Chuyển đổi số giáo dục đại học - thách thức với đội ngũ giảng viên
Trong giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin và những thành tựu của chuyển đổi số là cách thức duy nhất để thực hiện quan điểm "dừng đến trường nhưng không dừng học".
Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển của quốc gia, đặc biệt đã hỗ trợ thầy cô trong việc giảm tải một số công việc như điểm danh, chấm bài, sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại để làm sinh động bài giảng…
Tuy nhiên, giáo dục đại học với những đặc thù về môn học chuyên ngành, môi trường học tập, cơ sở vật chất... đã đặt ra nhiều thời cơ, thách thức đối với các giảng viên trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng những đòi hỏi của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Trong bài viết này tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử kết hợp với các phương pháp cụ thể như phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp so sánh, đối chiếu, phương pháp logic - lịch sử để tiếp cận các tài liệu của Đảng và Nhà nước, các sách, tài liệu hội thảo, các trang web… để làm rõ nội dung chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó nêu lên những thời cơ và thách thức đối với đội ngũ giảng viên tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình tất yếu
Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, vì vậy, Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế cũng không thể đứng ngoài quá trình đó. Ở nước ta, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra trong nhiều lĩnh vực như tài chính, giao thông, du lịch, dịch vụ, y tế… Giáo dục với sứ mệnh đào tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai cho đất nước, tạo ra đội ngũ lao động trong mọi lĩnh vực của cuộc sống cũng không thể không tiếp cận chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giáo dục có thể được hiểu là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nhằm thay đổi phương thức thực hiện giáo dục, bao gồm có những thay đổi về phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo. Chuyển đổi số trong giáo dục cũng là một tất yếu khách quan vì những lý do sau:
Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có giáo dục
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đã khẳng định phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được những mục tiêu này, việc cần thực hiện trước tiên là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về chuyển đổi số. Giáo dục có nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng, truyền thụ tri thức, nâng cao dân trí…, vì vậy thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục để đồng hành với những mục tiêu lớn của đất nước.
Với những hiểu biết sai lầm hoặc chưa đầy đủ về chuyển đổi số có thể sẽ dẫn đến những trở ngại cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, vì vậy, sự chuẩn bị về tâm lý, nhận thức cho mọi đối tượng trong xã hội về chuyển đổi số là thực sự cần thiết. Giáo dục vừa phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, vừa phải là lĩnh vực thực hiện từng bước chuyển đổi số để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nhằm thực hiện thành công đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế
Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến đáng kể và đạt được nhiều thành tựu: giáo dục phổ thông góp phần nâng cao chỉ số vốn năng lực, giáo dục đại học hướng đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy… Từ việc xác định mục tiêu đúng đắn, giáo dục đã từng bước vận dụng chuyển đổi số vào các hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục.
Chuyển đổi số đã cung cấp những công cụ số hỗ trợ đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu; tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Hiện nay, ở nước ta nhiều mô hình giáo dục thông minh, nhiều kho dữ liệu lớn chứa đựng khối lượng tri thức khổng lồ được hình thành; các ứng dụng hỗ trợ học tập đa dạng, phong phú; các cách thức liên hệ, tương tác giữa giáo viên, học sinh, nhà trường, gia đình, các chuyên gia… được kết nối dễ dàng thông qua nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã chủ động sử dụng công cụ đánh giá và đối sánh chất lượng theo thông lệ quốc tế để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục. Việt Nam đã tham gia PISA, PASEC và xếp hạng đại học, thông qua đó Chính phủ có thể nhìn nhận thực trạng của hệ thống giáo dục quốc gia và đánh giá tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà và hội nhập quốc tế.
Chuyển đổi số trong giáo dục là chìa khóa hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới
Mặc dù những khái niệm bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, thư viện số… đã không còn xa lạ đối với giáo dục ở Việt Nam nhưng chỉ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, chuyển đổi số trong giáo dục mới thực sự phát huy tác dụng ưu việt và được ứng dụng rộng rãi nhằm thích ứng với điều kiện mới. Trong bối cảnh không thể triển khai học tập trực tiếp, chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong việc dạy và học trực tuyến. "Toàn ngành Giáo dục đã xây dựng và chia sẻ dùng chung với hơn 5.000 bài giảng E-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. Cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn quốc về giáo dục được bổ sung, hoàn thiện. 100% số trường học được kết nối Internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử, giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường. Lần đầu tiên, ngành Giáo dục đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên".
