Chuyện hai bà
Bà Là và bà Lịch là hai người hàng xóm, ta nói hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nhưng với hai bà lại có nhiều chuyện đáng tiếc...
Ở ngôi làng nhỏ bé và rất yên bình nọ, không khí tưởng chừng yên ả, nhưng rồi một ngày không còn yên bình nữa, bởi có hai bà hàng xóm bỗng dưng nảy sinh hiềm khích và cãi nhau sớm tối: bà Là và bà Lịch.
Bà Là bán cháo lòng, còn bà Lịch làm chăn nuôi.
Nghề nông vất vả mà chẳng được bao nhiêu, vì nhiều lý do: vốn liếng, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh... nên bà Lịch cứ ngày qua tháng lại gặm nhấm nỗi buồn.
Nỗi buồn càng lớn thì bà Lịch càng dễ cáu bẳn, sinh ra ghen ăn tức ở với bà Là.
Nhìn bà Là mở quán cháo lòng rất đông, khách trong làng ra vào tấp nập. Bà Lịch thấy đố kị. Nhà sát vách nhau, mảnh vườn của bà Lịch thiết kế ngay cạnh chỗ khách bà Là ngồi. Một ngày buồn bực, bà Lịch quyết định phá bà Là không cho bán cháo. Thế là, sáng ra khách ăn cháo, bà Lịch hoà nước phân ra tưới rau... Ôi chao, cái mùi bốc lên không khách nào đưa miếng ăn vào miệng mà nuốt nổi. Khách bà Là bỏ ăn dần.
Mất khách. Tiếc. Bà Là không phải dạng vừa, bà quyết tâm "trả đũa". Bà Lịch nuôi được đàn gà mới lớn, sắp đến ngày "thu hoạch". Bà Là nghĩ ra phương kế rắc muối vãi khắp vườn của bà Lịch. Gà mổ muối ăn, chết sạch!
Tình hàng xóm còn đâu!
Phát hiện ra "mưu sâu kế hiểm" của nhau, cả hai bên cãi nhau hết ngày này qua tháng khác. Tưởng chừng chả bao giờ dứt. Làng xóm ai cũng buồn cho hai hộ gia đình đói... văn hoá.
Một hôm, chị Tâm cán bộ huyện xuống chơi. Là người tiên phong vận động bà con xây dựng nông thôn mới, chuyên gia tư vấn giải quyết các vấn đề chanh chấp, mâu thuẫn trong làng, chị Tâm quyết tâm trả lại cảnh trong ấm ngoài êm vốn có cho ngôi làng nhỏ, trả lại cảnh xóm giềng tối lửa tắt đèn cho hai gia đình bà Là, bà Lịch.
Chị mời bà Lịch sang ăn cháo bà Là với mình. Cán bộ mời, từ chối sao đành. Chọn chỗ ngồi cạnh ranh giới hai nhà, gần luống xà lách bà Lịch mới tưới phân, chị Tâm nhẹ nhàng hỏi han, tâm sự, rồi giải thích: "Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Bà hãy thưởng thức món cháo để thấy món ăn bà Là nấu và đang phục vụ khách là góp phần chăm sóc sức khoẻ cho bà con làng xóm nơi đây. Nhưng nếu việc tưới phân của bà làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường chung, tới sức khoẻ của mọi người trong làng, như vậy, cán bộ sẽ phạt gia đình bà gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội đấy!"
Bà Lịch nghe giật nảy mình, cứ nghĩ việc nhỏ nhỏ ấy mà ảnh hưởng lớn lớn đến môi trường, đến sức khỏe, đến cả làng - nghe bảo "cán bộ" phạt mà bà dúm dụm cả người. Rồi, bà kể lể gia cảnh khó khăn, chả có vốn liếng, làm ăn cực nhọc mà không ra thành quả... Ngồi nghe chuyện, bà Là cũng ngộ ra nhiều điều, hóa ra lâu nay ở cạnh nhau, mà không cảm thấu được nỗi khổ của nhau. Vốn là người xởi lởi, không hẹp hòi, bà Là chủ động xin lỗi bà Lịch vì việc rắc muối cho gà ăn. Bà Là cũng xin bù thiệt hại cho đàn gà và cho bà Lịch mượn một khoản vốn nhỏ giúp đỡ bà Lịch mua giống và phân bón cho vụ mùa sắp tới.
Có được nguồn vốn bà Là cho mượn, bà Lịch quyết tâm tập trung làm ăn. Bà cũng bỏ hẳn tính "dòm ngó", ghen ăn, tức ở. Thời gian bà dành cho tìm hiểu thông tin phục vụ tốt hơn cho nghề của mình, tránh được bệnh tật, tăng thêm năng suất, Chỉ ít lâu, bà Lịch có lứa chăn nuôi bội thu. Năm đó, không chỉ bà Là cháo lòng ấm no, mà bà Lịch nông dân cũng trở nên sung túc, đầy đủ.
Chuyện nông thôn chỉ có vậy!
Thói ghen tị với người khác trên đời này không hiếm. Phải làm sao để mỗi người chúng ta tự răn mình, sống trên đời luôn phải biết yêu thương và chia sẻ. Chỉ có tình yêu, sự cảm thông và lòng biết ơn sẽ giúp ta có được hạnh phúc đích thực. Vì cuộc sống không bao giờ là dễ dàng.
Người với người, hãy yêu thương nhau.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-hai-ba-179230502060254679.htm