Cảnh báo: Bắt đầu vào hè, bệnh viêm phổi do vi khuẩn gia tăng, có trẻ đông đặc phổi
Khi thời tiết chuyển mùa hè, số trẻ viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma gia tăng, các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần đặc biệt chú ý để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bé gái phổi đông đặc do vi khuẩn tấn công
Vào thời điểm cuối xuân sang hè, thời tiết tuy nắng ấm nhưng đôi khi trở lạnh đột ngột. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể dễ mắc bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Từ đầu tháng 5 đến nay, thống kê từ hệ thống y tế Medlatec cho thấy, số lượng trẻ đến khám và điều trị vì bị viêm phổi do Mycoplasma tăng đột biến so với thời gian trước đó.
Không chỉ ở Hà Nội, bác sĩ Hà Thị Duyên - Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy, Quảng Ninh) cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, các trường hợp trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma điều trị tại Khoa Nhi tăng hơn trước. Đa số các trẻ nhập viện với triệu chứng biểu hiện rầm rộ là sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm kéo dài từ 3-4 tuần, có thể kèm theo sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy…
Điển hình như trường hợp bệnh nhi N.T.D (7 tuổi, trú tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng sốt nóng cơn trên 38 độ C, ho có đờm trong 2 ngày, sử dụng thuốc hạ sốt tại nhà không đỡ. Kết quả chụp X-quang, CT scanner ngực có tổn thương đông đặc thùy trên phổi trái, thùy trên phổi phải có đám đông đặc nhỏ. Xét nghiệm Mycoplasma pneumoniae dương tính. Trẻ được hội chẩn chuyên khoa Nhi chẩn đoán tình trạng viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae và được điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ. Sau 12 ngày điều trị, tình trạng trẻ ổn định, giảm ho và cắt sốt.
Hay như trường hợp bé P.G.H (10 tuổi, ở Hà Nội) có biểu hiện sốt cao 39 độ C kèm ho khan, diễn biến nhiều về đêm. Gia đình chủ quan nghĩ con ốm sốt thông thường do thời tiết thay đổi nên tự mua kháng sinh kèm thuốc ho về điều trị. Uống được 3 ngày, thấy triệu chứng không đỡ, cơn sốt không dứt, gia đình vội đưa bé đi khám. Tại bệnh viện, sau khi khám lâm sàng, chụp X-quang, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ đây là trường hợp mắc viêm phổi. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định, trẻ dương tính với vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae.
Trong trường hợp này, với các triệu chứng không điển hình, cha mẹ dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường dẫn tới xử trí sai cách, không mang lại hiệu quả điều trị. May mắn được thăm khám và điều trị kịp thời, cháu bé tránh được các tình huống xấu ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe.
Viêm phổi do Mycoplasma là bệnh nguy hiểm, cha mẹ không nên chủ quan
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Cam - chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến, do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa, phát tán qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Đây là bệnh viêm phổi không điển hình do nó có những triệu chứng khác với những bệnh viêm phổi do nhiễm khuẩn thông thường khác.
Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, có thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Ở trẻ em, ho và sốt là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Tình trạng sốt ở trẻ em thường không quá cao, chủ yếu dưới 39 độ C. Triệu chứng nổi bật nhất chính là ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm. Tình trạng ho này có thể kéo dài 3 đến 4 tuần, kèm theo ho và sốt, trẻ thường sổ mũi, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy,...
"Với các triệu chứng không điển hình, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma thường bị bỏ qua giai đoạn đầu, hoặc điều trị theo kinh nghiệm dẫn những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong", bác sĩ Cam chia sẻ.
Một số biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do Mycoplasma là:
- Nhiễm trùng máu: Nhiễm trùng ở phổi có thể lây lan sang máu và dần dần nhiễm trùng từ máu sẽ lây lan qua các bộ phận khác trong cơ thể.
- Tràn dịch màng phổi: Việc tích tụ dịch quá nhiều dễ gây ra tràn dịch màng phổi. Điều này sẽ chèn ép lên phổi và gây khó thở.
- Áp xe phổi: Các vùng nhiễm trùng ở phổi rất dễ trở thành các ổ áp xe.
- Hội chứng suy hô hấp cấp: Những người bị viêm phổi cả hai thùy rất dễ gặp phải tình trạng này.
- Suy hô hấp: Dưới sự tác động của vi khuẩn, tình trạng viêm phổi có thể gây ra các tác động tiêu cực đến cơ quan khác, chẳng hạn như giảm huyết áp, nhịp tim hoặc thậm chí là mất nhận thức.
"Tấm áo giáp" bảo vệ trẻ khỏi viêm phổi
Bệnh viêm phổi ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ hô hấp và thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ nhỏ. Dưới đây là một số biện pháp các bậc phụ huynh có thể áp dụng để phòng ngừa viêm phổi hiệu quả:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ.
- Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.
- Mang khẩu trang để hạn chế bụi bẩn và vi khuẩn khi ra ngoài; thường xuyên cho trẻ súc miệng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh có thể gây ra viêm phổi như: trào ngược dạ dày, tim bẩm sinh.
- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là lao, cúm, sởi, phế cầu, HiB.
Khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/canh-bao-bat-dau-vao-he-benh-viem-phoi-do-vi-khuan-gia-tang-co-tre-dong-dac-phoi-179230519131921029.htm