Cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế

06:00 - 24/12/2022

Kết thúc năm 2022, lạm phát bình quân của Việt Nam chỉ hơn 3% một chút, thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra.

Trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng GDP cả năm 2022 ước đạt 8% thì lãi suất cho vay tiền đồng Việt Nam vẫn cao ở mức trên 11-13%/năm và tình trạng nghẽn dòng tiền khiến doanh nghiệp suy yếu đang là thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng 6,5% của nền kinh tế năm 2023.

Với độ mở của nền kinh tế lớn (khoảng 200% GDP), năm 2022 Việt Nam chịu sức ép lạm phát tăng cao; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro... khiến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là tiền tệ luôn phải thận trọng để kiềm chế lạm phát. Hậu đại dịch Covid-19, cách thức hoạt động và tổ chức đời sống xã hội của thế giới đã bị tác động sâu sắc; xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ cuối tháng 2/2022 đã làm thay đổi cục diện thị trường thế giới, tạo ra khủng hoảng năng lượng, làm trầm trọng hơn sự đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát bùng phát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Giá dầu thô, lương thực và các hàng hóa cơ bản biến động mạnh và giữ ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải dồn dập tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, đưa lãi suất cho vay lên mức 4,5%. Ước tính cúa các tổ chức tài chính uy tín, năm 2022 tăng trưởng thế giới chỉ khoảng 2,9%, trong khi lạm phát toàn cầu khoảng 9,5%. 

Thực tế là từ nửa đầu quý IV/2022, tại Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi nhưng đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đang lấy lại đà tăng trưởng; đồng thời lạm phát được khống chế ở mức thấp. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021, cả năm dự kiến chỉ tăng hơn 3%, thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4%; và GDP dự kiến đạt mức tăng trưởng 8-8,2%, cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

Kết quả kiểm soát lạm phát bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trước hết là từ sản xuất và lưu thông hàng hoá. Trụ đỡ chính cho nền kinh tế Việt Nam lâu nay là sản xuất nông nghiệp. Trong khi các quốc gia trên thế giới chịu áp lực tăng giá nặng nề của lương thực, thực phẩm thì ở Việt Nam nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đóng góp vào xuất khẩu khá lớn, nhờ đó hãm lại đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Một yếu tố quan trọng khác là chúng ta đã hạn chế đối đa tình trạng "nhập khẩu lạm phát" thông qua tỷ giá hối đoái của tiền đồng Việt Nam có mức mất giá chấp nhận được. Khu vực doanh nghiệp FDI ở nước ta (chiếm tới 73% giá trị xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp) nhưng họ khá tách biệt khỏi nền kinh tế vì họ nhập khẩu nguyên vật liệu về lắp ráp, gia công rồi xuất khẩu ra nước ngoài, nên có thể nói  lạm phát được "nhập" vào, rồi lại được "xuất" đi. Góp phần vào kết quả lạm phát cả năm không tăng cao như nhiều người từng lo ngại còn một yếu tố "may mắn" ít ngờ  khác: do tốc độ giải ngân đầu tư vốn ngân sách nhà nước chậm trong bối cảnh không ít công chức ở nhiều nơi không dám làm gì cả (đến thời điểm  30/11/2022  chỉ đạt 58,33%  kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây).

Ở  mức độ nào đó, lạm phát năm 2022 được khống chế thấp là một thành công của Việt Nam. Song, lạm phát thấp cũng chính là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào suy kiệt. Trong 11 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng gần 7%, thấp so với mức 9% cùng kỳ năm 2021 - năm cả nền kinh tế đông cứng do phong tỏa chống Covid-19.

Hiện đa số các quốc gia trên thế giới có mức lạm phát cao hơn lãi suất, nên lãi suất thực của đồng tiền của các quốc gia phổ biến là âm. Còn Việt Nam, lãi suất thực của đồng Việt Nam lại tương đối cao. Đây là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát, nhưng xét về lâu dài, lãi suất thực dương cao quá cũng  gây bất lợi cho nền kinh tế do doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sử dụng các giải pháp để lãi suất thực thấp xuống trong bối cảnh lạm phát thế giới đã đạt đỉnh. Và ngày 10/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240 ngàn tỷ đồng "bơm" vào nền kinh tế ngay trong những ngày còn lại của năm 2022 đồng thời với việc từng bước giảm lãi suất tiền đồng Việt Nam. 

Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài đi kèm suy giảm giá trị đồng tiền tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực... Nền kinh tế Việt Nam tếp tục đối mặt sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh, tiếp tục ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp... Lạm phát toàn cầu dự kiến giảm xuống mức 5,5%  nhưng tăng trưởng toàn cầu cũng giảm xuống mức 2,6%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều có những dấu hiệu bắt đầu suy thoái. Theo dự báo của WTO, quy mô thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2023 thay vì  tăng 3,5% như năm 2022. Như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp những khó khăn trong tăng trưởng xuất khẩu và GDP.

Dù vậy, có nhiều triển vọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Việc ổn định thị trường tài chính và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài và đầu tư công tăng mạnh (với tổng vốn hơn 700 ngàn tỷ đồng - tăng 25% so với năm 2022), là động lực cho tăng trưởng. Đồng thời rủi ro nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam năm 2023 cũng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều dự báo lạm phát vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2023 trong khoảng 4,5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm 2023 của Việt Nam có thể vượt qua ngưỡng dự báo 4,5% do độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và dự báo lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng vẫn ở mức cao.

Bối cảnh này đòi hỏi chính sách tiền tệ quốc gia bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, phải hỗ trợ doanh  nghiệp nhằm tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Từng bước giảm lãi suất của đồng Việt Nam, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, phân bổ dòng vốn ngắn hạn, một phần nguồn vốn trung và dài hạn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế... để tăng khả năng kiểm soát lạm phát năm 2023 dưới mức 4,5% như Quốc hội đề ra.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, hôm 17/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, năm 2023 cần tìm ra điểm cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát để có ưu tiên. Chính phủ sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp tìm cách đa dạng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/can-bang-giua-kiem-soat-lam-phat-va-tang-truong-kinh-te-179221223232829295.htm