Chống tham nhũng - mừng nhiều, nhưng vẫn lo
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri tháng 5/2022 vừa qua đã nói: "Việc chống tham nhũng rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình. Cho nên phải xây dựng luật, phải có tổ chức".
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa 13 đã thống nhất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một quyết sách không chỉ kịp thời mà thực sự cấp bách trong tiến trình làm trong sạch nội bộ, hợp lòng dân.
Chủ trương này không chỉ thể hiện ý chí của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, còn là lời nhắc, "phép thử" với các cá nhân giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, thành theo tinh thần: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Nói là cấp thiết và hợp lòng dân, bởi trong đời sống xã hội lưu truyền câu có ý phản ánh về hệ thống quản lý hiện nay "làm to ăn to, làm nhỏ ăn nhỏ, cắt cỏ ăn đòng đòng". Những năm qua, các "đại án" đều được đưa vào "sổ" theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Song các án cỡ "trung", "tiểu" phải nói ngay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa "thò tay" tới. Trong khi đó, tình trạng "tham nhũng vặt" ở các cấp cơ sở lại khá phổ biến. Tích tiểu thành đại, tham nhũng như vấn nạn, đi đâu cũng gặp, nhìn đâu cũng thấy.
Tham nhũng vặt tuy không gây thiệt hại về kinh tế lớn nhưng lại trực tiếp gây mất niềm tin trong nhân dân. Cán bộ cấp cơ sở gần dân, trực tiếp làm việc với dân và khi có việc, dân đều trực tiếp được các bộ cấp cơ sở giải quyết. Tình trạng "hành là chính", "vòi vĩnh", gây khó dễ, "nhặt vặt" trong quá trình giải quyết các thắc mắc, sự vụ, công việc dễ đưa đến cho người dân mất niềm tin về đội ngũ cán bộ của Đảng, mất sự nể trọng, niềm tin đối với bộ máy công quyền.
Ở nước ta, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước theo trục dọc, theo các nhóm chức năng nhiệm vụ của công việc, nhân sự được bố trí từ thấp đến cao, bắt đầu từ cấp phường, xã đến quận, huyện, tỉnh, thành rồi trung ương. Các cấp cơ sở chính là "chân rết", "mắt xích"; là các "nhánh" của bộ máy các bộ, ban, ngành. Vẫn biết, hoạt động chuyên môn theo ngành dọc, song bản thân các "chân rết", "mắt xích" có tính độc lập tương đối bởi còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp cơ sở mà trực tiếp là địa phương. Tuy thế, cán bộ cấp cơ sở, trực tiếp là tỉnh, thành nếu quan liêu, nghe "báo cáo" là chính bởi các "chân rết" bị hư, bị hỏng tất sẽ có tác động xấu đến hệ thống.
Sẽ có người phản biện, việc chống tham nhũng liên tục, là nhiệm vụ thường xuyên thì tại sao lại là vấn đề cấp bách? Chúng ta nên nhớ, sáng 1 tháng 2 năm 2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói tại buổi họp báo thông báo kết quả Đại hội 13 của Đảng: Công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn, đất nước nào cũng có, thời nào cũng có, chỉ có nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Đây là bệnh của những người có quyền, có chức, lại nắm trong tay tiền của thì rất dễ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt.
Nhìn vào quy định thành phần Ban chỉ đạo theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2.6.2022 của Ban Bí thư, rất mừng nhưng vẫn lo.
Mừng vì Đảng quyết tâm cắt bỏ khối u trên cơ thể, làm cho tổ chức trong sạch, xứng đáng là đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Mừng vì quy định trên khẳng định tổ chức Đảng là một khối thống nhất về ý chí và hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mừng vì tới đây "tham nhũng vặt" cũng sẽ bị "bóc, tẩy" và "sờ gáy" hết "cửa". Mừng vì chính thức từ năm 2013 đến nay, không chỉ có Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà có hệ thống Ban chỉ đạo từ trên xuống dưới, có tổ chức và quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn.
Khi biết Ban Bí thư có quy định về thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh, thành phố, người dân rất phấn khởi. Trên cộng đồng mạng xã hội cũng thấy bàn rất sô nổi theo chiều hướng đồng thuận. Như vậy, quy định của Ban Bí thư về thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.
Mừng có mừng nhưng vẫn lo. Lo vì cấp cơ sở tổ chức thực hiện không "đến đầu đến cuối" sẽ rơi vào tình trạng "làm lấy được", tổ chức "cho có vì". Lo vì công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ cần buông lỏng, lơ là, coi như không có lãnh đạo, việc đâu đóng đấy. Lo vì "dây mơ rễ má", hiện tượng bao che "nâng đỡ không trong sáng" trong hàng ngũ cán bộ cấp cơ sở hiện nay không hề nhỏ. Lúc ấy họ sẽ che chắn, gỡ tội. Lo vì liệu có hiện tượng "đồng chí chưa lộ" đấu tranh "đồng chí bị lộ" như dư luận xã hội lâu nay vẫn nói hay không!
Vẫn biết, bất cứ một quyết sách, chủ trương mới nào ra đời cũng sẽ trải qua những khó khăn bởi "vạn sự khởi đầu nan". Mừng nhiều mà vẫn lo. Tuy nhiên, chúng ta luôn có niềm tin vào ý chí, quyết tâm của Đản ta - một Đảng chân chính, luôn vì lợi ích của nhân dân và của dân tộc.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chong-tham-nhung-mung-nhieu-lo-cung-lam-17922060811281053.htm