Chuyển đổi số trong giáo dục đã hỗ trợ quá trình giáo dục, đào tạo được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn trong thời gian đại dịch. Cả người dạy và người học đều phải nhanh chóng học tập, thích nghi và sử dụng những phương thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong dạy và học. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 trong năm 2020, cao hơn nhiều so với trung bình chung của các nước OECD là 67,5% [4]. Kết quả này đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục trong bối cảnh bình thường mới của toàn thế giới.
Chuyển đổi số trong giáo dục và những cơ hội của đội ngũ giảng viên
Ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại của chuyển đổi số, giảng viên có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác kho tài liệu để phục vụ quá trình giảng dạy
Trước đây, việc khai thác và sử dụng tài liệu phục vụ giảng dạy phần lớn phải phụ thuộc vào điều kiện của thư viện ở cơ sở đào tạo thì nay giảng viên và sinh viên đã có thể tiếp cận với thư viện số, truy cập nhiều trang web tài liệu miễn phí hoặc mất một khoản phí nhỏ để đọc và tải về những tài liệu cần thiết cho môn học, truy xuất nguồn gốc của các câu trích dẫn trong những tác phẩm kinh điển... Hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng đã mở ra cơ hội tiếp cận với kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại qua các thời kỳ lịch sử. Bài giảng của giảng viên nhờ đó sinh động và phong phú hơn nhiều.
Trong kỷ nguyên của IoT (Internet of Things), chỉ cần có một thiết bị điện tử có thể truy cập Internet là giảng viên, sinh viên đều có thể tìm kiếm thông tin, chia sẻ thông tin, tương tác lẫn nhau. Cũng nhờ những thành tựu của khoa học công nghệ mới mà việc tiếp cận với những tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học thế giới, tìm hiểu và thực hiện viết bài cho các tạp chí quốc tế đang được giảng viên hết sức quan tâm. Điều này mở ra cơ hội nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, nâng cao chỉ số đánh giá của trường đại học trong bảng xếp hạng các trường ở phạm vi khu vực hoặc quốc tế.
Ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ của chuyển đổi số để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy
Về nội dung giảng dạy: giảng viên giảng dạy đại học tập trung vào các môn học cung cấp kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành. Trong giai đoạn trước, quá trình giảng dạy thường rơi vào tình trạng "cháy giáo án" vì thời gian trên lớp không đủ để giảng viên truyền tải hết nội dung lý thuyết của môn học. Song trong thời đại mới, giảng viên hoàn toàn có thể áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ mới trong quản lý lớp học, phân chia nội dung giảng, nội dung thảo luận, nội dung tự học và kiểm soát các hoạt động học tập của sinh viên thông qua ứng dụng kahoot.it, pollev.com… Giảng viên cũng có thể sử dụng thực tế ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây… để làm sinh động nội dung mà mình muốn truyền tải đến người học, đồng thời cũng có thể liên kết đến nhiều nội dung học tập khác có liên quan đến môn học.
Về phương pháp giảng dạy: Khoa học công nghệ cũng có thể hỗ trợ đắc lực cho giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ chủ yếu truyền đạt tri thức sang những phương pháp giảng dạy tích cực, có sử dụng các ứng dụng hiện đại như Prezi, Google drive, Top hat, Pandora… Những ứng dụng này giúp cho bài giảng thêm sinh động, kết hợp được nhiều cách thức tương tác đến người học khác nhau thông qua nghe, nhìn, cảm nhận, từ đó sinh viên có thể phát huy tối đa các năng lực nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo từ chính phương pháp mà giảng viên cung cấp cho họ.
Chuyển đổi số góp phần đa dạng hóa hình thức giảng dạy và học tập, từ đó tạo ra cơ hội học tập không giới hạn cho người học
Giáo dục trực tuyến đang ngày càng phổ biến ở nước ta nhằm đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt về thời gian và địa điểm của người học. Các giảng viên có thể sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng E- learning mang nội dung hàn lâm, cũng có thể thiết kế những video dạy nghề, thực hiện thí nghiệm, thực hành, diễn thuyết… Công nghệ giúp cho tri thức, kinh nghiệm của người thầy không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường đại học mà có thể được phổ biến rộng rãi toàn cầu. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người học, vừa tạo thêm những cơ hội về việc làm, thu nhập cho giảng viên.
Chuyển đổi số trong giáo dục và những thách thức của đội ngũ giảng viên
Những thuận lợi do chuyển đổi số trong giáo dục mang lại cho đội ngũ giảng viên ở Việt Nam hiện nay là không thể phủ nhận, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với họ.
