Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: "Ngày Khuyến học" là dấu son của nền giáo dục cách mạng Việt Nam

20:57 - 27/09/2022

Lời Tòa soạn: Tạp chí Công dân và Khuyến học trân trọng giới thiệu nguyên văn bài phát biểu của GS.TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Lễ gặp mặt nhân Kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và Phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023.

"Ngày Khuyến học" là dấu son của nền giáo dục cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

GS.TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Lễ gặp mặt nhân Kỷ niệm
Ngày Khuyến học Việt Nam và Phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023.

Trước tiên, nhân ngày Khuyến học Việt Nam, xin gửi tới các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể những người làm khuyến học trong cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Cách đây trên một phần tư thế kỷ, khi toàn Đảng, toàn dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Cương lĩnh chính trị 1991, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục trên tinh thần phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có sứ mệnh phát huy năng lực sáng tạo của con người Việt Nam trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm cốt.

Từ ý tưởng chiến lược trên đây, ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt nhân dân, được đông đảo cán bộ và quần chúng trong khắp các vùng đất nước hoan nghênh và chào đón.

Do phong trào khuyến học, khuyến tài nhanh chóng lan rộng trong toàn quốc, thâm nhập tới mọi cộng đồng dân cư, khuyến học, khuyến tài được cán bộ và nhân dân đồng lòng hưởng ứng; xã hội học tập trở thành mô hình giáo dục tất yếu phải xây dựng như việc xây dựng con đường tri thức đưa dân tộc Việt Nam phát triển vươn ra trường quốc tế và hướng tới tương lai. Vì thế ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Như vậy, trong 15 năm qua, ngày 2/10 trở thành một sự kiện có ý nghĩa "kép": Kỷ niệm ngày thành lập một "Hội quần chúng" có sứ mệnh cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một Quốc gia học tập và kỷ niệm ngày khởi động một phong trào toàn dân học tập suốt đời, đồng thời tri ân những người có tâm huyết và công lao lớn đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang làm gia tăng các giá trị của nó. Nói cụ thể hơn, trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta. Đánh giá một cách khái quát, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu được những nét nổi bật đáng trân trọng sau đây:

1. Việc triển khai thành công các Quyết định của Thủ tướng (Quyết định 112/2005/QĐ-TTg (18/5/2005) về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010; Quyết định 89/QĐ-TTg (9/1/2013) về xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020) với những Đề án thành phần trong đó có đề án do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì và làm nòng cốt là xây dựng bốn mô hình học tập: gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập. Từ đó, đã định hình được mô hình xã hội học tập trên đại bàn hành chính cấp xã, đồng thời đã mở ra các mô hình học tập của người lớn từ gia đình, dòng họ, thôn bản, các cơ quan, công sở, trường học, các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Các xã, phường, thị trấn học tập hiện nay đã góp phần không nhỏ trong xây dựng xã nông thôn mới và khu dân cư đô thị văn minh.

Kết quả này đã trở thành cơ sở vững chắc để Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập theo Kết luận 49-KL/TW (10/5/2019), Chỉ thị 14/CT-TTg (25/5/2021), Quyết định 1373/QĐ-TTg (30/7/2021)… Từ những văn kiện này, phong trào xây dựng xã hội học tập đang hướng tới hình thành những cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến 2030, chúng ta sẽ có những tỉnh học tập, thành phố học tập, Việt Nam sẽ trở thành nước có xã hội học tập với các tiêu chí cụ thể và sẽ hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu thành phố học tập của thế giới hiện đại.

2. Mối quan hệ phối kết hợp giữa Hội Khuyến học và các cơ quan, ban ngành ngày càng phát triển. Phong trào học tập suốt đời của người lớn mà Hội đang tập trung thúc đẩy, khuyến khích trong những năm qua đang tạo nên một nền tảng lý luận và thực tiễn về xây dựng hệ thống giáo dục người lớn bên cạnh hệ thống giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp. Trong 5 năm lại đây, Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết với nhiều Bộ, ngành, đoàn thể và tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó đã hình thành những liên minh bền vững với mục đích thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lao động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, mới đây ngày 15/9/2022, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo Kết luận 49 của Ban Bí thư, Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương. Hy vọng rằng, thực hiện tốt văn bản ký kết sẽ làm tăng sức mạnh và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các tổ chức Đảng và đảng viên thuộc khối cơ quan đầu não của tổ chức Đảng ở Trung ương.

Các cuộc vận động người lớn học tập trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang được các Hội đặt thành nhiệm vụ chiến lược của mình. Nếu như phong trào Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa tập trung vào việc xóa mù chữ cơ bản và nâng cao trình độ giáo dục phổ thông cho cán bộ, đảng viên và người lao động thì phong trào học tập suốt đời hiện đang tập trung xóa mù các kỹ năng lao động, xóa mù ngoại ngữ, mù công nghệ thông tin và mù những nghề mới mà nền kinh tế tri thức đang cần nhân lực chất lượng cao. Phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa do Bác Hồ phát động đã mang lại thành công rực rỡ, đã tạo ra lớp lớp cán bộ có đủ tri thức để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Với tinh thần đó, việc xây dựng xã hội học tập mà nòng cốt là công dân học tập, học tập suốt đời hiện nay mà thành công thì chắc chắn kinh tế tri thức của đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, chúng ta sẽ đạt các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra.

