Chương trình giáo dục mầm non sẽ được thiết kế theo hướng liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non.
Dự thảo nhấn mạnh việc đổi mới Chương trình giáo dục mầm non nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục mầm non; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Yêu cầu đổi mới là kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình giáo dục mầm non hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực trẻ em theo định hướng tình cảm xã hội phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ em mầm non;
Khắc phục những hạn chế, bất cập trong Chương trình giáo dục mầm non hiện hành; giảm áp lực về thời gian làm việc của giáo viên mầm non, đồng thời đảm bảo chế độ sinh hoạt của trẻ em mầm non;
Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường và khả năng của trẻ em.
Dự thảo cũng nêu rõ những nội dung đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, cụ thể như sau:
Tiếp cận năng lực định hướng tình cảm - xã hội. Chương trình được đổi mới theo tiếp cận năng lực hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi và năng lực chung, dựa trên trục tình cảm - xã hội. Tiếp cận năng lực được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em; quan tâm thể hiện quan điểm tiếp cận hòa nhập, công bằng, bình đẳng và tôn trọng trẻ, vấn đề giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, vấn đề phát triển ngôn ngữ (lưu ý tiếng mẹ đẻ) trong xây dựng và phát triển Chương trình giáo dục mầm non;
Khẳng định mạnh mẽ hơn quan điểm giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, xem trẻ em là chủ thể trong hoạt động và giao tiếp, trẻ chủ động học qua chơi và trải nghiệm, nhà giáo dục là "người hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục".
Liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới. Các lĩnh vực giáo dục của Chương trình giáo dục mầm non được thiết kế theo hướng liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Cập nhật các nội dung, phương pháp, vấn đề hiện đại, hội nhập quốc tế về quan điểm xây dựng chương trình, quan tâm các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại; tiếp cận với Chương trình giáo dục mầm non tiên tiến trong khu vực và quốc tế, tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế;
Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội ở trẻ; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung giáo dục ở từng độ tuổi hướng đến hình thành những chức năng tâm sinh lí, phẩm chất và năng lực tương ứng, đảm bảo nguyên tắc đồng tâm phát triển, liên thông chặt chẽ giữa các thành tố và nội dung của chương trình;
Tôn trọng các giá trị văn hóa, tiếp cận đa văn hoá, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, cộng đồng; thích ứng và hòa hợp đa văn hóa đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ và những giá trị truyền thống của quốc gia Việt Nam;
Tăng cường tính "mở" của chương trình. Chương trình trao quyền nhiều hơn cho nhà trường trong phát triển Chương trình giáo dục, tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển Chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục. Mở rộng trách nhiệm, sự tham gia của các đối tác trong việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (nhà trường, gia đình, cộng đồng).
Bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng. Gia đình là một đối tác quan trọng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, mọi vấn đề trong giáo dục trẻ em cần và phải thu hút, huy động sự tham gia của gia đình vào cùng giải quyết với nhà trường.
Yêu cầu thực hiện chương trình làm cơ sở để các địa phương và nhà trường có chính sách huy động nguồn lực, sao cho vừa bảo đảm trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm quyền trẻ em và bảo đảm quyền của cán bộ quản lý và giáo viên theo Luật Lao động.