Chiêm bái các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Đồ Sơn, Hải Phòng
Không chỉ sở hữu phong cảnh hữu tình với biển cả cùng cũng những bãi tắm đẹp, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng còn có rất nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, hút khách chiêm bái vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới.
Nói đến Đồ Sơn phải nhắc đến tháp Tường Long - di tích lịch sử nghìn năm tuổi tọa lạc trên đỉnh Long Sơn. Ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn núi chạy dọc bán đảo Đồ Sơn được dựng trên nền móng của tòa tháp được xây từ thế kỷ thứ 11, diện tích khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn.
Những di vật còn lại cho thấy, tháp Tường Long được xây cùng thời với tháp Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long (nay là khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ vị trí tháp Tường Long có thể nhìn thấy vùng biển Đồ Sơn, tàu bè ra khơi đánh cá cùng làng mạc, đồng ruộng xanh tươi...
Không chỉ tháp Tường Long, Đền Bà Đế ở phường Ngọc Hải là ngôi đền nổi tiếng của Hải Phòng về danh thắng và linh thiêng. Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong "Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân".
Ðền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo. Ban đầu, đền có cấu trúc giản dị, dưới chân lưng núi Độc nhìn ra biển. Hiện nay đền đã được trùng tu khang trang hơn. Khách đến Đền thờ Bà cũng ngày càng đông hơn.
Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn.
Chùa Hang là chùa thiên tạo lớn của Đồ Sơn, theo truyền ngôn có từ trước công nguyên. Nhà sư Bần – tên dân dã người nước Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa.
Người dân Đồ Sơn vẫn truyền rằng sư Bần còn dựng chùa Bần trên núi Mẫu Sơn, sau viên tịch ở chùa Hang.
Đền Long Sơn nằm ở phường Ngọc Xuyên thờ hệ thống các vị thần trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ. Cạnh đền có dòng nước trong lành, mát lạnh chảy mãi không ngừng dù có thiên tai, hạn hán, được gọi là suối Rồng. Do vậy, người dân địa phương gọi là đền cô Chín suối Rồng.
Đây là ngôi đền linh thiêng thu hút đông đảo du khách thập phương đến bái lễ vào các ngày đầu tháng, hôm rằm. Đền cũng thường xuyên diễn ra những canh hầu đồng, thực hành tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ của nhân dân.
Gần đền Long Sơn còn có rừng thị cổ với 17 cây thị cổ thụ vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam.
Nằm cạnh đền Long Sơn là Đình Ngọc Xuyên hay còn gọi là Đình Ngọc. Đình nằm tại dưới chân Suối Rồng, Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng.
Đình Ngọc Xuyên được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, thờ Thần Điểm tước. Đình xưa có 9 nóc, làm bằng gỗ chò chỉ, quế thơm, mái lợp ngói ta, thiết kế theo kiểu cung đình. Năm 1929, đình được xây dựng lại theo kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung theo nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của tổng Đồ Sơn xưa còn lại đến ngày nay.
Đền Nghè là công trình văn hóa cổ, nằm trên đường suối Rồng thuộc phường Vạn Hương. Đền Nghè là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, được xây dựng ở lưng chừng núi, nơi đất trời, biển cả, núi non giao hòa.
Đây là ngôi đền "hàng tổng" của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng vì nơi đây thờ "Lục vị tiên công", 6 vị thần có công lập nên đất Đồ Sơn.
Đặc biệt, với người dân Đồ Sơn, Đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi ngôi đền này thờ Điểm tước Thần Vương, một vị thần liên quan đến tục chọi trâu ở Đồ Sơn.
Đồ Sơn còn có Đền Mẫu Vừng nằm ở phường Hải Sơn trước đây gọi là miếu Vừng. Tương truyền, trước cửa đền xưa là một nhánh sông, có ba khúc gỗ từ biển trôi về, dân làng được báo mộng đã lập ngôi miếu để thờ cúng. Ba khúc gỗ dạt về sau mọc thành cây lộc vừng trước cửa đền. Xóm dân cư gần đền vì thế mang tên xóm Vừng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chiem-bai-cac-diem-du-lich-tam-linh-noi-tieng-o-do-son-hai-phong-179231205152203882.htm