Cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" để đưa người xuất cảnh, vượt biên trái phép
Lợi dụng nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình… nên hoạt động đưa người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép thời gian qua diễn ra phức tạp, tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Phương thức đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar...) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.
Sau khi công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài, sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng chính sách miễn thị thực ở một số nước, hoặc qua con đường du lịch, thương mại, học tập để “gom” người xuất cảnh hợp pháp, sau đó tổ chức cho trốn ở lại hoặc xuất cảnh bất hợp pháp đi nước thứ ba.
Quá trình liên lạc, thỏa thuận, các đối tượng thường sử dụng SIM rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp, không có biên nhận, biên bản hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian...
Các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép sẽ thường tập trung lôi kéo, dụ dỗ những người trong độ tuổi lao động, không có việc làm, có người nhà lao động ở nước ngoài, có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài...
Về phía người dân, bên cạnh nhiều trường hợp bị lừa đảo, lôi kéo trở thành nạn nhân, cũng có rất nhiều trường hợp chủ động kết nối với các đối tượng trong đường dây phạm tội để xuất cảnh trái phép, sau đó trở thành nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề.
Theo thông tin từ Bộ Công an, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Địa bàn hoạt động của các đường dây này rất đa dạng từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada... Hành trình xuất cảnh bằng cả đường bộ, đường biển và đường không.
Năm 2023, Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước; tháng 5/2023, phía Philippines đã giải cứu 437 người Việt Nam bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại nước này.
Tháng 12/2023, hàng ngàn công dân mắc kẹt tại cuộc chiến sự Myanmar được Đảng và Nhà nước ta giải cứu bảo hộ về nước, trong đó có rất nhiều người thuộc diện xuất cảnh trái phép hoặc là nạn nhân của các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.
Nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi xuất cảnh, tổ chức xuất cảnh trái phép, nhằm giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức để được xuất cảnh hợp pháp.
Đối với những người bị hại cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không khai báo, khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác xác minh, giải quyết vụ việc liên quan.
Không tiếp tay, tham gia các hoạt động môi giới, tổ chức, đưa dẫn, giúp sức, xúi giục người khác xuất nhập cảnh trái phép; kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép cho cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý.
Điều kiện xuất cảnh của công dân Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023), công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
- Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Xuất cảnh trái phép; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi vi phạm pháp luật
Theo quy định tại Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023), "xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định" là hành vi bị nghiêm cấm.
Quy định xử phạt người xuất cảnh trái phép
Cá nhân có hành vi vượt biên, xuất cảnh trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép có thể bị phạt tù tới 15 năm
Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép" như sau:
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 2 lần trở lên;
- Đối với từ 5 người đến 10 người;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
- Đối với 11 người trở lên;
- Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.