Bối cảnh kinh tế báo chí nhiều khó khăn - bỏ qua kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thì thật đáng tiếc!
Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao tại nhiều địa phương còn bất cập, Hội Nhà báo Việt Nam vừa đưa các giải pháp “gỡ” rối.
Chương trình đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như:
Đề tài về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng.
Đề tài về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị.
Đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số,...
Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (2021-2023) về hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương.
Từ 2021-2023, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đạt nhiều kết quả tích cực
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, hội nghị lần này nhằm phân tích, đánh giá hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí của ba năm 2021-2023, đồng thời ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong các năm tới.
Theo báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 2021-2023, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng; thực hiện và đề nghị quyết toán hơn 25,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hỗ trợ trực tiếp cho trên 4.000 lượt tác giả, nhận được hơn 4.260 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí.
Giai đoạn 2021-2023, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là hơn 11,4 tỷ đồng; đã thực hiện và quyết toán kinh phí hơn 10,1 tỷ đồng. Kinh phí này hỗ trợ gần 4.000 lượt tác giả, nhận được 3.875 tác phẩm báo chí chất lượng cao thuộc các loại hình báo chí; tổ chức các hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí…
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, chương trình thu được nhiều kết quả tích cực, mang đến sự động viên, khích lệ hội viên - nhà báo có thêm điều kiện tìm tòi, phát hiện và xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ công chúng; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng.
Các tác phẩm được hỗ trợ kinh phí có điều kiện đi sâu hơn vào những đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc và các lĩnh vực của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phản ánh về đời sống, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới ở mọi vùng đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhiều tác phẩm báo chí được hỗ trợ đã đoạt giải cao ở các giải báo chí địa phương và giải báo chí các bộ, ngành, cao hơn nữa là Giải báo chí Quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, đến nay, cơ chế thực hiện Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc, dẫn tới có một số địa phương không giao kinh phí cho Hội Nhà báo tỉnh triển khai công tác hỗ trợ. Thời gian qua, nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị.
Bất cập trong việc giải ngân, triển khai chương trình hỗ trợ báo chí tại địa phương
Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông, tại hội nghị, ông Đinh Anh Đức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La phản ánh bất cập tại địa phương: “Năm nào Hội Nhà báo tỉnh cũng có nội dung tờ trình kế hoạch triển khai trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đều cho ý kiến chỉ đạo là chuyển xuống Sở Tài chính, đề nghị Sở Tài chính triển khai sớm chương trình này. Sở Tài chính tổ chức họp 3-4 bên liên quan để triển khai. Nhưng tại cuộc họp nào, Sở Tài chính cũng nói Hội Nhà báo cấp tỉnh không có chức năng nhiệm vụ đặt hàng báo chí nên không thể là đầu mối để triển khai chương trình này. Vì thế, 3 năm nay chúng tôi đều chưa triển khai được và năm 2024 cũng sẽ lại tiếp tục không triển khai được”.
Ghi nhận ý kiến từ địa phương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận xét: “Đây là do cách hiểu của địa phương. Hiểu theo cơ chế đặt hàng thì mới có đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật. Quyết định 558/QĐ-TTg đã ghi rõ: Trường hợp chưa có đơn giá thì có thể thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ chính trị. Các địa phương khác đều đã thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ chứ không theo cơ chế đặt hàng. Sắp tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cử đoàn công tác tới làm việc với Sở Tài chính Sơn La để làm rõ điều này”.
Về việc hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng báo chí cho địa phương, ông Nguyễn Viết Mạnh - Chủ tịch Hội Nhà báo Lai Châu cho biết, năm 2023, khi thực hiện nội dung này thì vướng mắc ở chỗ Thông tư số 22 của Bộ Tài chính ban hành 4/4/2023 bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 42 ngày 28/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội văn hóa nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh kinh tế báo chí nhiều khó khăn, nếu bỏ qua nguồn kinh phí hỗ trợ quý báu từ ngân sách nhà nước thì thật đáng tiếc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh phân tích về việc kinh phí hỗ trợ thường đến với các hội nhà báo khá chậm: “Lâu nay chậm trễ do Hội Nhà báo Việt Nam không phải đầu mối làm việc với Bộ Tài chính mà phải thông qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Cần đề xuất Chính phủ giao Hội Nhà báo Việt Nam là đầu mối để được cấp kinh phí trực tiếp, không qua Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hay Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nữa.
Trả lời đề xuất này, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Đã nhiều lần có ý kiến để Hội Nhà báo Việt Nam làm đầu mối trực tiếp, nhưng về nguyên tắc vẫn phải thông qua một cơ quan nhà nước. Sắp tới sẽ đề nghị chuyển đầu mối chỉ đạo triển khai chương trình này từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sang Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Tiếp thu những ý kiến góp ý, những kiến nghị của các đại biểu, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết, Cơ quan Trung ương Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, các cơ quan liên quan để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho giai đoạn sau.
Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận thêm những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại.