Chảo Yến, ngược chiều tìm hạnh phúc
Câu chuyện về Chảo Thị Yến, cô gái Dao Tuyển sinh năm 1990 ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đấu tranh thoát khỏi việc phải lấy chồng sớm rồi đi du học tại Đại học Gottingen (Đức) đã từng truyền cảm hứng tích cực để thay đổi cuộc đời của rất nhiều thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.
Sinh ra ở một bản làng heo hút tên là Ngám Xá ở xã Nậm Chạc giáp biên giới Việt – Trung, người Dao cùng với các dân tộc khác như Mông, Giáy ở đây chủ yếu là các hộ gia đình nghèo, trẻ em ít học và lao động sớm, kết hôn sớm. Chảo Yến là đại diện cho thế hệ con em dân tộc thiểu số thời đại mới, đã có thể tiếp cận với giáo dục tốt, nền tảng gia đình có văn hóa. Yến quyết tâm đi ngược chiều trên con đường riêng của mình, không "ở nhà lấy chồng" mà thi vào Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, sau đó giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus và được đào tạo thạc sĩ quản lý tài nguyên rừng bền vững tại trường Đại học Gottingen (Đức). Tất cả như một giấc mơ và Chảo Yến bây giờ có thể làm chủ được cuộc sống của mình, suy nghĩ của mình. Em là một cô gái tiến bộ, năng động, thích hoạt động xã hội và đặc biệt là có năng lực thu hút, lan tỏa và tạo ảnh hưởng lên cộng đồng.
Chảo Yến hiện đang làm việc cho một tổ chức của Hà Lan tài trợ về nông nghiệp bền vững. Công việc khá bận và em phải tranh thủ nhiều thời gian hơn để thực hiện các mục tiêu truyền thông mà cá nhân mình đã đặt ra. Đầu tiên, Yến chia sẻ về chuyện đi du học của mình, bao gồm chặng đường đi và cách học tiếng Anh. Thứ hai là những hiểu lầm về người dân tộc thiểu số. Những mẹo dân gian của người Dao, thực hành đời sống văn hóa của người Dao.
Chảo Yến là cô gái Dao đầu tiên của xã biên giới đi du học ở châu Âu. Chính cô đã viết và cho ra mắt cuốn tự truyện "Đường ngược chiều – Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus" viết về con đường khó nhọc vượt qua mọi rào cản để đi du học. Thấm thía nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, có lúc phải đi làm thuê, bốc vác ở cửa khẩu để ước mơ của Yến được chắp cánh, Yến càng quyết tâm trở thành một ngôi sao sáng trong học tập và cống hiến. Cô được giao tiếp với bạn bè khắp thế giới, học được nhiều phương pháp nâng đỡ các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Bản thân cô cũng theo đuổi một ngành nghề nắm giữ tương lai của miền núi là nông nghiệp bền vững. Đi từ những điều nhỏ nhất và lấy chính cuộc đời mình làm niềm khích lệ, động viên người khác, Chảo Yến mềm mỏng, kiên trì giải thích, giải nghĩa những điều lựa chọn đúng cho cuộc sống.
Theo dõi Chảo Yến trên mạng có rất nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số không chỉ dân tộc Dao mà nhiều các dân tộc thiểu số khác. Họ tìm thấy ở Yến một hy vọng lớn để nỗ lực. Không có điều gì là không thể, kể cả việc xuất thân từ một cô bé chỉ biết nói tiếng Dao, không nói thạo tiếng Việt, tiếng Anh đến việc du học nhiều nước châu Âu và trở về với một tâm thế mới, con người mới, khao khát cống hiến và có tầm tri thức mới, một tấm lòng vì cộng đồng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/chao-yen-nguoc-chieu-tim-hanh-phuc-179220516115013074.htm