Chuyên gia giáo dục tư vấn "bí kíp" chọn ngành, chọn nghề phù hợp cho mùa tuyển sinh 2023

07:08 - 29/03/2023

Câu chuyện chọn ngành, chọn nghề đang là mối quan tâm hàng đầu của đa số học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2023. Vậy làm thế nào để chọn ngành, nghề vừa phù hợp với các bạn trẻ, lại đúng với xu hướng phát triển của thời đại?

Mùa thi đang đến rất gần và hiện cũng là thời điểm phụ huynh, học sinh phổ thông cuối cấp phải đưa ra quyết định chọn ngành, nghề để đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Làm thế nào để chọn ngành, nghề vừa phù hợp với các bạn trẻ, lại đúng với xu hướng phát triển của thời đại?

Tại Tọa đàm: "Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp 2023" chủ đề "Bí kíp chọn ngành, chọn nghề phù hợp" do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức, 2 vị khách mời của chương trình là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, hiện là cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam và Thạc sĩ Đinh Đức Hiền - chuyên gia giáo dục hướng nghiệp đã tư vấn cho phụ huynh và học sinh vấn đề đang được quan tâm này.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo Thạc sĩ Đinh Đức Hiền, những năm gần đây, tâm lý cũng như thái độ của học sinh khi chọn ngành, nghề đã thay đổi như thế nào?

Thạc sĩ Đinh Đức Hiền: Tâm lý chung của phụ huynh và học sinh khi chọn ngành, nghề đã cởi mở hơn trước.

Nếu như trước kia, phụ huynh hay học sinh thường quan tâm lựa chọn những ngành, nghề phổ biến như: Sư phạm, Y tế, Ngân hàng… thì hiện nay với sự bùng nổ của nền kinh tế thị trường, nhiều ngành, nghề mới đã ra đời, sự lựa chọn cũng vì thế mà phong phú hơn.

Ngay cả trong bữa cơm gia đình, khi các bạn học sinh đặt câu hỏi: "Con nên thi vào ngành gì?”, phụ huynh hay trả lời ngắn gọn rằng “Con thi gì cũng được”.

Chuyên gia giáo dục tư vấn bí kíp chọn ngành, chọn nghề phù hợp cho mùa tuyển sinh 2023 - Ảnh 2.

Thạc sĩ Đinh Đức Hiền nhận định, tâm lý của phụ huynh và học sinh khi chọn ngành nghề đã cởi mở hơn trước.

Câu trả lời “Con thi gì cũng được” phần nào đó thể hiện sự "thoải mái" của phụ huynh trong việc chọn ngành, chọn nghề. Chỉ cần con được học ngành mà con yêu thích, làm gì cũng được miễn là tạo ra thu nhập và trở thành người tốt.

Tuy nhiên, tâm lý này có thể dẫn đến một vấn đề đó là phụ huynh sẽ thiếu sự đồng hành trong việc định hướng nghề, nghiệp cho con em mình.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Những sai lầm phổ biến các bạn trẻ hay mắc phải khi chọn ngành, nghề là gì, thưa Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Sai lầm cơ bản đó là các em chỉ biết đến ngành mà không biết đến nghề. Lỗi sai này không phải là lỗi của các bạn trẻ mà là do công tác hướng nghiệp làm chưa tốt, chưa hiệu quả.

Chuyên gia gợi ý nguyên tắc chọn ngành, chọn nghề phù hợp - Ảnh 3.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng, công tác hướng nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và chưa hiệu quả.

Hướng nghiệp là phải hướng đến nghề cụ thể và cần có một bản mô tả từng nghề để học sinh dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin.

Ví dụ một học sinh thích học kinh tế hàng không, chúng ta phải giải thích rõ cho học sinh đó biết kinh tế hàng không là gì, học kinh tế hàng không sẽ làm những công việc nào, chương trình đào tạo ra sao...

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo Thạc sĩ Đinh Đức Hiền, hậu quả của việc chọn sai ngành, sai nghề là gì? Chọn sai ngành liệu có cơ hội để thay đổi?

Thạc sĩ Đinh Đức Hiền: Chọn ngành, nghề không phù hợp không chỉ lãng phí nguồn nhân lực mà còn lãng phí chính cuộc đời và thời gian của các bạn trẻ.

Vậy, chọn sai ngành, nghề, có thể thay đổi được hay không? Thực ra, 60 tuổi chọn lại cũng không vấn đề gì. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi công việc mình đang làm. Nhưng tại sao lại phải đợi đến 30, 40 tuổi mới nhận ra là mình đã chọn sai ngành, nghề.

