Cố Giáo sư Hoàng Trọng Phiến và niềm đam mê với ngôn ngữ
Cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến là người đặt nền móng cho bộ môn giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Tiểu sử Giáo sư Hoàng Trọng Phiến
Giáo sư Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 2/1/1934 tại làng Khuê Bắc (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).
Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học năm 1959, ông được giữ lại trường và trở thành giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học, lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam khi đó.
Năm 1964, ông sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Moscow và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ năm 1968.
Trở về nước, ông tiếp tục công việc nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 - 1973, ông là Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn).
Năm 1968, Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập Khoa Tiếng Việt để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho học viên nước ngoài. Giáo sư Hoàng Trọng Phiến là một trong những người đặt nền móng cho khoa và trở thành chủ nhiệm đầu tiên của khoa này (từ năm 1973 - 1984). Ông từng là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1989 - 1992.
Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1996, Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
Ngày 17/7/2022, Giáo sư Hoàng Trọng Phiến, nguyên giảng viên khoa Ngôn ngữ học, nguyên chủ nhiệm khoa Tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã qua đời, để lại nhiều tiếc nuối cho các thế hệ học trò và nhà khoa học Việt Nam.
Niềm đam mê ngôn ngữ bất tận
Giáo sư Hoàng Trọng Phiến là một trong những nhà ngôn ngữ học thế hệ đầu của Việt Nam được đào tạo bài bản về chuyên ngành này. Ông là người có công lớn trong quá trình xây dựng bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thông qua ngôn ngữ, ông đem đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam đa dạng, sâu sắc và thiện cảm.
Ông có nhiều cống hiến cho nền khoa học nước nhà với nhiều công trình nghiên cứu giá trị, đào tạo thành công nhiều thế hệ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới.
Ông được đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên, học viên đánh giá cao là nhà khoa học có học thức uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, người thầy dung dị với những đóng góp quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Giảng dạy và nghiên cứu là hai hoạt động song hành phát triển, bổ sung cho nhau để con người “ngôn ngữ” của Giáo sư trở nên hài hòa, toàn diện. Theo ông, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và viết sách về lĩnh vực này đều là hoạt động khoa học, đòi hỏi sự nghiêm túc, sâu sắc.
Cho đến nay, Giáo sư đã có một khối lượng công trình khoa học đồ sộ. Ông đã dịch và biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, công trình khoa học có giá trị, được xem như “sách gối đầu giường” của nhiều thế hệ sinh viên ngành ngôn ngữ học như: “Cách suy nghĩ khoa học Ngữ văn; Cách phân tích thành phần câu tiếng Việt; Các kết cấu cú pháp trong các tiêu đề báo chí Việt Nam; Các con đường tối ưu trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài;…
Những giáo trình đậm màu sắc ngôn ngữ học của Giáo sư đã giúp người nước ngoài học tiếng Việt một cách dễ dàng, khoa học. Không chỉ hành văn, cú pháp mà cả ngữ âm, ngữ điệu cũng được ông quan tâm để khi người nước ngoài nói chuyện không còn mang sắc âm “lơ lớ” ngoại quốc.
Luận án Tiến sĩ của Giáo sư Hoàng Trọng Phiến (tiếng Nga) trình bày tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1968 có đoạn:
"Càng nghiên cứu, khám phá tôi càng ngộ ra: Ngôn ngữ hoàn toàn không khô khan, khó hiểu như mình ngộ tưởng. Ngôn ngữ học sinh động, có sức hút thâm trầm, lặng lẽ. Đặc biệt là khi học tập, nghiên cứu ở Liên Xô, được hai giáo sư Viện sĩ ngôn ngữ học nổi tiếng S.Stepanov, V. Solcev hướng dẫn, chân trời ngôn ngữ của tôi được mở rộng dần. Ở đó tôi bắt gặp nhiều phương pháp tiếp cận mới, nhiều trường phái thú vị. Từ đó tôi hiểu, có đi trọn cuộc đời vẫn chỉ là những bước đầu khám phá ngôn ngữ. Với tiếng Việt, một ngôn ngữ phong phú trên nhiều phương diện ngữ pháp, ngữ âm, cú pháp…, có thể mặc sức khám phá và cả thưởng thức, như một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù."
Những công trình khoa học tiêu biểu
Các đề tài nghiên cứu ngôn ngữ:
- Giới thiệu vài nét về văn học nô dịch, đồi truỵ vùng đô thị niềm Nam Việt Nam/Các nước Á Phi, 1966.
- Các phương thức rút gọn từ trong tiếng Việt hiện đại. Hội nghị Khoa học nghiên cứu sinh Châu Á, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. 1968.
- Cách phân tích thành phần câu tiếng Việt hiện đại. Thông báo ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1970.
- Chuẩn mực ngôn ngữ và bất biến thể biến thể chức năng. Hội thảo Khoa học Khoa Tiếng Việt, 1972.
- Chương trình ngôn ngữ học đại cương. Bộ Đại học, 1973.
- Ngôn ngữ xã hội học và phương pháp miêu tả các hiện tượng ngôn từ. Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội,1973-1974.
- Đơn vị thuần thục trong việc dạy ngữ pháp tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 1974.
- Cú pháp tu từ của Bác Hồ. Phong cách tiếng Việt, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974.
- Tiếng Việt và việc dạy tiếng Việt. Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974.
- Các kết cấu cú phát trong các tiêu đề báo chí Việt Nam. Ngôn ngữ học, số 2, 1975.
- Các con đường tối ưu trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Hội thảo Khoa học Khoa Tiếng Việt, 1975.
- Nhận xét trạng ngữ trong tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, 1975.
Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo:
- Kiến trúc từ phái sinh tiếng Việt. Ngôn ngữ Đông Nam Á. Nhà xuất bản Khoa học Mạc Tư Khoa, 1970.
- Ngôn ngữ học dẫn luận (dịch từ tiếng Nga), 1970.
- Phong cách học tiếng Việt hiện đại. Khoa Tiếng Việt, 1973.
- Cách miêu tả hệ thống cú pháp các kiểu câu cơ bản tiếng Việt. Bộ Giáo dục, 1969.
- Ngôn ngữ học đại cương. Bộ Đại học, 1970-1972.
- Chức năng của ngôn ngữ. Bộ Đại học, 1971-1972.
- Lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt (1976), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, 1976.
- Cú pháp tiếng Việt, 1980.
- Ngữ nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ (dịch từ tiếng Nga), 1996.
- Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (chủ biên), 1990.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/co-giao-su-hoang-trong-phien-va-niem-dam-me-voi-ngon-ngu-179220719143638611.htm