Nhận thức được vai trò của trường đại học đối với sự học của người lớn, Hội Khuyến học Việt Nam đã thúc đẩy mối quan hệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đưa các trường đại học vào thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Đến nay, các trường đại học đều là đơn vị chủ lực trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực mới đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ để thích ứng với những thay đổi của môi trường lao động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là một thành công của Hội Khuyến học Việt Nam trong việc phối hợp thúc đẩy học tập người lớn dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu.

3. Hội Khuyến học Việt Nam hiện có trên 22 triệu hội viên. Mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% các địa bàn dân cư và đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác cao. Trong phong trào nhân dân làm khuyến học, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, kết nối mọi lực lượng xã hội để cùng nhau gánh vác sứ mệnh thúc đẩy sự học của người lớn và hỗ trợ giáo dục trong, ngoài nhà trường, lấy khuyến học, khuyến tài làm phương tiện thực hiện mục tiêu chiến lược đưa đất nước trở thành một xã hội học tập.

4. Công tác nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Hội Khuyến học Việt Nam các cấp coi trọng, đã trở thành hoạt động thường xuyên và là phương pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đã có nhiều cuộc hội thảo quốc gia và cấp cơ sở được tổ chức để tìm lời giải cho nhiều vấn đề còn vướng mắc trong hoạt động của Hội.

Một khi khuyến học, khuyến tài trở thành sự nghiệp của dân, do dân và vì dân thì phong trào học tập của người lớn sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển sẽ bền vững và đủ sức để hòa nhập vào trào lưu xây dựng xã hội học tập trên toàn cầu.

5. Khuyến tài là một hoạt động được Hội Khuyến học Việt Nam đang phát triển trên quy mô lớn. Hai hướng triển khai chính là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và các phần thưởng cho học sinh, sinh viên và người lớn có thành tích học tập xuất sắc. Song hành với những hoạt động khuyến tài là Quỹ Khuyến học đã phát triển mạnh trong những năm qua dưới các hình thức huy động, sáng tạo của các cấp Hội. Đã có hàng triệu hoc sinh, sinh viên và người lớn được nhận học bổng và phần thưởng của các cấp Hội. Hiện nay học bổng theo lời dạy của Bác: "Học không bao giờ cùng" được phát vào dịp 19/5 đã được các cấp Hội trong cả nước thực hiện, tạo dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một mô hình tổ chức vườn ươm tài năng của Hội, thu hút mọi lứa tuổi với điều kiện duy nhất là hoạt động khoa học đạt tới những sản phẩm khoa học ứng dụng hoặc sản phẩm khoa học tiềm năng, có giá trị trên thị trường khoa học và công nghệ.

Hoạt động khuyến tài hướng tới mục tiêu nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy mọi năng lực sáng tạo trong nhân dân và động viên học sinh, sinh viên biết nuôi dưỡng ước mơ bay cao, bay xa trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động của các lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội. Đây là hướng đi nhằm thu hút, phát hiện các tài năng của đất nước nhằm thực hiện đột phá chiến lược thứ 2 của Đảng.

Quan điểm chủ đạo trong công tác khuyến tài là sự phát triển bền vững của Quốc gia phải bằng con đường đẩy mạnh hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong đó tinh thần tự học, học tập suốt đời của mỗi công dân được đề cao.

5. Là một hội quần chúng có tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước, triển khai mọi hoạt động không có mục đích tự thân, luôn thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng và làm theo quan điểm, tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm, các lực lượng xã hội tích cực hợp tác và nhân dân đồng thuận hưởng ứng các hoạt động do Hội đề xuất. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về thăm, làm việc tại cơ quan Trung ương Hội và chỉ đạo phong trào trong suốt những năm qua. Từ đầu năm 2022 đến nay, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã trực tiếp về chỉ đạo phong trào, chủ trì hội thảo và hôm nay, đồng chí đã về dự kỷ niệm ngày 2/10 - Ngày Khuyến học Việt Nam, phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của chúng ta. Đề nghị hội nghị trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào đón sự có mặt của đồng chí. Đây là sự động viên to lớn, là minh chứng về sự lãnh đạo sâu sắc và sự đồng hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của chúng ta.

Thưa các đồng chí, hiện nay Hội đã trở thành một tổ chức với quy mô lớn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình "Công dân học tập" theo Quyết định 677 và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình "Công dân học tập" có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển tốt mô hình công dân học tập, chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập hiện đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0.

Ngày 2/10 năm nay sẽ là sự khởi đầu bằng Tuần lễ học tập suốt đời, Chương trình xây dựng mô hình "Công dân học tập" và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt. Nhiều việc cần phải triển khai để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Với sự tin tưởng và tinh thần quyết tâm cao độ, Hội KHVN sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Xin cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, động viên, cộng tác của tất cả các vị đại biểu, khách quý, cùng các cơ quan, ban, ngành, nhân dân cả nước đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian qua.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với tinh thần ngày Khuyến học Việt Nam - 2/10, con đường tri thức - con đường đóng vai trò nòng cốt đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới sẽ được tập trung xây dựng và thành công tốt đẹp. Hãy đồng hành cùng chúng tôi - những người làm khuyến học trong cả nước.

Chúc các vị đại biểu, khách quý nhiều sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống. Hãy cùng nhau học tập, học tập suốt đời. Trước tiên, mỗi chúng ta hãy hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời từ 2/10 đến 10/10/2022.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chu-tich-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-ngay-khuyen-hoc-la-dau-son-cua-nen-giao-duc-cach-mang-viet-nam-17922092717240104.htm