Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên những đột phá công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Robot, Internet of things (IoT), In 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử... trên nền tảng cách mạng số.

Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hệ thống giáo dục, đào tạo sẽ chịu tác động mạnh mẽ và toàn diện của nó. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với các trường đại học  - Ảnh 1.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến công tác giảng dạy tại các trường đại học trên các phương diện. Ảnh: becosan.com

Triết lý giáo dục của các quốc gia sẽ có nhiều biến chuyển. Quản trị trường học, mô hình tổ chức lớp học, vai trò của thầy và trò sẽ thay đổi bởi sự xuất hiện của nhiều khái niệm mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo. Bối cảnh đó đòi hỏi công tác giảng dạy tại các trường đại học ở nước ta phải có tầm nhìn chiến lược để chuẩn bị cho những thay đổi lớn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. 

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đây chính là cơ sở để hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân nói chung, công tác giảng dạy tại các trường đại học nói riêng tiến hành đổi mới toàn diện và triệt để.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến công tác giảng dạy tại các trường đại học trên các phương diện như: mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phương thức quản trị nhà trường; mô hình tổ chức hoạt động dạy - học trong đào tạo; vai trò và phương pháp giảng dạy của người thầy; nội dung chương trình dạy học. 

Cụ thể là:

Thứ nhất, về mục tiêu đào tạo chính là đào tạo ra được những sinh viên có phẩm chất tốt, có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Mọi sự thay đổi của nhà trường phải nhằm đào tạo được những con người, người học có được những năng lực, kỹ năng mới như năng lực tổng kết thực tiễn; tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tư duy phân tích và tổng hợp; xử lý thông tin đa chiều.v.v..

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng, nhất là phương pháp đào tạo ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện cho sự thay đổi này ở các trường đại học hiện nay vẫn rất hạn chế, việc đổi mới phương pháp dạy - học còn chậm; hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu.

Thứ ba, sự thay đổi trong quản trị nhà trường... Trong tương lai không xa, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ là xu hướng nổi bật. Thí dụ, học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn đeo kính VR để trải nghiệm một trận đánh giả lập trong bài học về lịch sử, hay có thể nhập các thông tin quản lý của lĩnh vực mình phụ trách vào hệ thống máy tính của nhà trường để thực hành phân tích thông tin, từ đó đề xuất giải pháp tham mưu.v.v.. 

Sự tác động này đòi hỏi phải thay đổi phương thức quản trị nhà trường, qua đó trực tiếp tác động đến việc bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Đội ngũ này cần được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Trong các nhà trường, sẽ có sự thay đổi về quy mô và cơ cấu giáo viên (cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng); các môn học có tính hàn lâm, lý thuyết sẽ giảm dần thời lượng, thay vào đó sẽ hình thành những môn học về phát triển năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên. Cho dù khoa học công nghệ có phát triển hiện đại đến đâu thì cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của người thầy giáo. Trong những năm gần đây, đội ngũ giáo viên trong các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được chuẩn hóa về bằng cấp chuyên môn, đa số có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Tuy nhiên, kiến thức thực tiễn và năng lực nghiên cứu khoa học của một bộ phận giảng viên còn hạn chế. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, học viên có thể tự tìm kiếm tri thức, kỹ năng thông qua mạng Internet. Do đó, nếu giảng viên không thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ thì sự tác động này sẽ làm mất dần vai trò chủ đạo của thầy giáo. Đây chính là áp lực không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên trong các trường đại học.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và Cách mạng công nghiệp 4.0, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện cơ chế, chính sách giáo dục đào tạo

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn đội ngũ giảng viên, sinh viên, và thực tiễn cơ sở của từng trường. Trong đó, đối với nhà giáo, cần xây dựng các chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, chuẩn về phẩm chất đạo đức, chính trị. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo trong các trường đại học. Đổi mới chính sách tiền lương đối với giảng viên để thu hút người có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng, phương pháp sư phạm làm việc trong các trường đại học.

Hai là, đổi mới quản lý nhà trường, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý

Cần hoàn thiện cơ chế, bộ máy quản lý trong các trường đại học theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm; giảm sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào công tác quản trị nhà trường; chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, thống nhất trong toàn bộ hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu; trung tâm quản lý điều hành về công tác giáo dục, đào tạo.

Xây dựng thư viện điện tử, phòng học đa phương tiện.v.v.., xây dựng môi trường đào tạo thân thiện, kỷ cương, nhưng phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

Ba là, nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý

Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại các trường đại học trong môi trường Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ giáo viên phải có những năng lực mới, sáng tạo, những phẩm chất mới thông qua hoạt động đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Muốn vậy, phải thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng mềm cho đội ngũ giảng viên. Giảng viên phải tự nghiên cứu trau dồi tri thức, hình thành phông kiến thức đủ rộng và sâu, không chỉ đáp ứng lĩnh vực chuyên môn mình đảm trách mà còn có khả năng liên hệ, vận dụng cho các đối tượng sinh viên có kiến thức chuyên môn khác nhau. Điều này không có nghĩa là giảng viên "biết hết", "cái gì cũng biết" mà chỉ là nền tảng, cơ sở kiến thức qua đó định hướng cho sinh viên biết cách liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác của mình.

Đội ngũ cán bộ quản lý cũng cần được chuẩn hóa. Đội ngũ này phải có đủ năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo cao và tự chịu trách nhiệm; dám đề xuất và thực hiện các giải pháp đổi mới.

Thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong nước và quốc tế để tăng cường kiến thức thực tiễn và kỹ năng công tác.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn

Để nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường đại học đòi hỏi phải tăng cường gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Các trường đại học có kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu khoa học nên xây dựng chương trình giúp đỡ các trường khác thông qua các hình thức liên kết, phối hợp nghiên cứu, tổng kết. Sản phẩm nghiên cứu, tổng kết phải được ứng dụng vào công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của tất cả các trường đại học trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần đổi mới toàn diện, trong đó tập trung thực hiện tốt bốn giải pháp nêu trên để có thể tạo ra nguồn lao động có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể "đứng trên vai những người khổng lồ" và tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này để đáp ứng được công việc sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Internet vạn vật (loT) (2020), Chuyển đổi số hay là chết, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

2. Mark Raskino - Graham Waller (2020), Chuyển đổi số đến cốt lõi - Nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, doanh nghiệp và chính bản thân bạn, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

3. Quyết định số 942/QĐ-TTgngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-cac-truong-dai-hoc-179221210233143764.htm