Phổ biến thông tin quá rộng rãi trên Internet làm cho việc lựa chọn tài liệu tin cậy và tính bảo mật thông tin gặp nhiều thách thức
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên yêu cầu sinh viên tra cứu tài liệu phục vụ môn học. Tuy nhiên, với nguồn dữ liệu khổng lồ như hiện nay, mỗi tìm kiếm có thể hiển thị hàng triệu, hàng tỷ kết quả khác nhau khiến cho sinh viên không biết nên lấy tài liệu từ nguồn nào. Giảng viên phải làm nhiệm vụ định hướng cho sinh viên, họ cũng phải dành thời gian truy cập, tìm kiếm thường xuyên để cập nhật thông tin và hướng dẫn cho sinh viên những trang web nào cung cấp tài liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng thiết lập trang web ảo, mạo danh, trang web với những nội dung xuyên tạc, phản động… không hề ít và nội dung thay đổi từng ngày, từng giờ khiến cho giảng viên cũng rất khó kiểm soát.
Các thông tin bảo mật về đề thi, thông tin cá nhân, tài khoản của giảng viên luôn đứng trước những nguy cơ bị hack. Nhiều những câu chuyện liên quan đến giảng viên bị phản ánh sai sự thật, lan truyền trên mạng một cách thiếu kiểm soát gây ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công việc và đời sống của giảng viên.
Chuyển đổi đặt ra yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy song điều kiện cơ sở vật chất của các trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu
Áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đại học là yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục. Nhiều cơ sở đào tạo ở nước ta đã áp dụng phần mềm trong quản lý đào tạo, đánh giá, xây dựng ngân hàng câu hỏi, giảng dạy bằng máy chiếu… song để thực sự khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ, tiếp cận với những tri thức mới cập nhật, vận dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập thì các trường đại học cần có mạng Internet rộng khắp, sinh viên và giảng viên cần có thiết bị kết nối, hệ thống nguồn điện, phòng học đồng bộ, môi trường và cơ sở để thực hành… Những điều này đang là thách thức lớn với nhiều trường đại học bởi những giới hạn về nguồn tài chính.
Chuyển đổi số tạo ra cơ hội đa dạng hóa hình thức giảng dạy, song vẫn tồn tại một sức ì không nhỏ từ một bộ phận giảng viên
Để thực hiện những yêu cầu của đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung giảng dạy, giảng viên cần thường xuyên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, khả năng ngoại ngữ để có thể nắm bắt và áp dụng công nghệ thành công trong giảng dạy. Tuy nhiên, do cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan như nguồn kinh phí, việc bố trí, sắp xếp thời gian, công việc, tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận giảng viên… đã khiến cho công tác bồi dưỡng và nâng cao năng lực giảng viên chưa thể tiến hành đồng bộ, rộng khắp trên phạm vi cả nước. Một xu hướng khác cũng theo khuynh hướng tiêu cực là sự lạm dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Giảng viên dành toàn bộ thời gian của môn học cho việc trình chiếu, thậm chí sử dụng bài giảng trên kho dữ liệu chung, áp dụng các ứng dụng cho mọi bài giảng, môn học… thì hiệu quả mang lại sẽ không cao. Điều này đặt ra thách thức với người thầy đó là không chỉ tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy mà còn phải ứng dụng một cách hợp lý và hiệu quả.
Kết luận
Chuyển đổi số trong giáo dục thực sự đã trở thành chìa khóa hữu hiệu để nước ta thực hiện các mục tiêu giáo dục quốc gia trong những điều kiện, hoàn cảnh mới và trong tiến trình phát triển nói chung của quốc gia.
Chuyển đổi số giúp hoàn thiện các khâu của quá trình giáo dục và đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với giáo dục thế giới. Các giải pháp được đưa ra nhằm tận dụng những thời cơ và vượt qua thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục có thể là: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để hoàn thiện những quy định, chế tài về thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, tạo được sự đồng bộ của các cấp, ngành; thực hiện các lớp bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy (bao gồm cả tiếp thu những thành tựu nhân loại về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đồng thời lĩnh hội những kỹ năng, năng lực cơ bản trong xử lý các tình huống phát sinh khi gặp phải các sự cố công nghệ); giảng viên các trường đại học cần tích cực, chủ động trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới…
Để thực hiện được sứ mệnh "trồng người" trong thời đại mới, ngoài những nỗ lực của các cấp, ngành và toàn xã hội thì bản thân giảng viên phải là người khẳng định được vai trò không thể thay thế của mình, thể hiện được bản lĩnh trong việc đón nhận thời cơ và vượt qua thách thức để tạo ra đổi mới thực sự cho nền giáo dục Việt Nam.