Cách tính tiền phụ trội - thêm giờ dạy cho giáo viên đang mỗi nơi một kiểu

18:09 - 17/07/2023

Vào dịp cuối học kì 1 hoặc cuối năm học, giáo viên bậc phổ thông nếu dạy dư tiết so với định mức thì được nhận tiền phụ trội (dư giờ dạy). Tuy vậy, hiện nay có tình trạng mỗi địa phương tính một kiểu khiến nhiều giáo viên không đồng tình, đã có vụ việc khiếu kiện ra tòa án dân sự.

Ngày 19/9/2019, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, ra công văn số 1335/NGCBQLGD-CSNGCB trả lời Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An về việc giảm định mức tiết dạy (để tính thừa giờ cho giáo viên).

Nội dung văn bản như sau: "Trường hợp giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác chuyên môn, vừa kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường thì số tiết giảm trừ bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc chuyên môn và một chức vụ kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường.

Trường hợp giáo viên kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn thì số tiết giảm trừ tính bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc đó.

Trường hợp giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác chuyên môn vừa kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường thì số tiết giảm trừ bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc chuyên môn và 1 chức vụ kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác trong nhà trường có số tiết giảm cao nhất".

Tuy vậy, hiện nay có tình trạng mỗi địa phương tính phụ trội một kiểu khiến nhiều giáo viên không đồng tình.

Quy định về định mức tiết dạy của giáo viên phổ thông

Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT Văn bản hợp nhất - Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 23/6/2007 ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Theo đó, Điều 6 quy định về định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết.

2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành."

Tại Điều 7 Thông tư 03 quy định, đối với hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần và không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này.

Quy định về giảm định mức tiết dạy hiện hành

Điều 8, 9, 10 Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy định về các chế độ giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm như sau:

1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

2. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

3. Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.

4. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2-3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

5. Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

5a. Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần…"

Điều 9 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường như sau:

1. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giảm định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.

3. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.

4. Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần.

5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất."

Điều 10 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các đối tượng khác gồm:

1. Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu được giảm 2 tiết/tuần.

2. Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi tuần lễ được giảm 3 tiết (đối với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở) và 4 tiết (đối với giáo viên tiểu học)."

Khi nào giáo viên được tính tiền tăng giờ, tăng buổi dạy?

Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Tại khoản 2, 6, 8 Điều 3 Thông tư 07 quy định: Tính trả tiền lương dạy thêm giờ là thực hiện vượt định mức giờ dạy theo định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt và số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, quy định hiện hành định mức tiết dạy và quy đổi các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết mỗi tuần.

Để được tính dư giờ, không tính theo tuần mà tính theo định mức tiết dạy/năm học. Ví dụ, năm học 2022-2023 từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện 35 tuần thực dạy thì số tiết tiêu chuẩn/năm học của bậc tiểu học là 805 tiết, trung học cơ sở 665 tiết và trung học phổ thông 595 tiết.

Vướng quy định, nhiều giáo viên dạy vượt định mức vẫn không được thanh toán tiền thừa giờ

Theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, nếu giáo viên dạy và thực hiện công việc quy đổi vượt số tiết định mức/năm học sẽ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định.

Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT quy định:

5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.

Quy định giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ khiến nhiều thầy cô làm công tác kiêm nhiệm vượt định mức vẫn không được thanh toán tiền thừa giờ theo Bộ luật Lao động. Điều 98 luật này quy định "người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm".

Giáo viên bậc phổ thông trên cả nước rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn cách tính phụ trội thống nhất để các địa phương thực hiện đúng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của thầy cô giáo.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-tinh-tien-phu-troi-them-gio-day-cho-giao-vien-dang-moi-noi-mot-kieu-179230717174028076.htm