Chủ tịch Quốc hội: Triển khai đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030

17:11 - 07/06/2023

Ngày 7/6, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các ý kiến tại phiên chất vấn đã làm rõ những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ thuộc Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có 6 nội dung trọng tâm gồm:

(1) Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

(2) Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

(3) Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

(4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.

(5) Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

(6) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội: Triển khai đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chịu trách nhiệm trả lời chính. Cùng tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư.

Ngành khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật

Tổng kết nhóm vấn đề chất vấn về lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn đã có số lượng kỉ lục đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn: 32 đại biểu tham gia chất vấn với 20 đại biểu tham gia đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận. Còn 92 đại biểu đăng kí chất vấn và 3 đại biểu đăng kí tranh luận nhưng do hết thời gian nên chưa chất vấn và phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm; một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua báo cáo và diễn biến của phiên chất vấn này cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành khoa học công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội: Triển khai đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về phát triển khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện.

Tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học công nghệ được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thị trường khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ.

Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào Ngân sách Nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ trong thời gian tới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra những vấn đề trọng tâm đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ như sau:

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

  • Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

    Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia
     11/02/2023 11:30

  • Phát triển nguồn nhân lực số ngành khoa học và công nghệ

    Phát triển nguồn nhân lực số ngành khoa học và công nghệ
     17/08/2022 12:13

Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao.

Chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tăng đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khoa học và công nghệ, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Sắp khánh thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu quan tâm đến chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn. Dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2023 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay Trung tâm đã được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đã có nghị định về chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, Tập đoàn Samsung đã đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Đây là cơ sở để triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chu-tich-quoc-hoi-trien-khai-dong-bo-cac-chuong-trinh-khoa-hoc-va-cong-nghe-cap-quoc-gia-den-nam-2030-17923060716595607.htm