang tính tự nhận thức về mình rất hay. Tác giả nói rằng, khi lên lớp bà phát hiện ra mình rất sai lầm khi hay đặt ra những câu hỏi mang tính dẫn dắt sinh viên theo nhận thức chủ quan của mình về một điều gì đó mà cho là đúng. Như vậy là tự lừa dối và lừa dối người nghe vì toàn bộ dữ liệu, lập luận, cách trình bày… đều được lập trình để chứng minh sự vật theo nhận thức của mình chứ không phải như logic bản thân nó. Quá trình này đã loại bỏ vô vàn những yếu tố khác nằm ngoài bản thân sự vật nhưng lại châu tuần xung quanh ý tưởng của người nói. Khi khẳng định điều mình nói là đúng và bác bỏ những thứ khác mình được coi là sai, người thuyết trình đã không còn khách quan nữa. Bà cho rằng điều này xảy ra phổ biến ở mọi người dù nó không đúng và bà gọi đó là kiểu “tư duy chiến binh”- kiểu tư duy đã xác định đích đến từ khi tiếp cận hiện tượng, và người thuyết trình “ toàn tâm, toàn ý” làm điều này.
Kiểu tư duy không bắt đầu từ một định đề, một xác tín mà cố gắng tìm kiếm mọi dữ liệu về hiện tượng, phân tích, đánh giá theo hướng khách quan nhất rồi mới kết luận về hiện tượng - được bà Julia Galef gọi tên là “tư duy trinh sát”. Tư duy này bao gồm cả trường hợp khảo sát hiện tượng xong mới thấy những hiểu biết, thậm chí xác tín về hiện tượng là không đúng. Khi ấy người tự nhận thức phải vượt qua chính mình bằng cách phủ nhận những tín điều cũ mà cách nói của “Tam Quốc diễn nghĩa” là “vén mây mù thấy trời xanh”.
Ngẫm ra ở đời mỗi người đã phải trải qua biết bao lần phải thay đổi và có người không bao giờ thay đổi nhận thức về điều này, điều nọ lại không phải do thái độ chính trị xã hội, đạo đức… mà là do năng lực tư duy. Vô tình hay cố ý không rõ nhưng quả thực kiểu tư duy thiên kiến, áp đặt, độc quyền chân lý đang làm hại xã hội bởi nó thể hiện một trình độ tư duy chưa phát triển, một cách tiếp cận sự vật sai lầm. Tình trạng này diễn ra ở mọi lĩnh vực, ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia được cho là phát triển. Kiểu tư duy ấy thực tế có tác động tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội. Nhưng nguy hiểm nhất là kiểu tư duy ấy nằm trong quan niệm của người hoạch định chính sách, có quyền quyết định những chuyện liên quan đến cộng đồng.
“Tư duy trinh sát” rất cần cho mọi lĩnh vực vì nó đảm bảo cho nhận thức về sự vật không thiên vị, võ đoán. Những nhà nghiên cứu đặc biệt cần phương pháp tư duy này.
Ngẫm về mình cũng thấy mình đã không ít lần cố chứng minh là mình đúng, không chịu nghe, không muốn hiểu những quan niệm khác, những cách tiếp cận khác. Công bằng với mình hóa ra khó nhất nhưng đó cũng còn có lý do từ nhận thức chứ không hoàn toàn từ đạo đức, từ thái độ. Phủ định mình để chuyển sang nhận thức khác có lẽ là khó khăn lớn nhất, ngay cả khi đã biết cần phải làm như vậy.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/co-mot-kieu-tu-duy-nguy-hiem-179220628065538493.htm