Theo tôi, công tác hướng nghiệp cần phải thực hiện sớm hơn nữa để giúp các bạn trẻ nhận ra giá trị của bản thân và điều các bạn mong muốn.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng ChatGPT sẽ khiến nhiều người mất việc, quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Hiện nay, các ứng dụng và công cụ được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo cực kỳ lợi hại. Phụ huynh, học sinh biết cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc chọn ngành, nghề thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại và cho rằng ChatGPT ra đời có thể gây ra tình trạng thất nghiệp trong nhiều ngành, nghề. Thực tế, không có ChatGPT thì hàng triệu người vẫn thất nghiệp vì sự phát triển của công nghệ.

Các bạn trẻ không nên quá lo lắng, chỉ khi bỏ việc học tập suốt đời, không trang bị thêm kiến thức, các bạn mới bị đào thải. Biết thay đổi, không ngừng học hỏi và bổ sung kỹ năng mới thì không bao giờ các bạn mất việc làm.

Chuyên gia gợi ý nguyên tắc chọn ngành, chọn nghề phù hợp - Ảnh 4.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong khuyên các bạn trẻ không nên lo ngại trước sự xuất hiện của ChatGPT.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Các bạn trẻ có nên chọn học ngành, nghề "hot" theo xu hướng hay không, thưa Thạc sĩ Đinh Đức Hiền?

Thạc sĩ Đinh Đức Hiền: Chạy theo một thứ gì “hot” là tâm lý rất bình thường của con người. Thế nhưng, khi các bạn trẻ đổ xô, học ngành “hot”, đồng nghĩa với việc các bạn đang đặt vận mệnh, tương lai của mình vào người khác.

Cách đây khoảng 10 năm, rất nhiều người chọn học Kế toán, Tài chính, Ngân hàng. Hàng loạt trường đại học mở các ngành này để đào tạo.

Nhiều người học thì sẽ tạo ra một lượng lao động vô cùng lớn và để thành công trong sự nghiệp, các bạn phải vượt qua rất nhiều người.

Hiện nay, cũng có một số ngành, nghề mà chúng ta chưa bao giờ nghe tên có thể đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Thế nhưng, những ngành, nghề đó luôn biến đổi, nhất là trong thời đại 4.0.

Vậy khi chọn ngành, nghề, các bạn phải lưu ý gì? Điều quan trọng nhất vẫn là căn cứ vào năng lực, sở thích, đam mê của chính mình. Nếu chỉ chạy theo ngành, nghề "hot", các bạn sẽ bị động, phụ thuộc vào người khác và phụ thuộc vào xã hội.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Là người đồng hành cùng học sinh, các bậc phụ huynh nên làm gì để giúp con lựa chọn nghề, nghiệp phù hợp, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong và Thạc sĩ Đinh Đức Hiền có thể đưa ra lời khuyên?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Theo tôi, gia đình không nên quá lo lắng về việc thi cử mà ép con trẻ học ngày học đêm. Phụ huynh có thể tìm hiểu về thế mạnh của con để tư vấn giúp con chọn ngành, chọn nghề. Phụ huynh không nên áp đặt con trong việc chọn ngành học, đã đến lúc bỏ đi quan điểm cha truyền con nối.

Chuyên gia giáo dục tư vấn bí kíp chọn ngành, chọn nghề phù hợp cho mùa tuyển sinh 2023 - Ảnh 5.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong và Thạc sĩ Đinh Đức Hiền đưa ra nhiều lời khuyên cho phụ huynh khi đồng hành cùng các bạn trẻ chọn ngành, chọn nghề.

Thạc sĩ Đinh Đức Hiền: Các bậc phụ huynh hướng nghiệp cho con nên dựa trên các nguyên tắc: Thứ nhất, sở thích, năng lực, tính cách, sức khỏe của con trẻ; Thứ hai, điều kiện kinh tế của gia đình; Thứ ba là nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của ngành, nghề trong hiện tại và tương lai.

Phụ huynh nên đồng hành, cùng con em mình tham gia tìm kiếm thông tin về các ngành, nghề cụ thể; có thể đưa con đến cơ quan, xí nghiệp, nhà máy của mình và cho con trải nghiệm công việc thực tế; cho con tham gia công việc trong gia đình, xã hội... để con tìm ra điểm mạnh của bản thân và biết mình phù hợp theo học ngành, nghề gì.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên kết nối với nhau, tổ chức những buổi nói chuyện, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc giúp con chọn ngành, chọn trường.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-gia-giao-duc-tu-van-bi-kip-chon-nganh-chon-nghe-phu-hop-cho-mua-tuyen-sinh-2023-179230322012510929.htm