Cách căng thẳng kích hoạt sự lây lan của ung thư và tiềm năng của các phương pháp điều trị mới
Nghiên cứu mới cho thấy căng thẳng thúc đẩy sự di căn của ung thư bằng cách khiến bạch cầu trung tính hình thành các cấu trúc tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giảm căng thẳng vào điều trị ung thư và gợi ý những phương pháp mới để ngăn chặn ung thư di căn.
Phát hiện mới về mối liên hệ giữa sự căng thẳng và quá trình di căn ung thư
Căng thẳng là một khía cạnh không thể tránh khỏi của cuộc sống. Tuy nhiên, căng thẳng quá mức có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của chúng ta. Căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và đột quỵ và cũng có thể khiến ung thư lây lan. Đây là một thách thức đối với việc chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Nghiên cứu mới được đăng trên Tạp chí Cancer Cell tiết lộ rằng, căng thẳng thúc đẩy sự di căn của ung thư bằng cách khiến bạch cầu trung tính hình thành các cấu trúc tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giảm căng thẳng vào điều trị ung thư và gợi ý những con đường mới để ngăn ngừa sự di căn của ung thư thông qua các liệu pháp nhắm mục tiêu.
Tác giả của nghiên cứu Xue-Yan He (Trợ lý Giáo sư về Sinh học và Sinh lý học Tế bào tại Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ) cho biết: "Căng thẳng là điều chúng ta thực sự không thể tránh được ở bệnh nhân ung thư. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải hiểu căng thẳng tác động lên họ như thế nào".
Giờ đây, nhóm nghiên cứu đã đạt được bước đột phá trong việc hiểu chính xác điều này. Họ phát hiện ra rằng căng thẳng khiến một số tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính hình thành các cấu trúc giống như mạng dính khiến các mô cơ thể dễ bị di căn hơn. Phát hiện này có thể chỉ ra các chiến lược điều trị mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của ung thư trước khi nó bắt đầu.
Các tác giả đã thử nghiệm và mô phỏng tình trạng căng thẳng mãn tính ở những con chuột mắc bệnh ung thư. Đầu tiên, họ loại bỏ các khối u phát triển ở ngực chuột và lây lan tế bào ung thư đến phổi của chúng. Tiếp theo, họ cho chuột tiếp xúc với căng thẳng. Đáng ngạc nhiên là các tổn thương di căn ở chúng lan rộng nhanh chóng và tỷ lệ di căn tăng gấp 4 lần.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các hormone gây căng thẳng có tên là glucocorticoid tác động lên bạch cầu trung tính. Những bạch cầu trung tính "bị căng thẳng" này hình thành các cấu trúc giống như mạng nhện gọi là NET (bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính). Thông thường, chúng có thể bảo vệ chúng ta khỏi các vi sinh vật xâm nhập. Tuy nhiên, trong bệnh ung thư, NET tạo ra môi trường thuận lợi cho di căn.
Tiềm năng của các chiến lược điều trị mới cho bệnh nhân ung thư
Để xác nhận rằng căng thẳng kích hoạt sự hình thành NET, dẫn đến đẩy nhanh quá trình ung thư di căn, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 3 thử nghiệm. Đầu tiên là loại bỏ bạch cầu trung tính khỏi chuột bằng kháng thể. Tiếp theo là tiêm thuốc phá hủy NET vào động vật. Cuối cùng là sử dụng những con chuột có bạch cầu trung tính không thể đáp ứng với glucocorticoid. Mỗi bài kiểm tra đều đạt được kết quả tương tự. Những con chuột bị căng thẳng không còn phát triển di căn nữa.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng căng thẳng mãn tính khiến sự hình thành NET làm thay đổi mô phổi ngay cả ở những con chuột không bị ung thư. Điều này có nghĩa giảm căng thẳng nên là một phần của việc điều trị và phòng ngừa ung thư.
Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng, trong tương lai, các loại thuốc ngăn chặn sự hình thành NET có thể mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị ung thư chưa di căn. Những phương pháp điều trị triển vọng này có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của bệnh ung thư.