Chuyển đổi số báo chí: Lấy độc giả làm trung tâm
Nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, ngày 21/9/2022 Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Công ty Google tổ chức Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” chuyên đề tổng quan về kinh tế báo chí.
Chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả kinh doanh báo chí
Phát biểu khai mạc Chương trình đào tạo, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí - truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bà Mai Hương Giang nhấn mạnh, hai câu chuyện được báo chí nhắc đến gần đây là chuyển đổi số báo chí và kinh tế báo chí. Đây là những vấn đề trăn trở và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm nay cũng như thời gian tới.
Tại Việt Nam, hiện số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 248/807 cơ quan, trong đó: Báo và tạp chí thực hiện 1 loại hình in và điện tử là 221 cơ quan, báo chí điện tử độc lập là 27 cơ quan. Ngoài ra còn có 224 cơ quan báo chí cả trung ương và địa phương đã thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử.
Các cơ quan báo chí có phiên bản điện tử tại Việt Nam đa phần đang sử dụng nền tảng kỹ thuật của các doanh nghiệp cung cấp như: Hệ thống quản trị nội dung (CMS) của EPI, VCcorp, 24h, Netlink…; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống Lưu trữ đám mây...
Số lượng cơ quan báo chí tự phát triển CMS còn ít, không phải cơ quan báo chí nào cũng có điều kiện để đầu tư bài bản vào chuyển đổi số như đầu tư CMS riêng, An toàn thông tin, Cloud… Mặc dù vậy, đã có nhiều cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata…
Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025: 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí…
Nhằm góp phần thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí đã hợp tác với Google để triển khai chương trình “Sáng kiến Tin tức Google” (Google News Initiative - GNI) ở Việt Nam.
Các chương trình đào tạo chuyên sâu sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính: phát triển độc giả, xây dựng dữ liệu, tối ưu hóa doanh thu quảng cáo và xây dựng doanh thu từ độc giả. Trong đó, chương trình chuyển đổi số lần này tập trung cải tiến các mô hình kinh doanh báo chí. Qua đó xây dựng các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh số, phát triển bền vững.
4 giảng viên sẽ đồng hành xuyên suốt khóa đào tạo là:
- Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông;
- Ông Káp Thành Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tri thức trực tuyến, chuyên gia báo chí;
- Ông Trương Trí Vĩnh, chuyên gia báo chí;
- Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo chuyển đổi số báo chí được triển khai ở Việt Nam nhằm giúp các cơ quan báo chí Việt Nam chuyển đổi số thành công và tăng cường hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam.
Chương trình gồm 3 khóa đào tạo tổng quan với sự tham gia của hơn 200 cơ quan báo chí, cung cấp kỹ năng số theo 4 chủ đề: phát triển độc giả, xây dựng và khai thác dữ liệu, tối ưu hóa doanh thu quảng cáo, và xây dựng doanh thu từ độc giả.
Tiếp sau các khóa tổng quan sẽ là 2 khóa đào tạo chuyên sâu trong tháng 10 và tháng 11/2022 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến dành cho đại diện từ 60 cơ quan báo chí, để trao đổi sâu hơn 4 chủ đề trên.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác chiến lược ngành Tin tức và Xuất bản Đông Nam Á (Google), sau hơn hai năm đại dịch COVID-19, báo chí tại Việt Nam cũng như trên thế giới đều nhận thức rõ tầm quan trọng sống còn của chuyển đổi số.
Là đơn vị có kinh nghiệm phối hợp với nhiều tổ chức sản xuất tin tức trên khắp thế giới, Google muốn chia sẻ một số chiến lược chuyển đổi số đã có hiệu quả để cơ quan báo chí tại Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng phù hợp với tổ chức của mình.
Xây dựng văn hóa "lấy độc giả làm trung tâm"
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là sự quyết định sống còn của báo chí. Báo cáo xu hướng báo chí thế giới cho thấy, có khoảng 44% người khảo sát cho biết, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất cần phải triển khai thực hiện trong phát triển.
Chia sẻ cách thức xây dựng chiến lược chuyển đổi số thành công, chuyên gia báo chí Trương Trí Vĩnh nhấn mạnh 3 khía cạnh là “định nghĩa sứ mệnh và giá trị”, “lập chiến lược” và “xác định cam kết giá trị”. Theo ông, quá trình xây dựng một chiến lược kinh doanh cho mỗi tờ báo không chỉ trả lời câu chuyện làm thế nào bán được quảng cáo hay kiếm được tiền, mà cần quay trở lại với câu chuyện rất căn cốt của người kinh doanh, đó là sản xuất cái gì, bán ở đâu, bán cho ai, giải quyết các vấn đề thị trường, chi phí…
Ông Vĩnh cũng chia sẻ về việc xây dựng văn hóa "lấy độc giả làm trung tâm" trong mỗi cơ quan báo chí thông qua xác định nhu cầu của độc giả bằng cách tìm hiểu độc giả, đổi mới bằng cách nghiên cứu độc giả theo dõi, thử nghiệm ý tưởng để đáp ứng nhu cầu độc giả.
Vấn đề lớn nhất của các tờ báo không chỉ là doanh thu mà lớn hơn là độc giả. Các tòa soạn phải trả lời được câu hỏi: Phân khúc độc giả là gì, xem tin tức gì và khi nào; họ cần và không cần thông tin gì.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đối với các cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, khẳng định điều quan trọng nhất là cần giữ chân được lượng độc giả trung thành.
Độc giả trung thành mới là người mang lại giá trị nguồn thu cho tờ báo chứ không phải là độc giả vãng lai. Khi coi bạn đọc là khách hàng thì phải có chính sách và xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng. Phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí. Chỉ có phân tích dữ liệu độc giả mới biết được nhu cầu thực tế của độc giả quan tâm vấn đề gì chứ không phải là sự cung cấp chủ quan của tờ báo.
Về vấn đề thu phí của độc giả, theo các chuyên gia, nên cân bằng quyết định khi thu phí độc giả với mất doanh thu quảng cáo… Các chuyên gia cũng chia sẻ về các biện pháp tối ưu doanh thu từ quảng cáo trong các cơ quan báo chí.
Ngày 20/3/2018, Google đã chính thức phát động "Sáng kiến Tin tức Google" (Google News Initiative - GNI) với mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí, tăng cường mô hình kinh doanh của các hãng tin và giúp các tổ chức tin tức tận dụng sự đổi mới của công nghệ.
Đây là một phần trong nỗ lực của Google nhằm hỗ trợ ngành báo chí toàn cầu phát triển bền vững trong thời đại số.
Kể từ khi ra mắt, GNI đã hỗ trợ hơn 6.000 cơ quan báo chí ở 118 quốc gia trên toàn cầu, tập trung vào 4 hoạt động chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, cải tiến các mô hình kinh doanh, hỗ trợ các tòa soạn thông qua đổi mới công nghệ và gắn kết cộng đồng báo chí toàn cầu.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuong-trinh-dao-tao-chuyen-doi-so-va-phat-trien-kinh-te-bao-chi-179220922101812998.htm