Cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành sẽ được cải tạo như thế nào?
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận nội dung triển khai thực hiện và hoàn thành giai đoạn 1 dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước Chợ Bến Thành.
Cải tạo cảnh quan khu vực trước Chợ Bến Thành hoàn thành trước 30/4/2025
Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân Quận 1 chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện theo kế hoạch, để bắt đầu khởi công dự án cải tạo cảnh quan khu vực trước Chợ Bến Thành vào ngày 1/10/2024, hoàn thành trước 30/4/2025.
Theo kế hoạch chi tiết của Ủy ban nhân dân Quận 1, các hạng mục triển khai thực hiện giai đoạn 1 gồm:
Cải tạo cảnh quan 4 phân vùng: Vùng 1: khu vực xung quanh Chợ Bến Thành; Vùng 2: tiểu đảo phía trước tòa nhà trụ sở Hỏa Xa; Vùng 3: tiểu đảo phía trước Tứ giác Bến Thành; Vùng 4: Mũi tàu công viên 23/9.
Cải tạo đường giao thông: Thực hiện lát nền toàn bộ vỉa hè và lòng đường hiện hữu Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và vỉa hè xung quanh Chợ Bến Thành bằng đá granite tự nhiên; làm mới đường giao thông (lát nên toàn bộ vỉa hè và lòng đường bằng đá granite tự nhiên) đoạn nối từ Phạm Hồng Thái đến Hàm Nghi và đoạn nối từ Trần Hưng Đạo đến Lê Lợi theo Phương án 3 thiết kế.
Công tác di dời, lắp dựng tượng: Tượng và bệ tượng Tướng Trần Nguyên Hãn: Xây dựng lại kết cấu bệ tượng và đúc lại tượng theo kích thước nguyên bản, bằng chất liệu đồng (sau khi có ý kiến thống nhất về vị trí đặt tượng và hoàn tất công tác đúc khuôn tạo bản sao); Tượng chị Quách Thị Trang: Thực hiện xây dựng bệ tượng, di dời Tượng từ Công viên Bách Tùng Diệp, lắp dựng tại vị trí đặt tương sau khi có ý kiến thống nhất.
Theo Kế hoạch chi tiết triển khai, từ 1/10 đến 30/11/2024 khởi công hạng mục rào chắn, tháo dỡ các công trình cũ – chuẩn bị mặt bằng; Từ 1/12/2024 đến 15/4/2025 khởi công công trình chính gồm triển khai thi công xây dựng, đúc lại tượng, lắp dựng tượng tướng Trần Nguyên Hãn, di dời tượng Quách Thị Trang...
Công trình sẽ được nghiệm thu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước 30/5/2025, để chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Lịch sử hình thành Chợ Bến Thành gắn liền với thăng trầm của đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, trải qua nhiều lần trùng tu, di dời mới có được diện mạo và vị thế hôm nay.
Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là Chợ Bến Thành.
Sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Gia Định bị phá bỏ, Chợ Bến Thành cũng hoang vắng. Sau khi người Pháp tấn công Sài Gòn (tháng 2-1859), chợ bị thiêu rụi hoàn toàn.
Năm 1860, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành ở địa điểm cũ. Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chợ dần khang trang hơn với hệ thống cột gạch, sườn sắt, mái ngói…
Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912-1914, cửa nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng. Phía trước cửa chính (cửa nam) là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang...
Đến năm 1952, khi tu sửa chợ người ta cho gắn 12 bức phù điêu của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa ở bốn cửa chợ. Từ đó đến nay hình ảnh Chợ Bến Thành trở nên quen thuộc, gần gũi, trở thành một miền ký ức văn hóa đô thị của thành phố. (Theo PLO)
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-quan-khu-vuc-truoc-cho-ben-thanh-se-duoc-cai-tao-nhu-the-nao-179240622104054129.htm