Chuẩn bị phát động phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Ngày 10/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam đã họp bàn việc chuẩn bị cho Lễ phát động phong trào thi đua về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Tiến sĩ Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp. Cùng tham gia có đại diện Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo và cán bộ, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Mục đích của phát động phong trào thi đua về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời của mỗi cá nhân, gia đình.
Đồng thời, phong trào cũng nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư - dòng họ, gia đình trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; về học tập suốt đời thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 trong nền kinh tế số, xã hội số.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu nhấn mạnh, việc triển khai Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 đã được thực hiện sớm ở hầu khắp các địa bàn dân cư. Về quy mô, đó là một cuộc vận động học tập suốt đời trên toàn quốc với các tiêu chí, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
Quá trình họp bàn, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung liên quan đến việc thống nhất về tên gọi, giai đoạn của chương trình. Đại diện Ban Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất, tên của phong trào có thể đặt là "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời" giai đoạn 2022-2030. Tất cả các khâu phải hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phát động phong trào thi đua dự kiến trong tháng 12/2022.
Từ thực tế triển khai Chương trình toàn dân xây dựng Nông thôn mới, ông Lê Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu kiến nghị, về cơ cấu của Ban Chỉ đạo nên có Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng Ban thường trực, Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam làm Phó Trưởng Ban. Ngoài ra cần có sự tham gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và một số bộ ngành khác.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ Trung ương đến địa phương cùng toàn bộ người dân trong cả nước tích cực phấn đấu đạt tiêu chí "Đơn vị học tập" và "Công dân học tập" do Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ban hành.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, môi trường để toàn thể nhân dân trên địa bàn đều được học tập, không quên những người lao động nghèo, những phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn trong đời sống; người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt, chú ý nhân dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội học tập phù hợp với điều kiện địa phương...
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chuan-bi-phat-dong-phong-trao-thi-dua-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-hoc-tap-suot-doi-179221110122426959.htm