Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Từng bước tháo gỡ "nút thắt"
Trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội có 1.579 tòa chung cư cũ, quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung tại 4 quận nội thành cũ.
Hiện trạng cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội
Thực tế, tình trạng nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, cho thấy cấp thiết phải cải tạo để đảm bảo an toàn, chất lượng sống cho người dân. Song, cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ chưa hài hòa được lợi ích các bên Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đang là rào cản giải bài toán này.
Thêm vào đó, chi phí đầu tư lớn, nhưng lợi ích mang lại không cao, nên không thu hút nhà đầu tư; cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, người dân cũng chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình; trình tự triển khai các dự án cải tạo khu chung cư cũ còn phức tạp... khiến công tác cải tạo chung cư cũ "ì ạch".
Trước tình trạng trên, Thành phố Hà Nội đã xây dựng dự thảo quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ lấy ý kiến người dân từ tháng 12/2022. Trong đó đáng chú ý là dự kiến quy định hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư.
Trong tổng số 1.579 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội thì có khoảng 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như tại Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai… Đây là những dãy nhà đã được báo động mất an toàn, nguy cơ đổ sập vào bất cứ lúc nào, cấp bách cần được sửa chữa.
Việc cải tạo, xây dựng mới các khu tập thể cũ thời gian qua diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng.
Những bước đi cụ thể
Cụ thể, với dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư do Nhà nước thực hiện, hệ số bồi thường (hệ số K) là 1. Nếu căn hộ mới có diện tích lớn hơn căn cũ, chủ sở hữu phải trả tiền cho phần chênh lệch. Tiền được tính theo m2, mức giá bằng giá thành xây dựng.
Trường hợp dự án xây dựng lại chung cư được thực hiện bằng xã hội hóa, hệ số K không được vượt quá 2 lần diện tích sử dụng hợp pháp (căn hộ 25 m2, khi xây lại được bồi thường tối đa 50 m2).
Đón nhận những thông tin này, nhiều người dân được lấy ý kiến tỏ ra đồng tình và cho rằng, với quy định như vậy, "nút thắt" trong việc cải tạo chung cư cũ sẽ sớm được giải quyết.
Trả lời kiến nghị của cử tri về tiến độ cải tạo chung cư cũ, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, triển khai Nghị định số 69 của Chính phủ về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Để "gỡ vướng" thực trạng cải tạo nhà chung cư cũ, UBND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy định quy gom tái định cư; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các cũ chung cư.
Kế hoạch dự kiến chia 4 giai đoạn, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc… và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Tại kỳ họp thứ 2, khóa 16, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng kiểm định, rà soát thực trạng chưng cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cai-tao-chung-cu-cu-ha-noi-tung-buoc-thao-go-nut-that-179221226115023201.htm