Căn cước điện tử là gì? Những trường hợp bị khóa căn cước điện tử?
Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) quy định căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử.
Căn cước điện tử được cấp cùng với việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2
Theo Luật Căn cước 2023, căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
Bên cạnh đó, theo Điều 28, Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng một tính năng, tiện ích của ứng dụng định danh quốc gia thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử của công dân.
Căn cước điện tử được cấp cùng với việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân Việt Nam (trình tự, thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định 69/2024).
Việc sử dụng căn cước điện tử thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 05 năm kể từ thời điểm sử dụng.
Giá trị sử dụng của căn cước điện tử
Điều 33 Luật Căn cước 2023 quy định như sau:
- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Những trường hợp căn cước điện tử bị khóa và trình tự mở khóa
Điều 34 Luật Căn cước quy định về khóa, mở khóa căn cước điện tử như sau:
Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:
- Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
- Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
- Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
- Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
- Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
- Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;
- Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Trình tự, thủ tục khóa căn cước điện tử
Điều 29 Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định trình tự, thủ tục khóa căn cước điện tử như sau:
1. Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận, kiểm tra, xác thực và khóa căn cước điện tử trong trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua cập nhật thông tin vào hệ thống định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 8 Nghị định này.
2. Người được cấp căn cước điện tử thực hiện yêu cầu khóa căn cước điện tử trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi gần nhất hoặc thông qua ứng dụng định danh quốc gia theo mẫu TK03 ban hành kèm theo Nghị định này. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm ghi nhận, kiểm tra, xác thực và khóa căn cước điện tử ngay sau khi nhận được yêu cầu khóa căn cước điện tử của công dân trên hệ thống định danh và xác thực điện tử.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị khóa căn cước điện tử tới đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi gần nhất để tiếp nhận, xử lý.
4. Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị khóa căn cước điện tử của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền, đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi tiếp nhận đề nghị phải xem xét, chuyển đề nghị khóa căn cước điện tử đến thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an để xem xét, phê duyệt thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.
5. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện chuyển đến, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xem xét, phê duyệt đối với trường hợp yêu cầu khóa căn cước điện tử quy định tại khoản 2 Điều này và thông báo tới cơ quan đề nghị khóa căn cước điện tử và công dân. Trường hợp từ chối khóa căn cước điện tử thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trình tự, thủ tục mở khóa căn cước điện tử
Điều 30 Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định trình tự, thủ tục mở khóa căn cước điện tử như sau:
1. Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động rà soát, kiểm tra và mở khóa căn cước điện tử khi không còn căn cứ khóa căn cước điện tử.
2. Người bị khóa căn cước điện tử thực hiện yêu cầu mở khóa căn cước điện tử trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi gần nhất hoặc thông qua ứng dụng định danh quốc gia theo mẫu TK03 ban hành kèm theo Nghị định này. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm ghi nhận, kiểm tra, xác thực và mở khóa căn cước điện tử ngay sau khi nhận được yêu cầu mở khóa căn cước điện tử của công dân trên hệ thống định danh và xác thực điện tử.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị mở khóa căn cước điện tử đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi gần nhất để tiếp nhận, xử lý.
4. Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị mở khóa căn cước điện tử của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền, đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện nơi tiếp nhận đề nghị phải xem xét, chuyển đề nghị mở khóa căn cước điện tử đến thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an để xem xét, phê duyệt thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.
5. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý căn cước Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện chuyển đến, thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xem xét, phê duyệt đối với trường hợp yêu cầu mở khóa căn cước điện tử quy định tại khoản 2 Điều này và thông báo tới cơ quan đề nghị mở khóa căn cước điện tử và công dân. Trường hợp từ chối mở khóa căn cước điện tử thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/can-cuoc-dien-tu-la-gi-nhung-truong-hop-bi-khoa-can-cuoc-dien-tu-179240703123824071.htm