Cái gì luật không cấm thì nên để tổ chức tín dụng tự chủ

PV
22:38 - 20/07/2022

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh Thông tư 39 là một văn bản "xương sống" có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đến thời điểm cần sửa đổi.

Tại buổi lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá Thông tư 39 là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần xem xét thời điểm ban hành thông tư 39 sao cho phù hợp bởi hiện nay một số Luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật các tổ chức tín dụng, cơ chế thử nghiệm sandbox cho Fintech… vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được coi như một văn bản “xương sống” đối với hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Cho ý kiến về thông tư, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Ban Pháp chế Vietcombank, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) chia sẻ, ngoài các nội dung của dự thảo sửa đổi, còn một số vấn đề mà Hiệp hội Ngân hàng khác đề nghị Ban soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) xem xét sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 39 như: Quy định về lãi chậm trả; về cho vay khách hàng là người không cư trú; về cung cấp báo cáo tài chính; về cho vay bằng phương thức điện tử…..

Cái gì luật không cấm thì nên để tổ chức tín dụng tự chủ - Ảnh 2.

T.S Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì cuộc họp lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Ảnh: Quỳnh Lê/VGP

Theo ông Đỗ Việt Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank, đại diện Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), thông tư nên có các quy định khung, giảm thiểu các quy định quá chi tiết, tạo điều kiện thông thoáng, “mở” nhất đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, trong phạm kiểm soát rủi ro hệ thống, phát triển bền vững.

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, đại diện ngân hàng Vietinbank cũng cho rằng, những vấn đề gì pháp luật không cấm thì nên tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chủ động triển khai linh hoạt.

Cụ thể, hiện nay, pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định nào về việc cấm cho vay mua bất động sản/hàng hóa. Thực tế mua bất động sản đa phần nguồn vốn phải vay ngân hàng tới 80% nhưng việc giải ngân sẽ có độ trễ nên khách thường huy động từ nguồn khác sau đó ngân hàng giải ngân bù đắp khoản này, vì thế ban soạn thảo nên cân nhắc quy định này.

Đại diện Vietinbank cũng không đồng tình với việc “quy” trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát nguồn vốn đã giải ngân, mà điều này là trách nhiệm của khách hàng (người vay vốn).

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng (người vay vốn) sử dụng nguồn vốn đó như thế nào sao cho hiệu quả, đúng mục đích.

Cái gì pháp luật không cấm thì nên để các tổ chức tín dụng tự chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đại diện các ngân hàng cũng đề cập đến vấn đề liên quan tới cho vay bằng phương thức điện tử. Đại diện ngân hàng Techcombank cho rằng, dự thảo Thông tư cần có quy định cụ thể, “mở đường” để ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình cho vay bởi không thể làm thủ công được, cản trở quá trình phát triển.

Bày tỏ quan điểm, đại diện Techcombank cũng cho rằng khi hoàn tất quy trình cho vay trên máy tính rồi lại phải in ra giấy, ký tá và lưu nội bộ là “rất lãng phí, mất thời gian, đó là tụt hậu so với thị trường”.

Đại diện ngân hàng Standard Chartered cho biết, hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ là “không biên giới”. Chính vì thế không thể lấy quy định cho vay truyền thống để áp dụng vào phương thức điện tử và nên “trao quyền” cho các tổ chức tín dụng tự chịu trách nhiệm. 

Đối với giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay, theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng, cần xem xét có một Chương của Thông tư quy định về vấn đề này. Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay, công cuộc chuyển đổi số ở các  tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng. Chính vì thế, cái gì pháp luật không cấm thì nên để các tổ chức tín dụng tự chủ, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên kiểm tra, giám sát và có văn bản cảnh báo rủi ro.

Cái gì luật không cấm thì nên để tổ chức tín dụng tự chủ - Ảnh 4.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các hội viên Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: VGP

Tiếp thu và giải đáp thắc mắc của một số tổ chức tín dụng, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá báo cáo kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng rất cô đọng, đầy đủ.

Bà thừa nhận những bất cập trong việc xây dựng dự thảo. Đó là nhiều nội dung của Luật các tổ chức tín dụng được đưa vào thông tư 39, nhưng một số nội dung này hiện nay cũng còn bấp cập. Tuy nhiên, Luật đang có hiệu lực nên vẫn phải áp dụng, dù những ý kiến của các tổ chức tín dụng kiến nghị là xác đáng.

Bà Hằng cũng cho biết thông tư 39 sẽ sửa đổi, bổ sung đưa ra khung pháp lý chung để các tổ chức tín dụng áp dụng, tránh rủi ro (nếu có) sau này. 

Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo để thông tư sớm được ban hành.

Nguồn: VGP

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cai-gi-luat-khong-cam-thi-nen-de-to-chuc-tin-dung-tu-chu-179220720163659343.htm