Chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm toán
Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm hành vi tham nhũng, tiêu cực; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Chỉ thị số 103/CT-KTNN ngày 22/2 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023.
Theo Cổng TTĐT Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN) khẩn trương bám sát Chỉ thị số 552-CT/BTV ngày 5/1/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước; Phương án tổ chức kiểm toán năm 2023; Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 và các Đề cương, hướng dẫn kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Trong đó, đặc biệt chú ý ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Đồng thời đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến khâu lập và phát hành Báo cáo kiểm toán. Tăng cường kiểm soát trực tiếp kết hợp linh hoạt với kiểm soát qua hồ sơ để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Đảm bảo nguồn nhân lực tại đơn vị để thực hiện kiểm soát chất lượng của các Đoàn kiểm toán và nhiệm vụ khác được phân công.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các Đoàn kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán chấp hành nghiêm và tuân thủ đầy đủ quy định của Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.
Đặc biệt, không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán năm 2023 đối với các trường hợp theo quy định tại Điều 8 Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước hoặc có nghi vấn trong hoạt động kiểm toán đang kiểm tra, xác minh; có hành vi vi phạm trong thực thi công vụ theo Chỉ thị số 1346/CT- Kiểm toán nhà nước ngày 28/10/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiến quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán năm 2023 đối với các trường hợp chưa đạt kết quả theo yêu cầu trong đợt đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; Thời gian tham gia các khóa đào tạo, bòi dưỡng trùng với thời gian kiểm toán và vượt quá số ngày theo quy định; Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán nhưng chưa được xử lý theo quy định và để kéo dài...
Các đơn vị thực hiện nghiêm Phương án tổ chức kiểm toán, danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
Chỉ thị cũng nêu rõ một số lưu ý về: Các chuyên đề kiểm toán chưa xác định được đầu mối chi tiết; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Giới hạn kiểm toán; phối hợp trong hoạt động kiểm toán...
Đồng thời yêu cầu các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để xử lý chồng chéo, trùng lặp về nội dung và thời gian trong hoạt động kiểm toán, thanh tra theo yêu cầu tại điểm 2.4 Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội "không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".
Chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu phát hiện vi phạm trong kiểm toán
Đối với việc nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán, Chỉ thị số 103/CT-KTNN nêu rõ: Tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp theo quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN ngày 28/12/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán để đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán.
Trường hợp liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thu thập đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng. Thực hiện nghiệm kiến nghị của Đoàn Kiểm tra số 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Báo cáo số 44/BC-DDKTS4 ngày 11/11/2022.
Các đơn vị phải thực hiện nghiêm Phương án tổ chức kiểm toán, danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt.
Về phát hành Báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu: Các đơn vị sắp xếp thời gian kiểm toán phù hợp, đảm bảo kết thúc kiểm toán trước ngày 31/10/2023 và phát hành Báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2023 (trừ các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước và các cuộc kiểm toán bổ sung).
Đối với các chuyên đề kiểm toán của Ngành, nhiều đơn vị thực hiện, các đơn vị được giao chủ trì phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổng hợp, lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng và tiến độ, đặc biệt là các chuyên đề phục vụ giám sát của Quốc hội. Ngoài ra, các đơn vị được giao chủ trì các chuyên đề, nội dung kiểm toán liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức theo dõi, thường xuyên bám sát tình hình và kết quả thực hiện, đánh giá cập nhật kịp thời để cung cấp thông tin cho Vụ Tổng hợp tổng hợp tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội theo yêu cầu.
Đối với các chuyên đề kiểm toán riêng của từng đơn vị nhưng có phạm vi triển khai tại nhiều địa phương và phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập tại từng địa phương được kiểm toán, các đơn vị lập Báo cáo tổng hợp kết quả chuyên đề gửi Vụ Tổng hợp trước ngày 31/12/2023 để tổng hợp kết quả kiểm toán 2023 của Kiểm toán nhà nước.
Về công khai kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu: Báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước) theo quy định tại Điều 50 Luật Kiểm toán nhà nước và Quyết định số 1562/QĐ-KTNN ngày 08/9/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước; cung cấp Báo cáo kiểm toán cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng hoặc đề nghị khen thưởng đột xuất, chậm nhất trong thời gian 30 ngày sau khi Báo cáo kiểm toán được phát hành, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm đề xuất và biên tập một số nội dung, phát hiện trọng yếu gửi Vụ Tổng hợp để chủ trì, tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Kiểm toán nhà nước và Báo Kiểm toán.
Các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, quản lý hoạt động kiểm toán, tổ chức thực hiện đánh giá mực độ ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định.
Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 49 nhiệm vụ so với năm 2022, tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước và Báo cáo nợ công năm 2022; thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại 16 bộ, cơ quan trung ương gồm: Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam...
(Quyết định số 1482/QĐ-KTNN về kế hoạch kiểm toán năm 2023)