Cần nâng cao hiệu quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Các cán bộ y tế, chính quyền các cấp đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, cần đẩy mạnh và phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng ngành.
Công tác tiêm chủng cho nhân dân đảm bảo tính an toàn, hiệu quả
Trong cuộc họp “Tiếp nhận, phân bổ và sử dụng vaccine phòng COVID-19” diễn ra ngày 23/6/2022, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau.
Viện đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer.
Hiện nay, cả nước đã tiêm 226,7 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại.
Đến thời điểm hiện tại, mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn: Hoàn thành với tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, cơ bản hoàn thành, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%.
Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm.
Và mục tiêu tiêm cho nhóm 5- dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Các tỉnh, thành phố luôn tìm mọi cách để triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đến mọi người dân. Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tiêm xuyên đêm.
Tâm lý chủ quan của người dân trong phòng tránh dịch COVID-19
Tuy nhiên, hiện nay, có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù ngành Y tế các địa phương đã hết sức nỗ lực trong công tác thực hiện tiêm chủng, tuy nhiên do tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng việc tiêm mũi 3 và 4 là không cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh ngay từ ngày 24/6 tổ chức các đoàn công tác tập trung kiểm tra các tỉnh tiêm chậm như Đồng Nai, Bến Tre, Tây Ninh… để cùng các tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
"Ở một địa bàn của một tỉnh khu vực miền Trung, ngành Y tế địa phương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại một điểm tiêm, nhưng từ sáng đến trưa chỉ có 63 người đến tiêm, dù trước đó đã phát giấy mời đến 800 người dân đi tiêm mũi bổ sung, nhắc lại"- đại diện Viện Pasteur Nha Trang chia sẻ tại cuộc họp.
Cũng tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng làm công văn gửi 3 tỉnh, thành hiện tiêm liều cơ bản dưới 95%; 6 tỉnh, thành tiêm liều thứ 2 cho trẻ từ 12-17 tỷ lệ tiêm thấp.
"Đề nghị Cục Y tế dự phòng nêu rõ chi tiết từng tỉnh trên và đề nghị các tỉnh báo cáo tình hình tiếp nhận sử dụng vaccine có hạn đến tháng 6/2022; thống kê báo cáo tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; Số vaccine đã sử dụng, số vaccine còn tồn để căn cứ đến 30/6 nếu địa phương chưa tiêm hết cho các đối tượng theo hướng dẫn trong khi vaccine vẫn dư thừa thì địa phương đó hoàn toàn chịu trách nhiệm" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trước một số ý kiến cho rằng "thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại".
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/can-nang-cao-hieu-qua-tiem-chung-vaccine-phong-covid-19-179220624121234824.htm