Chạy nước rút gỡ "thẻ vàng" IUU: Tuyệt đối không vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài
Các tỉnh có đội tàu khai thác xa bờ lớn ở các khu vực trong cả nước đều đang nỗ lực hành động, chung tay vì một Việt Nam không vi phạm đánh bắt cá tại biển nước ngoài.
Chỉ còn khoảng chưa đầy một tháng nữa, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hiện, các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực không ngừng và đang tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định về phòng, chống khai thác IUU.
Công tác triển khai tại Kiên Giang đạt nhiều chuyển biến tích cực
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với 9.845 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó, có gần 4.000 tàu cá 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết tăng cường lãnh đạo phòng, chống IUU. Kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, số tàu cá vi phạm giảm dần qua các năm.
Là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia gỡ thẻ vàng của EC, bảo vệ ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy sản đúng quy định, các đồn, trạm biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang trên tuyến biển, đảo tập trung bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng, chống IUU.
Phú Yên triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chống khai thác, gỡ "thẻ vàng"
Phú Yên cũng là một trong các tỉnh có đội tàu khai thác xa bờ lớn ở Nam Trung Bộ và trong gần 5 năm, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngư dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về khai thác trên biển, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của Châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phú Yên hiện có 662 tàu chiều dài từ 6-12m khai thác thủy sản ven bờ, 608 tàu có chiều dài từ 12-15m khai thác thủy sản vùng lộng và 655 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi.
Hiện nay, số tàu cá của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ đạt 98,62%. Còn 9 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đang lập thủ tục yêu cầu các lắp đặt hoặc có biện pháp xử lý theo quy định.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản Phú Yên đã thực hiện 20 thông báo tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên biển để nhắc nhở, yêu cầu các tàu khai thác thủy sản hợp pháp, đúng quy định.
Mặc dù các tàu cá của tỉnh Phú Yên thực hiện nghiêm các quy định khai thác trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng vẫn còn một số tàu cá vi phạm các lỗi như: mất kết nối hành trình trên biển, khai thác hải sản không báo cáo… Các trường hợp này đã bị cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện và xử lý nghiêm.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Yên đã xử lý 64 trường hợp thuyền trưởng, chủ tàu cá có dấu hiệu vi phạm về mất kết nối hành trình ngắn ngày trên biển đã tự khắc phục.
Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên đã thực hiện 5 lệnh điều động tàu thanh tra thủy sản thực hiện nhiệm vụ thanh tra về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đối với 226 lượt tàu cá. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt 3 trường hợp với tổng số tiền xử phạt trên 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức một cuộc thanh tra chuyên ngành thủy sản, qua đó phát hiện và xử phạt với số tiền 12 triệu đồng đối với một trường hợp tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định bốc dỡ thủy sản và không mua bảo hiểm thuyền viên. Lực lượng Biên phòng tỉnh cũng đã kiểm tra, xử phạt một số trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, góp phần chuyển biến tích cực công tác chống khai thác IUU.
Mới đây, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuần tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân trên địa bàn. Qua tuần tra, đoàn công tác đã tiến hành rà soát các thủ tục, giấy tờ theo quy định đối với hơn 20 tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển.
Hầu hết các tàu cá đều thực hiện đúng những quy định, tuy nhiên một số tàu cá có một số sai sót về việc viết nhật ký hành trình, đăng ký đăng kiểm. Lực lượng cảnh sát biển đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn các chủ tàu khắc phục.
Việc phối hợp đồng bộ từ chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan điều hành, các đơn vị chức năng tại các tỉnh liên tục tuần tra, kiểm soát trên biển, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân hiểu rõ các chính sách, quy định để cùng phối hợp các chiến dịch "làm sạch" môi trường đánh bắt và thực thi các quy định chống khai thác IUU cũng như trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo đã mang lại hiệu quả tích cực. Sau gần 6 năm chống khai thác IUU, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực được phía EC ghi nhận.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài phía EC có thể sẽ không xem xét gỡ "thẻ vàng" mà còn tăng nguy cơ bị cảnh báo "Thẻ đỏ".
Vì những tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản và nhiều ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế, Chính phủ đã yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU giao tại Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 và các văn bản khác có liên quan.