"Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" bởi COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh được kích hoạt như thế nào?
Trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp tốt để triển khai hiệu quả "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ".
4 nội dung của "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" bởi COVID-19
Theo Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 có xu hướng giảm và sự xuất hiện của các biến thể phụ của Omicron, Sở Y tế Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần phối hợp tốt để triển khai hiệu quả "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ".
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng nhẹ với 47 trường hợp mắc mới. Trong 27 trường hợp cần nhập viện điều trị có 24 người bệnh phải thở oxy (không có trường hợp thở máy). Hầu hết các trường hợp là người cao tuổi có bệnh nền.
Trước tình hình dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (từ 98,7% vào tháng 9/2022 hiện nay giảm xuống còn 94,17%) và sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể:
Cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, bao gồm: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi. Chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp tổ chức rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ, đảm bảo các dữ liệu chính xác và được cập nhật kịp thời.
Tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều; vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được. Tổ chức tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản; đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 80%. Rà soát, tổ chức tiêm tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ cho người sống chung, người cùng gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ.
Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19
Hỗ trợ người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19. Khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định. Thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị; cần có tư vấn và phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc COVID-19. Trong trường hợp người sống chung, người cùng gia đình mắc COVID-19, cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe, đảm bảo việc giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc COVID-19. Thực hiện việc theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được sống chung, tiếp tục chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ.
Tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe
Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện tốt thông điệp 2K, đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi tập trung đông người. Thông tin đầy đủ về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19; hướng dẫn phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 và thông báo với cơ quan y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sớm. Khi có 1 trong các biểu hiện: sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác cần báo ngay cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị theo quy định.
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ". Đã có 863.401 người đã được lập danh sách và quản lý. Trong đó đã phát hiện và vận động gần 21.000 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm vaccine, xét nghiệm tầm soát phát hiện sớm 8.080 người nhiễm để chăm sóc và cấp phát thuốc điều trị kịp thời. Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ lúc bấy giờ đã góp phần cải thiện tình hình mắc, chuyển nặng và tử vong do COVID-19.
Ngày 18/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn trước khi virus phát triển theo hướng mà giới chuyên môn có thể đoán định. Trong 28 ngày qua, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận được báo cáo về 3 triệu ca mắc mới và thêm hơn 23.000 trường hợp tử vong vì COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới vẫn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, dự báo dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Trước đó, Tổ chức này đã đưa ra khuyến nghị về điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong tình hình hiện nay. Theo đó, tiếp tục ưu tiên bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh có biến chứng nặng và tử vong cao khi nhiễm virus SARS-CoV-2.